Đám đông đi qua các cơ sở kinh doanh của người Trung Quốc bị đốt phá sáng 26-11 - Ảnh: AFP
Bạo động vẫn tiếp diễn sang ngày 26-11 tại Honiara, khiến nhiều người lo lắng không dám ra đường. Đây đã là ngày thứ ba liên tiếp bất ổn tại đảo quốc Solomon Islands (Quần đảo Solomon), buộc chính quyền của Thủ tướng Manasseh Sogavare phải cầu cứu sự hỗ trợ quốc tế.
Úc, quốc gia láng giềng, đã đáp lời và triển khai khoảng 100 cảnh sát đến bảo vệ các cơ sở hạ tầng trọng yếu của Solomon Islands.
Theo lời một nhân chứng của Hãng tin Reuters, cảnh sát Úc cũng được triển khai giành lại khu Chinatown và đang dần kiểm soát tình hình.
Cướp bóc và đốt phá tại khu vực này vẫn xảy ra vào sáng 26-11, trước khi đám đông bị đẩy lùi bằng hơi cay.
Theo truyền thông Trung Quốc, nhiều cơ sở làm ăn của người Trung Quốc đã bị cướp bóc, ít nhất một nhà kho thuốc lá cũng bị đốt trong bạo loạn.
Đám đông trước đó còn phóng hỏa một tòa nhà gần nhà của ông Sogavare, buộc cảnh sát bắn cảnh cáo để giải tán, theo Hãng thông tấn AFP.
Cảnh sát Úc và chính quyền Honiara đang cố gắng ổn định tình hình, bao gồm ban bố lệnh giới nghiêm từ 19h ngày 26-11.
Khói lửa bốc lên từ khu Chinatown tại thủ đô Honiara của Solomon Islands ngày 25-11 - Ảnh: REUTERS
Thủ tướng Sogavare cáo buộc có sự can thiệp và xúi giục của nước ngoài, lợi dụng mâu thuẫn giữa chính quyền trung ương ở Honiara và người dân trên đảo Malaita.
"Chúng tôi biết đó là ai nhưng tôi không muốn nêu tên và sẽ để ở đó", ông Sogavare nói với Đài ABC News của Úc ngày 25-11.
"Những quốc gia không muốn đất nước của tôi có quan hệ ngoại giao với Trung Quốc đã tác động đến người dân Malaita. Thật tiếc cho những người dân ở Malaita vì họ đã bị lừa gạt có chủ ý và được cung cấp những thông tin sai lệch về việc thiết lập quan hệ với Trung Quốc".
Ông Sogavare đang đề cập đến quyết định năm 2019 khi chính phủ của ông cắt đứt quan hệ với Đài Loan và chuyển sang thiết lập quan hệ với Trung Quốc đại lục.
Theo Reuters, điều này đã tạo ra cảm giác bất mãn ở đảo Malaita, nơi tập trung hơn 1/3 dân số của Solomon Islands. Quan hệ giữa Malaita và chính quyền trung ương đã luôn đối đầu và suýt dẫn đến nội chiến vì vấn đề sắc tộc.
Những khó khăn do dịch COVID-19 đã thổi bùng căng thẳng luôn âm ỉ và cuối cùng dẫn tới biểu tình, bạo loạn tại Honiara từ ngày 24-11.
Trong cuộc họp báo ngày 25-11, phát ngôn viên Triệu Lập Kiên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc ám chỉ có nỗ lực phá hoại từ bên ngoài. Ông này cũng nhấn mạnh các nỗ lực chia rẽ quan hệ Trung Quốc - Solomon Islands chắc chắn sẽ thất bại.
Vị này kế đó bày tỏ tin tưởng dưới sự lãnh đạo của Thủ tướng Sogavare, tình hình bất ổn tại Honiara sẽ được kiểm soát.
"Trung Quốc rất quan ngại về các cuộc tấn công nhằm vào công dân Trung Quốc và các cơ sở kinh doanh có vốn Trung Quốc. Chính phủ sở tại cần thực hiện tất cả các biện pháp cần thiết để bảo vệ sự an toàn của các công dân và cơ sở Trung Quốc", ông Triệu kêu gọi.
Phát ngôn viên của cơ quan đối ngoại Đài Loan bác bỏ vùng lãnh thổ này dính líu tới bất ổn tại Solomon Islands. Trung Quốc xem Đài Loan là một tỉnh của nước này và phản đối các nước thiết lập quan hệ với Đài Bắc.
TTO - Ngày 21-11, Trung Quốc đã hạ cấp quan hệ ngoại giao với Lithuania, và bày tỏ 'sự bất mãn mạnh mẽ' với Lithuania vì cho 'vùng lãnh thổ Đài Loan' mở văn phòng đại diện ở quốc gia châu Âu này.
Xem thêm: mth.67743435162111202-gnod-oab-gnort-ahp-tod-cob-pouc-ib-nomolos-oad-nauq-o-nwotanihc-uhk/nv.ertiout