vĐồng tin tức tài chính 365

Đòn tâm lý thời cổ đại bẫy kẻ 'có tật giật mình'

2021-11-26 19:04

Theo Hô Diên Vân, tác giả tiểu thuyết trinh thám nổi tiếng, phương pháp điều tra tội phạm thời cổ đại của Trung Quốc gồm tám loại: nhìn mặt, tra tấn, lợi dụng quỷ thần, báo mộng, thí nghiệm, tra cứu sách vở, suy luận, và lợi dụng tâm lý tội phạm.

Tâm lý học tội phạm và khoa học hành vi hiện đại là phương pháp điều tra tội phạm, phân tích đặc điểm hành vi của nghi phạm thông qua các bằng chứng và manh mối thu được từ các cuộc điều tra và khám nghiệm hiện trường, từ đó thu hẹp phạm vi điều tra và xác định chính xác hung thủ.

Thời Trung Quốc cổ đại, phá án nhờ lợi dụng tâm lý tội phạm là phương pháp dựa vào các đặc điểm tâm lý nhất định của tội phạm để gài bẫy, khiến chúng tự chui đầu vào lưới. Một vụ án kinh điển sử dụng phương pháp này là kỳ án "sờ chuông".

"Sờ chuông" là câu chuyện "Trần Thuật Cổ bắt trộm" được nhà khoa học Thẩm Quát ghi chép trong cuốn Mộng Khê Bút Đàm, hoàn thành năm 1088 thời Bắc Tống.

Trần Thuật Cổ tên thật là Trần Tương, là người gốc Hầu Quan thời nhà Tống (nay là huyện Mân Hầu, tỉnh Phúc Kiến), từng làm Xu mật trực học sĩ, hàng Chính tam phẩm. Khi Trần Thuật Cổ nhậm chức huyện lệnh huyện Phố Thành ở Kiến Châu (nay là thành phố Kiến Âu, Phúc Kiến), một nhà giàu trong vùng bị trộm vào ban đêm, mất nhiều của cải. Nhiều kẻ tình nghi bị bắt nhưng không tra ra được thủ phạm thực sự.

Trần Thuật Cổ nói: "Có một quả chuông trong chùa rất linh thiêng, có thể phân biệt được kẻ trộm cắp". Ông sai người mang chuông về, đặt nó trên lầu gác mái, tổ chức tế lễ. Tất cả nghi phạm được dẫn đến trước chuông.

Ông nói với họ: "Điểm thần kỳ của chiếc chuông này là nếu một người không phải kẻ trộm, khi sờ vào nó sẽ không phát ra âm thanh. Nhưng nếu là kẻ từng trộm cắp thứ gì, sờ vào nó sẽ lập tức phát ra tiếng".

Trần Thuật Cổ dẫn đầu các quan sai trong huyện trịnh trọng làm lễ cầu nguyện chuông thần hiển linh, rồi dùng màn vây kín. Lần lượt từng nghi phạm vào trong màn sờ chuông. Đến cuối cùng, chuông không hề phát ra âm thanh. Lúc này, Trần Thuật Cổ yêu cầu các nghi phạm giơ tay lên, hầu hết đều có vết mực nước màu đen trên lòng bàn tay.

Thì ra, sau khi che màn, Trần Thuật Cổ sai người bôi đầy mực nước lên quả chuông, kẻ trộm thực sự sẽ sợ chuông phát ra tiếng nên không dám sờ vào. Bàn tay sạch sẽ đã tố cáo hành vi phạm tội của hắn.

Đây là cách phá án cổ xưa, không phải do Trần Thuật Cổ nghĩ ra, hiện nguồn gốc của nó vẫn chưa được làm rõ. Bút ký Chỉ văn lục của cư sĩ Dong Nột thời nhà Thanh cũng kể câu chuyện có cách phá án tương tự.

Vụ án kỳ lạ xảy ra ở huyện nọ, giữa ban ngày, một phụ nữ chết đuối trong vại nước, hai chân chổng ngược. Ban đầu, ai cũng cho rằng người phụ nữ không cẩn thận, bị mất thăng bằng và ngã vào vại. Nhưng ngay sau đó, một đứa trẻ nói rằng đã nhìn thấy người hàng xóm tên Giáp đẩy cô gái vào vại nước.

Quan phủ lập tức bắt Giáp, ông ta liên tục kêu oan. Khi đối chất, đứa trẻ khăng khăng chính mắt nhìn thấy gây án. Vụ án có thể được kết luận là Giáp cố ý giết người, nhưng tri phủ cảm thấy ông này không giống tội phạm sát nhân. Theo luật lệ nhà Thanh, không thể tra tấn bức cung trẻ vị thành niên, vì vậy tri phủ đành gọi đứa trẻ vào thư phòng, cho đồ ăn nhưng vẫn không có kết quả khác.

Tri phủ bèn đưa tất cả người liên quan đến miếu Thành Hoàng, trước tiên dùng tro than bôi đen bên trong chuông rồi nói: "Tối qua Thành Hoàng báo mộng cho ta, bằng lòng giúp ta tìm ra hung thủ. Ngài sẽ viết tên hung thủ vào lòng bàn tay kẻ đó. Các ngươi đưa tay vào trong chuông rồi lập tức rút ra, nhưng không được dán lòng bàn tay lên chuông nếu không Thành Hoàng sẽ không viết được".

Khi tri phủ lệnh cho tất cả rút tay ra, mọi người đều kinh ngạc vì tay ai cũng sạch sẽ, chỉ có bố chồng của nạn nhân dính tro đen sì. Hóa ra, ông ta luôn không vừa mắt con dâu nên đẩy cô vào vại nước, rồi dùng tiền mua chuộc đứa trẻ làm chứng giả, đổ tội cho người hàng xóm mình ghét.

