Sau khi lãi suất ngân hàng gửi tiết kiệm giảm mạnh, đầu tư chứng khoán và trái phiếu đang lên ngôi.
Theo thống kê của Hiệp hội thị trường trái phiếu Việt Nam, chỉ trong 3 tuần đầu tháng 11, đã có tổng cộng 20 đợt phát hành riêng lẻ trái phiếu doanh nghiệp, với tổng giá trị phát hành trên 10.200 tỷ đồng.
Còn tính từ đầu năm đến nay, quy mô giá trị phát hành trái phiếu đã lên tới 430.000 tỷ đồng, tăng 27% so với cùng kỳ năm 2020.
Từ nay đến cuối năm sẽ là cao điểm gọi vốn qua kênh trái phiếu của nhiều doanh nghiệp. Bên cạnh những tác động tích cực đối với doanh nghiệp, việc phát hành trái phiếu riêng lẻ cũng bộc lộ nhiều rủi ro cho nhà đầu tư và có nguy cơ gây mất an ninh, an toàn nền tài chính quốc gia.
Chỉ trong 3 tuần đầu tháng 11, đã có tổng cộng 20 đợt phát hành riêng lẻ trái phiếu doanh nghiệp. (Ảnh minh họa - Ảnh: Dân trí)
Ngành bất động sản dẫn đầu với giá trị trái phiếu phát hành là 172.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 40%. Tiếp theo là ngân hàng với 116.000 tỷ đồng, chiếm hơn 30% tổng giá trị phát hành.
Ngành xây dựng và bất động sản vẫn duy trì mức lãi suất phát hành cao với trung bình trên 10%/năm. Đáng chú ý, có tới 26% trái phiếu doanh nghiệp phát hành trong các ngành này không có tài sản đảm bảo hoặc bảo đảm bằng cổ phần, hoặc không được thực hiện xếp hạng tín nhiệm độc lập, gây nên những nghi ngại về rủi ro vỡ nợ không kiểm soát được.
Tổ chức tài chính Fiingroup cảnh báo, chất lượng các nhà phát hành trái phiếu là các doanh nghiệp chưa niêm yết. Các chỉ số đánh giá khả năng trả nợ của nhóm nhà phát hành này đều ở mức rất kém, tiềm ẩn rủi ro cho cả nhà đầu tư trái phiếu và tín dụng ngân hàng.
Ngân hàng có nợ xấu dưới 3% mới được mua trái phiếu doanh nghiệp
Ngoài những tác động tích cực giúp các doanh nghiệp huy động vốn cho sản xuất, kinh doanh, thị trường trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ cũng tiềm ẩn những hiểm họa khôn lường.
Một số doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp bất động sản, phát hành trái phiếu với lãi suất cao, chất lượng tài sản đảm bảo của trái phiếu hạn chế, chủ yếu là các dự án đầu tư, tài sản hình thành trong tương lai hoặc cổ phiếu của doanh nghiệp bất động sản, có sự tham gia của nhà đầu tư cá nhân nhỏ, lẻ.
Còn với các tổ chức tín dụng, mới đây, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư quy định các tổ chức tín dụng chỉ được mua trái phiếu doanh nghiệp khi có tỷ lệ nợ xấu dưới 3%. Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước cũng quy định rất rõ về 3 trường hợp các tổ chức tín dụng không được mua loại trái phiếu này.
Thứ nhất, tổ chức tín dụng không được mua trái phiếu doanh nghiệp phát hành trong đó có mục đích để cơ cấu lại các khoản nợ của chính doanh nghiệp phát hành.
Thứ hai, tổ chức tín dụng không được mua trái phiếu doanh nghiệp phát hành trong đó có mục đích để góp vốn, mua cổ phần tại doanh nghiệp khác.
Thứ ba, tổ chức tín dụng không được mua trái phiếu doanh nghiệp phát hành để tăng quy mô vốn hoạt động.
Bên cạnh đó, Thông tư cũng quy định tổ chức tín dụng không được bán trái phiếu doanh nghiệp cho công ty con của chính tổ chức tín dụng đó, trừ trường hợp tổ chức tín dụng là bên nhận chuyển giao bắt buộc bán trái phiếu doanh nghiệp cho ngân hàng thương mại được chuyển giao bắt buộc.
Siết mua bán trái phiếu doanh nghiệp
Dù đã được các cơ quan quản lý liên tục cảnh báo, nhưng lượng tiền đổ vào trái phiếu doanh nghiệp vẫn tăng đáng kể, tăng tới gần 40% so với các năm trước đây. Bởi vậy, việc siết lại các quy định về việc mua, đầu tư trái phiếu doanh nghiệp đối với các tổ chức tín dụng sẽ khiến dòng tiền chảy vào trái phiếu doanh nghiệp sẽ được kiểm soát chặt chẽ hơn trước.
Theo phân tích của nhiều chuyên gia, định chế tài chính, phát hành trái phiếu doanh nghiệp hiện vẫn tiếp tục tăng. Trong đó, trái phiếu doanh nghiệp bất động sản chiếm tới gần 40%.
