Reuters đưa tin, Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko hôm 26/11 vừa qua đã phát biểu trước những người di cư đang mắc kẹt tại biên giới nước này với Ba Lan rằng đất nước của ông có thể giúp họ trở về nhà nếu họ muốn, nhưng sẽ không ép buộc hay bắt bớ.
Hàng ngàn người di cư đang mắc kẹt ở biên giới phía Đông của Liên minh châu Âu - cuộc khủng hoảng tị nạn mà EU đổ lỗi là do Minsk "phân phát thị thực" Belarus ở Trung Đông, khiến những người di cư đổ xô đến nước này với mong muốn vượt biên vào EU.
Tuy nhiên, ông Lukashenko lên án chính EU đã cố tình kích động cuộc khủng hoảng nhân đạo. Phát biểu hôm 26/11, nhà lãnh đạo Belarus khẳng định với đám đông dân tị nạn rằng ông sẽ không chơi trò chơi chính trị với số phận của họ.
Đây là lần đầu tiên ông Lukashenko xuất hiện ở khu vực biên giới kể từ khi cuộc khủng hoảng tị nạn bùng phát. Ông đã gặp gỡ những người di cư tại một nhà kho được biến thành nơi trú ẩn, và nói rằng họ có quyền tự do đi về phía Tây, hoặc trở về nhà tùy theo mong muốn của mình.
Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko phát biểu trước những người tị nạn. Ảnh: Reuters
Khi một thiếu niên Iraq đã trực tiếp bày tỏ với Tổng thống Lukashenko rằng cô bé không thể trở về nhà và hy vọng có thể tiếp tục đến châu Âu, ông đã nói rằng: "Chúng ta sẽ không chỉ hy vọng suông. Chúng ta sẽ cùng nỗ lực thực hiện ước mơ của cháu".
Bên cạnh đó, nhà lãnh đạo Belarus cũng khẳng định sẽ không có ai bị cưỡng chế.
"Nếu các bạn muốn đi về phía Tây, chúng tôi sẽ không giam giữ bạn, bóp nghẹt và đánh đập các bạn", ông Lukashenko tuyên bố trong tiếng vỗ tay ủng hộ của hàng trăm người di cư. "Tất cả hoàn toàn phụ thuộc vào mong muốn của các bạn. Các bạn hãy vượt biên đi. Đi nào!"
Ông nói thêm: "Chúng tôi sẽ không giam giữ, trói tay các bạn và ép các bạn lên máy bay để về nhà nếu như các bạn không muốn điều đó."
"Chiến tranh lai"
Ba Lan và các quốc gia EU khác cáo buộc rằng cuộc khủng hoảng tị nạn là một phần của "cuộc chiến tranh lai" mà Minsk đang tiến hành nhằm trả đũa các lệnh trừng phạt của EU và gây bất ổn cho khối này.
EU đã đạt được đồng thuận về các biện pháp trừng phạt mới để đối phó với cuộc khủng hoảng biên giới, có thể sẽ được thông qua vào đầu tháng 12 tới.
Latvia, Litva và Ba Lan, 3 nước chịu ảnh hưởng trực tiếp của cuộc khủng hoảng, đã triển khai hàng nghìn lính biên phòng, binh lính và cảnh sát để trấn giữ biên giới và đẩy lùi dòng người di cư cố gắng vượt biên từ Belarus.
Đặc biệt, Litva hôm 26/11 cho biết nước này có thể sẽ đóng các cửa khẩu biên giới nếu nhiều người di cư cố gắng vượt biên từ Belarus bằng xe tải.
Belarus đã bắt đầu đưa một số người di cư về nước. Tuy nhiên nước này vẫn họ đang đợi câu trả lời từ EU về yêu cầu Đức chấp nhận 2.000 người tị nạn mắc kẹt tại biên giới, điều mà EU và Đức đều đã từ chối.
Cuộc khủng hoảng tị nạn đã khiến xung đột giữa Nga và EU thêm trầm trọng - mối quan hệ giữa hai bên vốn đã rất tồi tệ kể từ sau sự kiện bán đảo Crimea sáp nhập vào Nga năm 2014. Đích thân Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng đã ủng hộ Belarus trong cuộc đối đầu gần đây nhất với EU./.
Bách Tùng
Doanh nghiệp tiếp thị