Chia sẻ được ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL - mã HAG) đề cập tại phần thảo luận với cổ đông trong khuôn khổ ĐHĐCĐ thường niên vừa tổ chức ngày 26/11 tại Gia Lai.
Với bối cảnh Tập đoàn tái cấu trúc mạnh mẽ nhiều năm qua nhưng vẫn trong tình trạng lỗ lũy kế hàng ngàn tỷ đồng, cổ đông đặt ra nhiều câu hỏi chất vấn lãnh đạo HAGL xoay quanh các mảng hoạt động, kế hoạch xử lý tình trạng lỗ, rủi ro bị hủy niêm yết…
KIẾN NGHỊ XEM XÉT MIỄN HỦY NIÊM YẾT BẮT BUỘC
"Năm 2020 Tập đoàn đã điều chỉnh hồi tố thì có được tính chi phí hợp lý khi tính thuế TNDN hay không? Nếu được tính vào chi phí tính thuế thì HAGL có bị thiệt thòi do không được chuyển lỗ lại không được tính miễn hay khấu trừ thuế không?
Ngoài ra có tin đồn HAGL sẽ bị hủy niêm yết do điều chỉnh hồi tố dự phòng các khoản phải thu trên BCTC đã được kiểm toán 2020 và không phát hành lại BCTC các năm 2017-2018-2019.
Vậy yêu cầu công ty giải thích cho cổ đông hiểu rõ vấn đề này và nếu bị hủy niêm yết do hồi tố những khoản lỗ từ 2017-2018 thì những cổ đông mua sau sẽ chịu thiệt thòi lớn và vì họ không thể chịu trách nhiệm cho những rủi ro trong quá khứ.
Đề nghị công ty có những giải trình thỏa đáng và kiến nghị các cơ quan quản lý nhà nước xem xét miễn hủy niêm yết bắt buộc để bảo vệ quyền lợi cho cổ đông hiện tại và tương lai của HAGL. Công ty bảo vệ cổ đông thế nào trước thông tin đồn thổi trên thị trường vì hồi tố những khoản lỗ 2017-2018 dẫn đến hủy niêm yết?", cổ đông đưa ra hàng loạt vấn đề.
Ông Võ Trường Sơn, CEO HAG cho biết, việc trích dự phòng và hoàn nhập dự phòng tại mỗi thời điểm là nghiệp vụ kế toán dựa trên ước tính giá trị tài sản đảm bảo cho các khoản phải thu, khi giá trị tài sản đảm bảo tăng lên thì sẽ hoàn nhập dự phòng, tạo ra lợi nhuận, giảm lỗ lũy kế. Xin lưu ý là công ty vẫn duy trì quyền thu nợ chứ không mất quyền đó.
Về chi phí tính thuế TNDN, các khoản dự phòng ước tính thì không được tính vào chi phí tính thuế, tuy nhiên sau này nếu hoàn nhập dự phòng thì cũng không tính vào thu nhập chịu thuế.
"Chúng tôi ý thức được trách nhiệm với cổ đông, chúng tôi đã và đang nỗ lực giải trình với cơ quan chức năng và kiến nghị xem xét miễn hủy niêm yết bắt buộc căn cứ vào các biễn biến tích cực về tình hình sản xuất kinh doanh và tái cấu trúc Tập đoàn", CEO HAG nêu.
Cụ thể, theo vị lãnh đạo doanh nghiệp, trải qua nhiều năm thực hiện tái cấu trúc, tình hình kinh doanh của HAGL có nhiều cải thiện so với trước đây.
Thứ nhất, HAG đã thanh toán được phần lớn các khoản nợ vay và trái phiếu tồn đọng. Thể hiện qua số dư nợ vay ngân hàng và trái phiếu. Đồng thời cũng xử lý được phần lớn các khoản đầu tư không hiệu quả như thanh lý các công ty con thuộc ngành nông nghiệp, thủy điện và khoáng sản; xử lý các khoản phải thu tồn đọng nhiều năm như công nợ phải thu của CTCP Đầu tư bất động sản An Phú. Các chỉ tiêu tài chính cũng được cải thiện. Hệ số thanh toán hiện hành đã lớn hơn 1, theo BCTC hợp nhất soát xét 6 tháng 2021.
