Chiều 26-11, sau một ngày xét xử nhóm bị cáo chưa thành niên tội cướp tài sản, TAND huyện Bình Tân, Vĩnh Long nghị án kéo dài, sẽ tuyên án vào ngày 2-12.
Các bị cáo gồm Nguyễn Chí Hải (19 tuổi), Nguyễn Minh Khang, Trần Thành Dinh (cùng 15 tuổi) và Nguyễn Hữu Nhân (17 tuổi, cùng ngụ xã Tân Lược, huyện Bình Tân, Vĩnh Long) bị cáo buộc đã cướp tài sản của một học sinh lớp 6.
Khi nói lời sau cùng, bị cáo Hải, Khang và Dinh đã quay sang xin lỗi bị hại, thể hiện ăn năn hối lỗi và mong tòa xem xét giảm nhẹ hình phạt để các bị cáo làm lại cuộc đời. Riêng bị cáo Nhân vẫn kêu oan, khẳng định không cướp tài sản.
Các bị cáo đều là người dưới 18 tuổi. Ảnh: HD
Bản luận tội của VKS
Trước đó, phát biểu quan điểm luận tội, đại diện VKSND huyện Bình Tân nhận định quá trình điều tra cũng như tại phiên tòa, các bị cáo Khang, Dinh, Hải đều thừa nhận hành vi phạm tội và thừa nhận có Nhân tham gia, phía bị hại cũng khai có bị Nhân lấy tiền là phù hợp với hiện trường và vật chứng thu giữ. Nhân cho rằng không cướp tài sản là không đúng với sự thật vụ án, chứng tỏ bị cáo chưa thành khẩn khai báo.
Xét thấy tính chất vụ án là nghiêm trọng, hành vi của các bị cáo là nguy hiểm cho xã hội vì các bị cáo dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc làm cho bị hại mới 12 tuổi hoảng sợ để chiếm đoạt tài sản.
Các bị cáo phạm tội có tổ chức, phạm tội nhiều lần, trước khi thực hiện hành vi đã bàn bạc phân công nhiệm vụ từng người, chọn nơi vắng để hành động và có sử dụng vũ khí đe dọa. Do đó, cáo trạng truy tố các bị cáo tội cướp tài sản là đúng người, đúng tội và đúng pháp luật.
Trong vụ án, bị cáo Hải giữ vai trò chính, xúi giục người chưa đủ 18 tuổi cùng nhau thực hiện. Hành vi của các bị cáo không những xâm phạm trực tiếp đến tài sản của bị hại mà còn gây ảnh hưởng tình hình an ninh trật tự xã hội, nhất là ảnh hưởng đến trẻ nhỏ và môi trường giáo dục trong nhà trường; do đó cần phải bị xử lý nghiêm nhằm giáo dục bị cáo sửa chữa lỗi lầm.
Từ đó, đại diện VKS đề nghị phạt Hải từ 4,5-5 năm tù; Dinh từ 3-3,5 năm tù; Khang từ 3,5-4 năm tù; bị cáo Nhân do không thành khẩn khai báo, ăn năn hối lỗi, không được hưởng tình tiết giảm nhẹ nên đề nghị phạt từ 5,5-6 năm tù cùng về tội cướp tài sản.
Đại diện VKSND huyện Bình Tân đọc bản luận tội các bị cáo. Ảnh: HD
"Biện pháp nghiệp vụ của công an"
Trong phần tranh luận, luật sư bào chữa cho bị cáo Nhân cho rằng vụ án có vi phạm nghiêm trọng về tố tụng. Cụ thể, cơ quan điều tra lấy lời khai, hỏi cung Nhân nhưng không thông báo và không mời cha, mẹ là người đại diện của cháu; cử những cá nhân không có tư cách tham gia tố tụng nhưng lại sử dụng các tài liệu chứng cứ này để buộc tội Nhân, lấy lời khai người chưa thành niên đến 12 giờ đêm.
Ngoài ra tại tòa bị cáo Khang, Dinh đều khai thấy trưởng công an xã nắm tóc Nhân giật ra phía sau, có dấu hiệu ép cung người chưa thành niên; dấu hiệu làm sai lệch vụ án…
Luật sư yêu cầu tòa trả hồ sơ điều tra bổ sung và báo cáo VKSND Tối cao xem xét điều tra hành vi xâm phạm hoạt động tư pháp, bắt giữ người chưa thành niên trái pháp luật (bắt tạm giam Nhân).
Đối đáp lại, đại diện VKS cho rằng do gia đình bị hại đến công an xã trình báo, công an tiếp nhận nguồn tin và mời các bị cáo làm việc ngay trong ngày là không sai.
“Khi đến công an có ai mà tự nhận mình vi phạm, công an phải dùng biện pháp nghiệp vụ thì mới nói, chứ không lẽ năn nỉ. Ở đây công an có dùng lời lẽ và ứng xử chưa đúng nhưng không làm thay đổi bản chất vụ án. Khi tiếp nhận thông tin thì công an phải mời làm việc, không lẽ ban đêm thì không được mời. Công an xã hoàn toàn không sai” - đại diện VKS đối đáp.
Ngoài ra, đại diện VKS cho rằng thời điểm này công an xã đang giải quyết nguồn tin tố giác tội phạm, chưa phải là án (chưa khởi khởi tố vụ án) nên không thể nói là vi phạm tố tụng.
Luật sư có đặt vấn đề Nhân viết 4 bản tường trình nhưng trong hồ sơ chỉ có bản tường trình nhận tội cuối cùng, 3 bản tường trình kia đâu; đồng thời đề nghị làm rõ 120 điểm mâu thuẫn trong các bút lục.
Bị cáo Nhân và Hải bị bệnh không thể tự đi, đứng, phải nhờ sự hỗ trợ của cán bộ hỗ trợ tư pháp. Ảnh: HD
Đại diện VKS cho rằng ba bản tường trình trước Nhân chỉ viết tên mình và không có nội dung, sau khi vận động thì Nhân mới viết bản tường trình nhận tội nên 3 bản tường trình đầu không được đưa vào hồ sơ vụ án.
“Còn việc hồ sơ có sai sót gì thì chúng tôi chịu trách nhiệm. Chúng tôi kiểm sát hồ sơ có đóng dấu bút lục, bút lục nào bị rút khỏi là phát hiện liền” - đại diện VKSND huyện Bình Tân nhấn mạnh.
Đối với việc bắt tạm giam Nhân, đại diện VKS cho rằng do Nhân vi phạm điểm đ khoản 2 Điều 119 Bộ luật Tố tụng hình sự là cung cấp tài liệu sai sự thật gây cản trở vụ án.
“Nhân dưới 18 tuổi nên được cho về nhà để người nhà vận động nhưng khi về nhà ai dè vận động đi ngược lại; đến ngày 2-5 thì lại thay đổi, không thừa nhận. Vụ án này lãnh đạo tỉnh rất quan tâm, chỉ đạo thường xuyên, chúng tôi kiểm sát rất chặt chẽ, không xảy ra ép cung, nhục hình nào. Tôi nói thật, nếu bị cáo Nhân mà thừa nhận tốt như Dinh và Khang thì Nhân không bao giờ bị bắt tạm giam. Trong quá trình điều tra cũng như lấy cung, bị cáo Hải, Khang, Dinh không có ý kiến gì nên chúng tôi khẳng định việc truy tố là đúng pháp luật” - đại diện VKS lý giải.
Luật sư cung cấp thông tin vụ án cho báo chí trước khi xét xử là lộ bí mật? Vài ngày trước khi vụ án được đưa ra xét xử, báo chí có thông tin về nội dung vụ án và việc lấy lời khai người chưa thành niên nhưng không có người giám hộ. Trước khi đối đáp ý kiến của luật sư, đại diện VKSND huyện Bình Tân đã có phát biểu cho rằng luật sư làm lộ thông tin vụ án. "Báo cho luật sư biết, vụ án này chưa được xét xử mà luật sư cung cấp nội dung cho báo chí là đã làm lộ bí mật, lộ thông tin vụ án. Chúng tôi đã báo với an ninh mạng, báo cáo lãnh đạo tỉnh và đồng chí phó giám đốc Công an tỉnh đang chỉ đạo các cơ quan triển khai làm rõ để xử lý"- Địa diện VKS phát biểu tại tòa. |