Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) ngày 24-11 kêu gọi Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các nhà sản xuất bên ngoài (gọi tắt là OPEC+) xoa dịu thị trường dầu mỏ sau khi nhiều quốc gia buộc phải xả kho dự trữ dầu chiến lược để bình ổn giá.
Sẽ giúp hạ nhiệt giá dầu
"Hy vọng trong phiên họp hoặc những phiên họp tiếp theo, OPEC+ sẽ xem xét tình hình và triển khai những bước đi cần thiết nhằm xoa dịu thị trường dầu mỏ toàn cầu, giúp giá cả hạ xuống mức hợp lý" - Giám đốc điều hành (CEO) Fatih Birol của IEA nói.
Trước đó 1 ngày, Mỹ tuyên bố sẽ giải phóng 50 triệu thùng từ kho dự trữ dầu chiến lược cùng với Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Hàn Quốc và Anh để hạ giá dầu. Trong một tuyên bố hôm 24-11, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên xác nhận sẽ cùng Mỹ và những quốc gia kể trên xả kho dự trữ dầu chiến lược để kiềm chế lạm phát, duy trì cân bằng và ổn định thị trường lâu dài.
Bình luận trên được đưa ra không lâu sau khi Cơ quan Dự trữ Chiến lược và Thực phẩm quốc gia Trung Quốc thông báo đã xả một lượng dầu không được tiết lộ nhằm kiểm soát giá cả.
Trung Quốc (quốc gia nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới) không công bố nhiều dữ liệu liên quan đến dầu dự trữ nhưng từng tuyên bố hồi năm 2017 rằng họ đã thành lập 9 kho dự trữ lớn trên toàn quốc, với sức chứa tổng cộng 37,7 triệu tấn.
Ảnh chụp kho dự trữ dầu chiến lược Bryan Mound ở TP Freeport, bang Texas, Mỹ ngày 27-4-2020. Ảnh: REUTERS
Cũng trong ngày 24-11, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumino xác nhận sẽ phối hợp với Mỹ để mở kho dự trữ dầu chiến lược nhằm "ổn định thị trường dầu quốc tế", tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình phục hồi kinh tế từ Covid-19.
Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ cho biết tính đến tháng 6-2020, Nhật Bản có tổng cộng 388 triệu thùng dầu trong kho dự trữ chiến lược, với 76% trong số này nằm trong kho chính phủ và 24% nằm trong kho thương mại.
Trong khi chính phủ Anh thông báo sẽ cho phép các công ty "tự nguyện xả" 1,5 triệu thùng dầu trong kho dự trữ chiến lược - thấp hơn 3,5 triệu thùng so với cam kết của Ấn Độ, chính phủ Hàn Quốc tuyên bố mức xả và thời điểm xả của họ sẽ được quyết định sau quá trình tham vấn với các quốc gia khác, nhiều khả năng ở mức "tương tự những lần hợp tác quốc tế trước đó".
Trong khủng hoảng Libya hồi 2011, khi cuộc nội chiến tại quốc gia này khiến nguồn cung dầu thế giới mất đi 1,8 triệu thùng/ngày, Hàn Quốc đã giải phóng gần 3,5 triệu thùng, tương đương 4% dự trữ quốc gia.
Viễn cảnh Mỹ cùng những quốc gia tiêu thụ năng lượng lớn xả kho dự trữ dầu chiến lược đã giúp giá dầu hạ nhiệt, ít nhất là ở thời điểm hiện tại. Sau khi chạm ngưỡng 85 USD/thùng hồi cuối tháng 10, giá dầu Mỹ đã giảm khoảng 10%, theo đài CNN ngày 25-11.
Bài toán khó cung - cầu
Nỗ lực phối hợp kể trên được tiến hành sau khi OPEC+ không muốn hoặc có lẽ là không thể gia tăng nguồn cung, bất chấp sức ép từ những khách hàng lớn dù giá dầu trong năm nay đã tăng 50%.
OPEC+ sẽ họp vào ngày 2-12 để đánh giá lại chính sách sản xuất, bao gồm thỏa thuận đạt được hồi tháng 7 nhằm tăng sản lượng khai thác thêm 400.000 thùng/ngày để bù đắp cho mức cắt giảm hồi 2020, khi Covid-19 bùng phát. Tổ chức này đã nhất trí gặp mỗi tháng để đánh giá tình hình cung - cầu và điều chỉnh thỏa thuận nêu trên.
Trước thềm cuộc họp sắp tới, báo Wall Street Journal ngày 24-11 dẫn nguồn tin mật khẳng định Ả Rập Saudi và Nga đang cân nhắc ngừng nỗ lực gia tăng sản lượng khai thác dựa vào lượng dầu giải phóng từ các kho dự trữ chiến lược để bảo đảm cân bằng cung - cầu không bị xáo trộn thêm nữa.
Ả Rập Saudi cho rằng lượng dầu giải phóng từ các kho dự trữ chiến lược có thể khiến giá cả giảm mạnh, đặc biệt là khi nhiều quốc gia ở châu Âu đang tái ban bố lệnh phong tỏa giữa lúc số ca nhiễm Covid-19 tăng kỷ lục.
Bộ trưởng Dầu mỏ Iraq Ihsan Abdul Jabbar hôm 24-11 cho biết OPEC+ đang xem xét liệu các thị trường dầu có cân bằng hay không và tổ chức này cần nghiên cứu dữ liệu mới trước khi ra quyết định về nguồn cung.
Kuwait và Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) - một thành viên quyền lực của OPEC từng mâu thuẫn với Ả Rập Saudi liên quan đến chính sách của OPEC, không đồng ý với phương án ngừng gia tăng sản lượng khai thác.
Dù vậy, Bộ trưởng Năng lượng UAE Suhail Al-Mazrouei hồi đầu tuần này cũng đã nhấn mạnh rằng ông không thấy tính logic từ việc gia tăng nguồn cung cho các thị trường thế giới khi mọi chỉ số đều hướng về bức tranh dư thừa nguồn cung trong quý I/2022.
Các chuyên gia của Công ty JPMorgan Chase & Co (Mỹ) hôm 24-11 khẳng định OPEC+ nhiều khả năng ngừng gia tăng sản lượng khai thác trong quý I/2022 vì lượng dầu giải phóng từ các kho dự trữ chiến lược và tình hình Covid-19 ở châu Âu. Nhiều ngân hàng, trong đó có Citigroup Inc. (Mỹ), không đồng tình với nhận định nêu trên khi dự đoán OPEC+ sẽ tiếp tục kế hoạch gia tăng sản lượng thêm 400.000 thùng/ngày.
Xem thêm: nhc.84652215172111202-uad-aig-ehc-meik-yat-tab/nv.fefac