Mới đây xung quanh ồn ào về BKAV gửi sản phẩm demo kém chất lượng đến nhà phân phối, chuỗi CellphoneS tuyên bố đã lên tiếng khẳng định sẽ không hợp tác với BKAV trong việc phân phối các sản phẩm mới, đặc biệt là trong việc bán hai mẫu tai nghe gây tranh cãi AirB và AirB Pro.
Ông Huy Nguyễn, đại diện truyền thông CellphoneS cho biết hệ thống này đã dừng phân phối các sản phẩm của BKAV. Ông cũng tuyên bố "từ nay về sau cũng không bán bất cứ cái gì từ BKAV nữa".
3 sinh viên ngoại thương khởi nghiệp với 20 triệu đồng
CellphoneS là một trong ba hệ thống bán lẻ điện thoại lớn ở Việt Nam bên cạnh Thế giới Di động và FPT Shop. Tuy nhiên thông tin về chuỗi bán lẻ này vẫn hiếm hoi xuất hiện trên truyền thông.
Theo thông tin từ trang web của CellphoneS, đơn vị sở hữu chuỗi này là công ty TNHH Thương mại và dịch vụ Diệu Phúc. Công ty này có địa chỉ tại 350-352 Võ Văn Kiệt, phường Cô Giang, quận 1, Tp. Hồ Chí Minh. Người đại diện của công ty Diệu Phúc là ông Đỗ Trần Trung. Tuy nhiên chuỗi này được sáng lập bởi 2 anh em sinh đôi người Thái Bình cùng 1 người bạn của họ.
Năm 2007, 3 sinh viên gồm 2 anh em sinh đôi quê Thái Bình là Nguyễn Anh Văn và Nguyễn Học cùng một người bạn khác dấn thân vào nghề buôn bán điện thoại.
Chân dung 3 người đồng sáng lạp CellphoneS.
Từ khi là sinh viên năm 2 đại học Ngoại thương, 3 người đều có niềm đam mê với những chiếc điện thoại di động màn hình cảm ứng. Họ bắt đầu kinh doanh với số vốn chỉ 20 triệu đồng.
Vốn ít, 3 chàng trai chọn phương thức bán hàng từ xa. Địa điểm giao dịch có thể tại nhà, quán cafe hay bất cứ nơi nào có thể ngồi trao đổi. Sau 3 năm, cả nhóm mới quyết định mở cửa hàng. 3 người bạn quyết định chọn Thái Hà, con phố chuyên bán các thiết bị máy tính, sau này là điện thoại, để mở một cửa hàng nhỏ.
Thế nhưng sau 6 tháng mở cửa hàng doanh số không tăng trong khi hàng loạt chi phí kéo đến so với trước. Không những vậy 3 chàng trai chưa có kinh nghiệm kinh doanh nên công việc trở nên quá tải với việc quản lý hàng tồn kho, bảo hành cho đến dịch vụ sau bán hàng. Khi đó, họ phải đương đầu với nguy cơ phá sản. May mắn họ được một nhà đầu tư đỡ đầu để vượt qua khó khăn thời điểm này.
Ban đầu 3 người chọn tên CellphoneUK để khởi nghiệp. Sau này 3 nhà sáng lập đổi tên thành CellphoneS với tượng trưng cho hình chữ S của Việt Nam cũng như giá trị văn hóa gồm strength (sức mạnh), smiles (nụ cười).
Hợp tác với kênh YouTube nổi tiếng
Bên cạnh công việc kinh doanh chính, sau này một thành viên của CellphoneS là HuyNL mở kênh Youtube có tên "Schannel" với mục đích ban đầu là hỗ trợ việc quảng bá, bán hàng cho chuỗi CellphoneS.
Vượt qua cả kỳ vọng, Schannel không chỉ là kênh review sản phẩm công nghệ mà đã phát triển thêm đa dạng nội dung và trở thành nơi cung cấp thông tin, nội dung giải trí được yêu thích của nhiều người trẻ Việt. Hiện Schannel có hơn 2,92 triệu lượt đăng ký.
Sau này, anh Huy quyết định rời khỏi CellphoneS để tập trung phát triển, bành trướng Schannel. Tuy nhiên, hiện tại Schannel và CellphoneS vẫn là 2 đối tác quan trọng của nhau.
Để có thể đạt được thành công như hiện tại, CellphoneS đã tập trung phát triển hệ thống quản trị cả về con người lẫn hệ thống phần mềm. Điều này giúp doanh nghiệp này kiểm soát tốt được hoạt động kinh doanh cũng như chất lượng dịch vụ và thành quả là chất lượng dịch vụ, chính sách bảo hành, đổi trả tốt và giá bán của CellphoneS luôn thuộc nhóm tốt nhất trên thị trường.
Chia sẻ trên Zing, Nguyễn Anh Văn cho biết nếu không theo con đường kinh doanh, anh có thể đã theo nghề giảng dạy. Dù vừa khởi nghiệp kinh doanh vừa đi học nhưng chàng trai này vẫn nhận được học bổng dành cho top 1% sinh viên xuất sắc của Trường Đại học Ngoại thương. Tuy nhiên đứng trước việc lựa chọn phát triển kinh doanh hay theo đuổi nghiệp học hành, Anh Văn quyết định đồng hành cùng em trai và bạn để xây dựng CellphoneS đến hôm nay.
Thảo Nguyên (Tổng hợp)
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị