Báo cáo triển vọng ngành ngân hàng năm 2021, Công ty chứng khoán BSC cho biết, mục tiêu tín dụng 13% trong năm 2021 của NHNN được hỗ trợ bởi việc nới chỉ tiêu tín dụng trong quý IV/2021 cho các ngân hàng.
Cụ thể, nhiều ngân hàng được cấp thêm chỉ tiêu tín dụng trong quý IV/2021, như TPBank được cấp room tăng trưởng cao nhất là 23,4% cho cả năm 2021 (tăng từ mức 17,4% trước đó). 3 ngân hàng khác được tăng trưởng tín dụng trên 20% trong năm nay còn có Techcombank (22,1%), MSB (22%) và MBB (21%).
Ngoài ra, một số ngân hàng khác cũng được nới room tín dụng như: VIB (19,1%), VPBank (17,1%), Vietcombank (15%), OCB (15%), ACB (13,1%), VietinBank (12,5%), BIDV (12%),...
Điều này được cho là sẽ giúp các ngân hàng có thêm dư địa tăng trưởng trong thời gian tới.
BSC cho rằng, trong năm 2022, dự báo nhu cầu tín dụng sẽ tiếp tục ở mức cao xấp xỉ 13%, nhờ nền kinh tế tiếp tục hồi phục nền kinh tế sau dịch bệnh; gói hỗ trợ có thể lên đến 800.000 tỷ đồng trong 2 - 3 năm sẽ thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng và sản xuất kinh doanh.
Nhiều ngân hàng gia tăng tỷ trọng trái phiếu doanh nghiệp như MB, Techcombank, TPBank, VPBank, MSB thông qua trái phiếu doanh nghiệp, nhiều ngân hàng cải thiện được NIM do lãi suất cao hơn so với cho vay trực tiếp.
Các ngân hàng cũng đang tập trung huy động CASA giúp giảm chi phí vốn và đây là xu hướng chung trong thời gian tới của các ngân hàng. Bên cạnh đó, việc tiếp tục giảm lãi suất huy động giúp các ngân hàng tiết giảm chi phí vốn trong năm 2021 và 2022. Một số ngân hàng có lợi thế về tỷ lệ CASA cao (Techcombank, MB, Vietcombank, MSB) với tỷ lệ cao hơn 30% giúp cho các ngân hàng này có chi phí vốn thấp, từ đó giúp gia tăng hiệu quả về cho vay.
BSC dự báo NIM trong năm 2022 sẽ tăng 0,35% so với năm 2021 do sự phục hồi của nền kinh tế giúp tăng trưởng tín dụng cao, đặc biệt tập trung vào nhóm SME và cá nhân với NIM cao; cùng với đó lãi suất cho vay phục hồi sau thời gian hỗ trợ (ước tính hết năm 2021); và tăng cơ cấu CASA trong năm 2022 giúp giảm chi phí vốn.
Cập nhật dự báo doanh thu và lợi nhuận của toàn ngành ngân hàng năm 2021, BSC cho rằng, ở mức 406.694 tỷ đồng (tăng 16,7% so với năm trước) và 163.846 tỷ đồng (tăng 24,2%).
Dài hạn hơn, trong năm 2022, bộ phận phân tích của BSC kỳ vọng tốc độ tăng trưởng của ngành ngân hàng sẽ tốt hơn so với dự báo, lên mức 22,2% (so với mức 18,4% dự báo trước đó) nhờ kinh tế phục hồi sau dịch và mức nền lợi nhuận thấp hơn trong năm 2021.
Ngành ngân hàng đang được định giá ở mức 1,7x P/B tính đến hết ngày 19/11/2021, giảm khoảng 15% so với đỉnh toàn ngành do ảnh hưởng bởi dịch bệnh khiến nhà đầu tư lo ngại về sự sụt giảm lợi nhuận so với kỳ vọng đầu năm.
Tuy nhiên BSC cho rằng, chất lượng tài sản của các nhà băng đang trong tầm kiểm soát, tỷ lệ nợ xấu và bao phủ nợ ở mức cao và đang được cải thiện, tỷ lệ nợ xấu khoảng 1,6 - 1,7%. Một số ngân hàng đã tăng trích lập dự phòng, và cải thiện mạnh tỷ lệ bao phủ nợ xấu (BIDV, MB, Techcombank, Vietcombank…).
Trong khi đó, tỷ lệ an toàn vốn (CAR) theo Basel II tiếp tục được giữ ở mức cao, và tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn giữ ở mức an toàn. Các tỷ lệ đều đảm bảo tốt tỷ lệ yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước.
Ngoài ra, việc nhiều ngân hàng được cấp thêm chỉ tiêu tín dụng trong quý IV/2021, sẽ giúp các ngân hàng có thêm dư địa tăng trưởng trong thời gian tới. BSC cho rằng, Covid-19 không làm điều chỉnh giảm quá nhiều lợi nhuận trong điều kiện các ngân hàng đã hoàn thành khoảng 80% kế hoạch của cả năm và trích lập phần lớn các khoản nợ tái cơ cấu cần trích trong năm 2021./.
Xem thêm: lmth.99380000042210202-02-nert-nel-gnud-nit-moor-ion-coud-gnah-nagn-4/nv.semitaer