Nếu nới lỏng cơ chế chính sách, chấp nhận để doanh nghiệp đối diện rủi ro với các sản phẩm mới, Việt Nam có thể sẽ có được một thế hệ chiến sĩ cách mạng công nghệ. Đó là chia sẻ của ông Hoàng Mai Chung - Chủ tịch Công ty Cổ phần Tập đoàn Meey Land tại Diễn đàn cấp cao về Công nghiệp 4.0.
COVID-19 sẽ thúc đẩy tiến trình công nghiệp hoá
Chia sẻ ý kiến tại Diễn đàn cấp cao về Công nghiệp 4.0 do Ban Kinh tế Trung ương tổ chức, ông Hoàng Mai Chung - Chủ tịch Công ty Cổ phần Tập đoàn Meey Land Hoàng Mai Chung nhìn nhận, công nghiệp hóa, hiện đại hóa là xu thế toàn cầu. COVID-19 đang thúc đẩy tiến trình này.
Thị trường đứt gãy do tác động của COVID-19 đã xuất hiện những khe hở của thị trường, một “tệp” nhu cầu đòi hỏi những sản phẩm dịch vụ kiểu mới để bù đắp cho cái cũ bị khiếm khuyết.
Nếu như trong các giai đoạn 2.0 hay 3.0 trước, nền tảng phần mềm mới, thiết bị số và con người số vẫn chưa sẵn sàng thì không thể tạo ra các sản phẩm số để giải quyết những đứt gãy của thị trường. Tuy nhiên, với sự phát triển của Cách mạng công nghiệp 4.0, đổi mới sáng tạo sẽ từ đây sinh ra.
Cần có cơ chế chính sách thúc đẩy doanh nghiệp startup
Theo ông Hoàng Mai Chung, việc tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 gắn liền với đổi mới sáng tạo, bên cạnh đó là một mô hình kinh doanh kiểu mới, sản phẩm mới.
Tuy nhiên, hiện sản phẩm mới rất khó được cấp phép bởi đang áp dụng những điều kiện, chuẩn mực cũ vào. Khi doanh nghiệp đặt câu hỏi trên thì có ít cơ hội để được diễn giải, hoặc không có phản hồi.
Ngoài ra, với doanh nghiệp quan trọng nhất là vốn. Nguồn lực lớn thì sẽ có nhân tài, đầu tư trang thiết bị hiện đại, cơ sở vật chất tối tân, mua được những công nghệ tiên tiến. Nhưng doanh nghiệp khởi nghiệp lại rất khó để huy động vốn mà không mất đi định hướng chiến lược của doanh nghiệp.
“Mong cơ quan Nhà nước có cái nhìn cởi mở, hỗ trợ nhiều hơn cho doanh nghiệp để doanh nghiệp làm thật, làm đúng”, ông Chung đề nghị.
Cụ thể, nếu các cơ chế, chính sách của Đảng, Nhà nước cởi mở hơn, cơ quan quản lý chấp nhận những rủi ro cho doanh nghiệp, để họ có thể mạo hiểm, dám làm, dám chịu trách nhiệm với các sản phẩm mới thì chắc chắn Việt Nam có được một thế hệ chiến sĩ cách mạng công nghệ.
Các doanh nghiệp khi được cởi trói sẽ thỏa sức sáng tạo. Hàng loạt những sáng kiến về sản phẩm dịch vụ mới bất ngờ sẽ ra đời.
Lúc đó, Việt Nam sẽ lớn mạnh về nội lực và tăng trưởng quy mô quốc tế nhanh chóng để tăng doanh số đặc biệt là các sản phẩm dịch vụ có hàm lượng chất xám và công nghệ. Hệ thống vận hành tự động được chuyển đổi số hóa hoàn toàn để trở thành những người khổng lồ. Bởi hệ thống vận hành không đòi hỏi quy mô quá lớn nữa mà được thu hẹp bằng cách chuyển đổi số và tự động hóa. Doanh thu sẽ khổng lồ so với vốn đầu tư.
Các nhà lãnh đạo chỉ việc định hướng tầm chiến lược còn các cơ quan quản lý hỗ trợ và giám sát đánh giá giúp cho doanh nghiệp làm đúng, làm khỏe, làm năng suất chất lượng hơn. Khi doanh nghiệp có đủ lực thì họ sẽ vươn ra thế giới để đem về dòng tiền cho quốc gia. Doanh nghiệp lớn mạnh sẽ chủ động tái đầu tư tài chính cho các doanh nghiệp khác hoặc trở thành các tập đoàn với hệ sinh thái lớn.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng sẽ chủ động cùng với nhà nước giải các bài toán lớn về hạ tầng hoặc các vấn đề khác mang tầm vĩ mô mà hiện Đảng và Nhà nước đang đau đáu muốn thực hiện mà vẫn chưa có đủ nguồn lực.
Xem thêm: odl.179779-hnam-nol-neirt-tahp-putrats-peihgn-hnaod-ed-om-ehc-oc-nac/et-hnik/nv.gnodoal