Thứ hai, HAG cũng đã có kế hoạch thanh lý một số tài sản không tạo ra lợi nhuận và đang trong quá trình đàm phán với các đối tác, tập trung thu hồi nợ từ các bên liên quan và sử dụng dòng tiền thu được từ hoạt động sản xuất kinh doanh để trả nợ, cải thiện tình hình tài chính.
Thứ ba, trong năm 2021 doanh thu từ bán trái cây tiếp tục chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu doanh thu. Trong đó doanh thu từ bán chuối đem lại nguồn tiền chính trong ngắn hạn do thời gian kiến thiết cơ bản ngắn, sản lượng thu hoạch cao, giá bán ổn định. Bên cạnh đó, Ban lãnh đạo tập đoàn đã và đang chủ trương mở rộng hoạt động chăn nuôi heo và bò sinh sản. Trong tương lai hoạt động chăn nuôi hứa hẹn sẽ mang lại doanh thu lớn và tạo ra dòng tiền cho HAG.
Thứ tư, kết quả hoạt động kinh doanh trong 6 tháng đầu năm 2021 gồm chỉ tiêu LNST và LNST công ty mẹ có lãi. Kết quả kinh doanh cả năm 2021 sẽ có lãi và tình hình kinh doanh 2022 sẽ tích cực hơn năm nay.
CÓ LỢI THẾ NGẪU NHIÊN TRONG SẢN XUẤT, KINH DOANH
Cổ đông đề nghị công ty cung cấp số liệu doanh thu chi tiết mảng chăn nuôi heo, bò, trái cây, trong nửa đầu quý 4. Cụ thể mảng heo có bị lỗ, nếu lời thì biên lợi nhuận gộp là bao nhiêu? Kế hoạch doanh thu nửa quý 4 còn lại? Giá chuối xuất khẩu của HAG bình quân tại thời điểm hiện nay tăng bao nhiêu % so với bình quân cuối quý 3?
Ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch Tập đoàn cho biết, công ty đã xuất 3.500 con heo nửa tháng 11, giá xuất trung bình của nửa đầu tháng 11 khoảng 43.000 đồng/kg. Doanh thu tháng 10 là 45 tỷ, nửa tháng 11 là 17 tỷ.
Ông Đức nêu, việc chăn nuôi thì quan trọng giá vốn, đối với HAG thì chăn nuôi heo là ngành mới, tuy nhiên Tập đoàn có 2 lợi thế mà khó có doanh nghiệp nào cạnh tranh được. Một là quỹ đất, bởi vì ngành chăn nuôi khó nhất khâu xin phép xây dựng chuồng trại, do phải có báo cáo đánh giá tác động môi trường, khu vực xây dựng phải xa khu dân cư, cách ly tuyệt đối, HAG hiện đang có các vị trí chuồng trại rất tốt.
Hai là lợi thế ngẫu nhiên, đó là chuối thải. Hiện tỷ lệ chuối chỉ xuất khẩu khoảng 40-50% còn lại là chuối thải, nhưng năm qua HAG đã mời các chuyên gia dinh dưỡng trong ngành chăn nuôi phân tích chuối của Tập đoàn và phát hiện hàm lượng tinh bột trong chuối chiếm 75% có thể chuyển hóa thành năng lượng. Theo đó công ty đưa chuối vào cấu thành thức ăn cho heo, thay vì gồm đậu nành, bắp, cám gạo, một số vi lượng thì dùng chuối thay cho bắp, cám gạo nên chỉ cần nhập đậu nành, vi lượng… cộng thêm một số chi phí hạ tầng thì giá vốn tầm 35.000 - 38.000 đồng/kg. Khi giá heo 35.000 đồng/kg thì công ty ngưng xuất, khi giá tăng lên 42.000-43.000 đồng/kg mới xuất heo. Chính vì công ty chủ động được 40% thức ăn chăn nuôi cho heo nên sẽ không lo lỗ vì giá thức ăn chăn nuôi.
Để chuẩn bị cho năm 2022, HAG đã xây xong 6 cụm chuồng trại để chuẩn bị cho 15.000 heo nái và 300.000 heo thịt. Tuy nhiên, đó chỉ là kế hoạch, công ty sẽ không chỉ thực hiện như vậy mà với lợi thế hiện nay thì sẽ tiếp tục tăng hơn số kế hoạch, cón số cụ thể sẽ được công bố chi tiết vào ĐHĐCĐ thường niên 2022.
Theo Chủ tịch HAG, sau đại hội này, tùy vào diễn biến dịch COVID-19 tại khu vực Tây Nguyên, công ty sẽ mời các cổ đông quan tâm đi thăm từng cơ sở mới, từng chuồng trại. Hiện nay công ty đang nuối thí điểm 4.000 con bò nên chưa đưa vào chương trình, để đánh giá hiệu quả thì đến 2022 mới quyết định.
"Sau 5 năm tái cơ cấu, đến nay tôi khẳng định là tôi rất tự tin! Đến nay tôi xin nói chính thức là HAGL cảm ơn anh Trần Bá Dương, chính vì anh Dương vào giúp mà HAGL có thể trả nợ và trở lại, HAGL giờ đã rất minh bạch so với ngày xưa và chỉ còn 4-5 công ty con. Đó là danh dự của tôi, nhiều cổ đông trước đây thất bại với HAGL là sự đau lòng của tôi, tôi sẽ cày không mệt mỏi vì sự tồn tại và phát triển của HAGL, vì danh dự cá nhân tôi, tôi đã xây dựng thường hiệu HAGL nên tôi sẽ làm đến cùng", ông Đoàn Nguyên Đức chia sẻ tại đại hội.
Cổ đông hỏi HAGL Agrico (HNG) trước là công ty con phụ trách mảng nông nghiệp của Tập đoàn, hiện không còn là công ty con thì với mảng hoạt động sản xuất kinh doanh đã tách ra như thế nào? Việc sản xuất kinh doanh của HNG còn ảnh hưởng đến HAG không? Trước HAG có mấy chục ngàn ha, sau khi tách ra thì còn bao nhiêu ha ở 3 nước Lào, Campuchia, Việt Nam và giá trị thế nào? Ngoài ra, trước đây HAG rất mạnh mảng bất động sản nhưng hiện đã bán nhưng HAGL Myanmar bán xong thì hạch toán lời lỗ thế nào? Hiện HAG còn hoạt động gì liên quan đến dự náy này không và còn liên quan gì đến mảng bất động sản không?
Ông Đoàn Nguyên Đức cho biết, sau khi thống nhất với THACO thì HNG về với THACO. HAGL hiện chỉ còn nắm 178 triệu cổ phiếu HNG. HAG và HNG hoạt động tách bạch 100% từ kinh doanh, kế toán, nhân sự… hoàn toàn độc lập với nhau.
Về giá trị đất đai, theo đánh giá của lãnh đạo Tập đoàn thì điều quan trọng là doanh nghiệp sở hữu bao nhiêu diện tích đất để đủ khả năng quản lý, sinh lời chứ không cần sở hữu quá nhiều, chỉ cần đất tốt tỷ lệ sinh lợi cao.
Về bất động sản ở Myanmar, ông Võ Trường Sơn cho biết Tập đoàn đã chuyển nhượng cho Công ty Đại Quang Minh thuộc tập đoàn THACO, là một phần trong chương trình tái cơ cấu HAGL tại thời điểm đó và đã giúp giải quyết thanh khoản cho tập đoàn, HAG vẫn còn khoản phải thu 2.100 tỷ tại HNG. Việc lời lỗ không phải là điều hai bên quá quan tâm mà quan trọng là giải quyết được thanh khoản của HAGL tại thời điểm đó.
Cổ đông hỏi, HAGL có 10.000 ha trái cây, có 5.000 ha chuối thì còn lại là gì và khi nào có doanh thu? Công ty Lê Me có tài sản gì, có sinh lời không?
Chủ tịch HAG cho biết, Tập đoàn có 10.000 ha cây ăn trái đã trồng, chủ lực là chuối, xoài và sầu riêng, tuy nhiên xoài và sầu riêng là xây dài ngày nên chưa đề cập đến, ít nhất từ 2023 mới có doanh thu.
Lê Me sở hữu 1 công ty có dự án ở Campuchia, có 5.000 ha đất, trong đó diện tích đã trồng là 3.000 ha gồm xoài và chuối, từ 2022 sẽ cho doanh thu, lợi nhuận. Lê Me đang nợ HAGL nên sẽ xem xét hợp nhất công ty này về vào năm 2022.
