Xuất khẩu mực, bạch tuộc sang Nhật Bản không ổn định
9 tháng đầu năm nay, xuất khẩu mặt hàng này của Việt Nam sang Nhật Bản đạt trên 78 triệu USD, giảm 12% so với cùng kỳ năm ngoái. Tính tới 15/10/2021, xuất khẩu mực, bạch tuộc của Việt Nam sang Nhật Bản đạt 83,3 triệu USD, giảm 11% so với cùng kỳ năm ngoái.
Nhật Bản hiện là thị trường nhập khẩu mực và bạch tuộc lớn thứ 2 của Việt Nam. Giá trị xuất khẩu mực đang chiếm tỷ trọng lớn hơn (56%) trong tổng xuất khẩu mực, bạch tuộc sang nước này. Trong 9 tháng đầu năm nay, mực khô/nướng (HS 03) của Việt Nam xuất khẩu sang Nhật Bản tiếp tục có tốc độ tăng trưởng 3 con số 166% so với cùng kỳ năm 2020. Giá trị xuất khẩu mực chế biến (HS 16) giảm mạnh nhất 22%, xuất khẩu mực sống/tươi/đông lạnh (HS03) và bạch tuộc chế biến (HS 16) giảm lần lượt 15% và 16% so với cùng kỳ năm ngoái.
Việt Nam hiện chủ yếu xuất khẩu sang Nhật Bản các sản phẩm như mực ống làm sạch đông lạnh, mực ống cắt lát đông lạnh, mực ống đông lạnh sushi, mực ống Sugata đông lạnh, mực cắt trái thông, mực nang phile đông lạnh, mực nang cắt răng lược đông lạnh, mực nút đông lạnh, bạch tuộc tẩm bột đông lạnh, bạch tuộc cắt chần đông lạnh, bạch tuộc cắt đông lạnh...Giá trung bình XK mực của Việt Nam sang Nhật Bản dao động trong khoảng 9,2 – 10,8 USD/kg trong khi giá trung bình XK bạch tuộc của Việt Nam sang Nhật Bản dao động từ 8,1-9,2 USD/kg.
Theo số liệu của Trung tâm Thương mại Thế giới (ITC), 8 tháng đầu năm nay, nhập khẩu mực, bạch tuộc của Nhật Bản đạt trên 715 triệu USD, giảm 9% so với cùng kỳ năm ngoái. Trung Quốc là nguồn cung lớn nhất, chiếm thị phần áp đảo 55% tổng giá trị nhập khẩu mực, bạch tuộc vào Nhật Bản. Việt Nam đứng thứ hai, chiếm thị phần 10%. Nhập khẩu mực, bạch tuộc vào Nhật Bản từ Trung Quốc và Việt Nam trong 8 tháng đầu năm nay giảm lần lượt 1% và 8%.
Trong quý III/2021, nhằm đảm bảo việc tổ chức Olympic Tokyo tại Nhật Bản, Chính phủ nước này đã quyết định tiếp tục thực hiện các biện pháp nghiêm ngặt. Tính tới giữa tháng 8 đã có tất cả 13 tỉnh, thành tại Nhật Bản đang áp đặt các biện pháp nghiêm ngặt nhằm ngăn chặn sự lây lan của virus SARS-CoV-2, đặc biệt là biến thể Delta. Thủ đô Tokyo và 5 tỉnh lân cận phải áp đặt biện pháp mạnh hơn là tình trạng khẩn cấp. Các nhà hàng tại Nhật Bản phải cắt giảm thời gian mở cửa và người dân hạn chế ra đường. Điều này khiến cho nhu cầu NK thủy sản trong đó có mực, bạch tuộc vào Nhật Bản giảm.
Thủ đô Tokyo mới mở cửa trở lại từ 1/10/2021 sau nhiều tháng phải thắt chặt, lĩnh vực dịch vụ, nhà hàng hoạt động trở lại nên dự kiến nhu cầu nhập khẩu mực, bạch tuộc cũng dự kiến sẽ cao hơn.
Xem thêm: lmth.412535a-dsu-ueirt-095-noh-tad-neik-ud-1202-man-gnort-cout-hcab-cum-uahk-taux/nv.nitaudiougn.www