Thầy Nguyễn Xuân Khang cùng học sinh của mình - Ảnh: V.H.
Bạn có muốn xã hội phát triển không? Bạn có hoan nghênh con người chủ động, sáng tạo không? Nếu muốn như vậy thì chúng ta cơ bản nên ủng hộ bản tham luận tâm huyết của GS.TSKH Trần Ngọc Thêm trình bày ở Hội thảo giáo dục Việt Nam 2021 với chủ đề "Văn hóa học đường trong bối cảnh đổi mới giáo dục và đào tạo" ngày 21-11.
Bản tham luận của GS Thêm khá dài, 9 trang A4, xuyên suốt là vấn đề: "Để có xã hội phát triển thì điều quan trọng là cần phải có con người sáng tạo, mà để có con người sáng tạo thì trước hết phải có con người chủ động".
Theo quan điểm đó, GS Thêm đề nghị bỏ những khẩu hiệu, những cụm từ hoặc hình ảnh (khá phổ biến, hay nói đến) để biểu đạt mang tính thụ động, tính áp đặt như: "Con ngoan trò giỏi" (ngoan theo nghĩa ‘dễ bảo, vâng lời’, giỏi theo nghĩa ‘thuộc bài’) và "Tiên học lễ, hậu học văn".
Những liệt kê cụ thể đó, nên xem xét, nếu thực sự mang tính thụ động, áp đặt, đi ngược với điều ta mong muốn ở thế hệ thanh niên, học sinh bây giờ thì nên bỏ. Còn dĩ nhiên những khẩu hiệu, cụm từ không hạn chế tính chủ động, sáng tạo của con người thì cứ dùng.
Khẩu hiệu "Tiên học lễ, hậu học văn" có nên bỏ hay không? Theo tôi nên bỏ, vì hai lý do:
Thứ nhất, nhiều khẩu hiệu trong các trường học bấy lâu nay chỉ mang tính hình thức, tác dụng tích cực như mong muốn không còn nữa, nên bỏ đi hoặc không làm thêm nữa.
Thứ hai, sau khi GS Thêm đề nghị chấm dứt sử dụng khẩu hiệu này thì có nhiều ý kiến trái chiều, phân tích nghĩa của từ "lễ" và từ "văn", không giống như GS Thêm.
Giữa ồn ào dư luận đó, tôi nhận được thư của một phụ huynh kể, cô ấy đã đọc các tranh luận, ý kiến khác nhau rồi hỏi con trai học lớp 3: "Con có hiểu 'Tiên học lễ, hậu học văn' là gì không?". Cậu con trai trả lời không hiểu và cũng không được thầy cô trên lớp giảng giải về câu này.
Người lớn chúng ta, từ thầy cô giáo, phụ huynh, đến người có học hàm, học vị cao còn chưa hiểu đúng, hiểu hết thì trưng ra làm gì cho lũ trẻ hồn nhiên vô tư ở các trường học.
Năm 1992, khi mới thành lập Trường Marie Curie, bí thư Đoàn trường đề nghị tôi cho kẻ câu khẩu hiệu "Tất cả vì học sinh thân yêu" thật to, ở vị trí trang trọng nhất, ai cũng thấy… nhưng tôi không đồng ý.
Bởi "Tất cả vì học sinh thân yêu" phải hình thành trong đầu, ghi nhớ trong tim của thầy cô giáo, chú bảo vệ, chị lao công, chị cấp dưỡng của trường, trở thành việc làm hằng ngày. Chứ chỉ treo lên tường thôi thì vô vị lắm, nếu việc làm của mọi người đi ngược với tinh thần đó.
Với việc kiên quyết đó, gần ba thập kỷ qua, trường chuyển qua các địa điểm khác nhau, cơ ngơi khang trang hơn nhưng trong trường tôi không treo khẩu hiệu nào.
"Tất cả vì học sinh thân yêu" là điều trường tôi cụ thể hóa bằng các quy định cụ thể trong ứng xử, trong các hoạt động giáo dục.
TTO - GS.TSKH Trần Ngọc Thêm nói: Xã hội muốn phát triển thì điều quan trọng là cần phải có con người sáng tạo, mà để có con người sáng tạo thì trước hết phải có con người chủ động.