Chỉ riêng từ đầu quý 3 đến nay, các doanh nghiệp bất động sản phát hành tới 85.500 tỷ đồng trái phiếu và người mua lại chủ yếu là các ngân hàng.
"Khi họ không thể vay vốn từ nguồn vốn ngân hàng, họ bắt buộc phải có động thái khác. Ở đây là việc phát hành trái phiếu để huy động thêm nguồn lực vào cho hoạt động của mình. Chúng tôi nhận thấy, quy mô của doanh nghiệp bất động sản phát hành trái phiếu thời gian vừa qua rất lớn, lãi suất cao dần lên, thời hạn ngắn hơn. Chúng tôi nhận thấy cơ cấu này cũng ẩn chứa rủi ro nhất định với nền kinh tế", ông Đỗ Bảo Ngọc, Phó Tổng Giám đốc Công ty Chứng khoán Kiến thiết, nhận định.
Mới đây, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư quy định các tổ chức tín dụng chỉ được mua trái phiếu doanh nghiệp khi có tỷ lệ nợ xấu dưới 3% (Ảnh minh họa - Ảnh: Báo Đầu tư)
Khi giới hạn tín dụng cho lĩnh vực bất động sản liên tục được kiểm soát, giám sát và hạn chế, việc phát hành trái phiếu được cho là cửa để các doanh nghiệp bất động sản có thể huy động được nguồn vốn cần thiết. Người mua trái phiếu của doanh nghiệp lại thường là các ngân hàng, tổ chức tín dụng, tức là cùng nằm trong hệ sinh thái kinh doanh, nôm na là tay phải bán cho tay trái và thực trạng sức khỏe của doanh nghiệp không được phản ánh đúng bản chất.
"Khi mua trái phiếu, họ sẽ mua phải những trái phiếu của những doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn về tài chính, thậm chí họ không kinh doanh một cách bình thường. Nhưng chính bởi khó khăn nên họ phải lấy trái phiếu để lấy nguồn vốn xử lý khó khăn của họ. Tuy nhiên về dài hạn, chưa chắc họ đã tạo ra nguồn lợi nhuận tốt để thanh toán đủ gốc, lãi cho nhà đầu tư", ông Đỗ Bảo Ngọc nói.
Khi dòng vốn nóng chảy vào lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro như bất động sản, hệ lụy của nó là sẽ tạo ra những bong bong tài sản. Điều này sẽ gây ra những tiêu cực cho nền kinh tế. Điển hình là dòng tiền chỉ chảy vào những lĩnh vực mang tính đầu cơ chứ không chảy vào những lĩnh vực sản xuất. Do vây, việc hạn chế dòng tiền chảy vào những lĩnh vực rủi ro là cần thiết.
"Cơ quan quản lý có những biện pháp hạn chế dòng vốn nóng chảy vào bất động sản. Tôi nghĩ trong ngắn hạn, thị trường bất động sản sẽ chịu những tác động nhất định", bà Trần Thị Khánh Hiền, Giám đốc Phân tích Công ty chứng khoán VNDIRECT, cho hay.
"Các ngân hàng đang phải điều chỉnh, cơ cấu lại hạn chế bớt cho vay vào những lĩnh vực được cho là rủi ro, cũng như không tập trung quá nhiều nguồn vốn vào 1 - 2 lĩnh vực", ông Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng BIDV, cho biết.
Việc đưa ra quy định hạn chế các tổ chức tín dụng đầu tư, mua trái phiếu doanh nghiệp của Ngân hàng Nhà nước sẽ có hiệu lực từ 15/1/2022. Thị trường trái phiếu doanh nghiệp chắc chắn sẽ có những điều chỉnh và sẽ có kỷ luật, kỷ cương hơn trước. Quan trọng hơn là dòng vốn chảy vào các thị trường có tính rủi ro cao cũng sẽ được kiểm soát chặt chẽ hơn.
Ngoài việc siết chặt thị trường trái phiếu, Vụ Tài chính Ngân hàng cũng khuyến cáo các nhà đầu tư không nên mua trái phiếu thông qua chào mời của các tổ chức cung cấp dịch vụ như công ty chứng khoán, ngân hàng thương mại khi chưa tìm hiểu kỹ về tình hình tài chính của doanh nghiệp phát hành và các điều kiện, điều khoản của trái phiếu.
Trái phiếu cần được đánh giá, phân tích trên các khía cạnh về lĩnh vực hoạt động, doanh nghiệp phát hành, tình hình tài chính, mục đích sử dụng vốn, chất lượng tài sản đảm bảo cũng như các điều kiện, điều khoản của trái phiếu.
VTV.vn - Theo chuyên gia, lãi suất trái phiếu hơn chục phần trăm là bình thường. Mua trái phiếu giống người cho vay, cơ hội kiếm lợi nhuận rất tốt nếu nhà đầu tư hiểu được rủi ro.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.59982648162111202-neit-iog-yaig-nab-ceiv-tahc-teis/et-hnik/nv.vtv