Ý CHÍ LÀM RA DOANH THU ĐỂ TRẢ NỢ, PHẤN ĐẤU XÓA SẠCH LỖ LŨY KẾ
Cổ đông hỏi hiện trên BCTC của HAGL còn vài ngàn tỷ nợ lãi, thực tế có nhiều công ty cũng xử lý bằng cách xin ngân hàng xóa sạch hoặc xin miễn 80-90% bằng tái cơ cấu nợ xấu. Không biết HAGL có phương án xử lý gì không?
Ông Võ Trường Sơn cho biết, cần xem xét hai khía cạnh, một là về pháp lý để được ngân hàng xóa lãi thì phải thực hiện thủ tục phức tạp, tuy nhiên nếu xin xóa lãi sẽ gây dư luận không tốt về tình hình công ty và có thể ảnh hưởng đến giá cổ phiếu; hai là về tinh thần, ý chí của Chủ tịch công ty là công ty làm ra doanh thu thì công ty sẽ tự trả nợ, tập đoàn nỗ lực trả nợ chứ không buông xuôi để xin xóa lãi.
Trả lời cổ đông về khoản lỗ lũy kế 4.000 tỷ và kế hoạch xử lý, ông Võ Trường Sơn cho biết, giá trị tài sản đảm bảo cho các khoản phải thu vẫn tiếp tục tăng trưởng và sẽ đủ lớn để có thể hoàn nhập khoản dự phòng để có thể đạt mục tiêu kép là vừa tạo ra lợi nhuận kinh doanh vừa hoàn nhập dự phòng. Ở góc độ kế toán, công ty sẽ cố gắng hoàn nhập, trong 1-2 năm và khi hoàn nhập được 1.000-1.500 tỷ thì tình hình sẽ tốt.
Ông Đoàn Nguyên Đức cho biết thêm, công ty sẽ cố gắng hoàn nhập hết. Bởi vì Lê Me và Gia súc Lơ Pang là hai công ty có tài sản, định giá lại 2 công ty này thì việc hoàn nhập là không khó. Ông Đức cho biết bản thân cũng dùng cổ phiếu để bảo lãnh cho khoản nợ của 2 công ty này.
"Từ năm 2022 sẽ phấn đấu dùng lợi nhuận từ kinh doanh để xóa sạch lỗ lũy kế cho đến giữa 2023, tôi nói với tư cách Chủ tịch và cam kết về điều đó. Tại đại hội này, tôi rất tự tin phát biểu chuẩn xác tình hình", ông Đoàn Nguyên Đức cho biết.
Đề cập tới đối tác chiến lược cho mảng nông nghiệp, ông Đức cho biết, trong lĩnh vực nông nghiệp đã làm 8 năm, riêng trái cây tươi là 4 năm, toàn bộ chuối tươi đều được tiêu thụ và không tồn kho, thị trường chính và chủ lực vẫn là Trung Quốc, Tập đoàn có đại lý và đi sâu vào thị trường nội địa nước này, đã tạo được dấu ấn thương hiệu. Ngoài ra, công ty cũng có một đối tác chuyên xuất hàng đi Nhật, Hàn và Singapore nhưng Trung Quốc vẫn là thị trường chính với tỷ trọng khoảng 80%.
Về vấn đề HNG có trả tiền cho HAG trong quý 4 không, ông Đức cho biết nợ phải thu HNG hiện là 2.100 tỷ. Theo thỏa thuận giữa Chủ tịch THACO và Chủ tịch HAG thì thỏa thuận trả 3 năm từ 2021-2023 mỗi năm 700 tỷ, năm nay dự kiến trả vào tháng 12/2021, do tài sản đang chồng chéo cầm cố cho cả hai bên nên cần gỡ ra và hiện ba bên đang làm việc các thủ tục liên quan, HNG trả nợ HAG, HAG trả nợ BIDV.
Về kế hoạch kinh doanh của HAG, báo cáo tại đại hội cho biết, năm 2021 tập đoàn đặt mục tiêu doanh thu thuần ở mức 2.055 tỷ đồng; lợi nhuận gộp là 497 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế là 104 tỷ đồng.
Theo Huyền Trâm
Nhịp sống doanh nghiệp