Cách phá án đánh vào tâm lý "có tật giật mình" còn xuất hiện trong phần Yên Chi thuộc tập truyện ngắn Liêu trai chí dị của tác giả Bồ Tùng Linh, lưu truyền từ triều Khang Hy nhà Thanh.

Bìa minh họa truyện Yên Chi trong tập Liêu trai chí dị. Ảnh: wantubizhi

Bìa minh họa truyện Yên Chi trong tập Liêu trai chí dị. Ảnh: wantubizhi

Yên Chi xoay quanh nhân vật chính là nàng Yên Chi, con gái nhà họ Biện ở phủ Đông Xương. Yên Chi cảm mến tú tài họ Ngạc, muốn hẹn gặp riêng chàng nhưng lại bị kẻ lưu manh tên Mao Đại biết được. Nửa đêm, Mao Đại đóng giả tú tài trèo tường vào nhà người đẹp, nhưng vì không quen thuộc đường đi lối lại, hắn đến nhầm phòng ngủ của cha Yên Chi, bị ông phát hiện. Hai người đánh nhau, Mao Đại sát hại ông rồi bỏ trốn.

Hôm sau, quan phủ bắt tú tài theo lời thú tội của Yên Chi. Tú tài họ Ngạc 19 tuổi, là người nhút nhát, không giỏi ăn nói. Sau khi bị bắt, anh ta run rẩy sợ hãi đến mức không nói nên lời, khiến quan phủ cho rằng anh ta đang có tật giật mình. Không chịu nổi tra tấn, anh ta đành nhận tội và bị kết án tử hình.

May mắn khi xử phúc thẩm, Ngô Nam Đại, tri phủ Tế Nam, vừa nhìn tú tài đã nghi ngờ anh ta không phải kẻ giết người. Sau khi xét hỏi kỹ càng, Ngô Nam Đại phán tú tài bị oan.

Sai người điều tra, ông bắt được vài nghi phạm, đưa đến miếu Thành Hoàng rồi bảo họ quỳ trước bàn thờ. Ông nói: "Hung thủ chính là một kẻ trong các người. Hôm nay ở trước mặt thần, không được phép điêu trá. Nếu tự thú, có thể được khoan hồng, bằng không một khi bị tra ra thì chắc chắn tội không thể tha". Tất cả nghi phạm đều nhận vô tội.

Ngô Nam Đại bèn nói "hãy để quỷ thần nghiệm chứng", rồi sai người che kín cửa sổ khiến ngôi miếu tối đen như mực. Tất cả nghi phạm bị cởi áo, cho rửa tay trong chậu nước và bắt đứng quay mặt vào tường. "Đứng yên, lát nữa sẽ có quỷ thần viết chữ lên lưng kẻ sát nhân", Ngô Nam Đại dặn.

Một lúc sau, ra khỏi đại điện tối đen, họ phát hiện lưng của một nghi phạm bị dính đầy bụi và còn có hai dấu tay trên đó. Kẻ đó chính là Mao Đại.

Thì ra, nhân lúc tối tăm không nghi phạm nào phát giác, Ngô Nam Đại đã sai người phủ một lớp bụi trắng lên tường, lại bỏ tro than vào chậu nước rửa tay. Những kẻ khác thành thật đứng quay mặt vào tường, chỉ có hung thủ thực sự vì sợ bị viết chữ mà đứng dán lưng vào tường, sau đó lại lấy tay che lưng, nên trên lưng hắn mới có một lớp nền bụi trắng và hai dấu tay đen.

Người xưa lợi dụng tâm lý tội phạm để phá án không chỉ có chiêu "sờ chuông", như vụ án "trâm vàng mất cắp" trong Tống sử.

Một hộ giàu có bị mất chiếc trâm vàng quý giá, lúc đó trong nhà chỉ có hai người hầu gái làm việc tại nơi đặt chiếc trâm. Cả hai bị nghi ngờ ăn cắp và bắt lên quan phủ. Hai người một mực kêu oan. Lưu Tể, quan huyện Thái Hưng, không tra tấn để bắt ép nghi phạm thú tội như cách làm thường thấy thời đó mà đưa cho mỗi nghi phạm một ống sậy. Ông nói: "Đây là cây sậy thần, có thể phân biệt thật giả. Mỗi người mang một ống về, hôm sau lại mang đến đây. Kẻ không ăn trộm thì ống sẽ y nguyên, còn ống của kẻ trộm sẽ dài ra hai tấc".

Sáng hôm sau, hai người hầu mang ống sậy đến, Lưu Tể xem xét thì thấy một ống y nguyên, một ống ngắn hơn đúng hai tấc. Hóa ra, kẻ lấy trộm chiếc trâm vàng sợ hãi cả đêm, lo lắng ống sậy sẽ dài ra nên sáng dậy cô ta đã cắt ngắn nó đi hai tấc, tự khiến mình bại lộ.

Quyển thứ 39 của Tam quốc chí có câu "công tâm vi thượng", nghĩa là "đánh vào lòng người là thượng sách". Trong thời cổ đại không có khoa học kỹ thuật trợ giúp phá án, người xưa lợi dụng tài tình một số đặc điểm tâm lý của tội phạm như sợ hãi, có tật giật mình, lương tâm cắn rứt, muốn che đậy tội ác bằng mọi giá, thậm chí tự bảo vệ bản thân quá mức, để từ đó dùngkế "gậy ông đập lưng ông".

Tuệ Anh (Theo The Paper)

Xem thêm: lmth.9634934-iad-oc-ioht-na-ahp-hcac-gnort-yl-mat-nod/ten.sserpxenv

Comments:0 | Tags:No Tag

“Đòn tâm lý thời cổ đại bẫy kẻ 'có tật giật mình'”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools