Rủi ro về đợt dịch COVID-19 mới đang tác động tiêu cực đến hoạt động kinh tế, nhất là thị trường ngoại tệ. Biến thể Omicron đang cản trở kỳ vọng tăng lãi suất vào năm tới từ các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới.
Chỉ sau vài ngày xuất hiện biến chủng Omicron, các thị trường tiền tệ lập tức không còn định giá đầy đủ mức tăng lãi suất 25 điểm cơ bản của Cục Dự trữ Liên bang (Fed) vào tháng 6 năm 2022. Đồng thời, mức tăng 10 điểm từ Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) vào cuối năm 2022 cũng đang lung lay.
Khả năng Ngân hàng Trung ương Anh tăng lãi suất vào tháng tới là khoảng 53%, giảm từ mức 75% vào thứ năm.
Động thái tiêu cực diễn ra trong bối cảnh phát hiện một biến thể COVID-19 mới ở Nam Phi. Một số Chính phủ đã kích hoạt các biện pháp kiểm soát biên giới chặt chẽ hơn trong khi chờ đợi các nhà khoa học tìm cách xác định xem liệu đột biến này có kháng vaccine hay không.
Sự hoảng loạn bao trùm thị trường trong đợt COVID-19 đầu năm ngoái đã để lại những hậu quả rõ thấy. Giá dầu trượt hơn 6%, cổ phiếu ngành du lịch ghi nhận mức giảm ít nhất 6% và lợi tức trái phiếu kho bạc Mỹ 2 năm giảm 12 điểm cơ bản từ tháng 3 năm 2020.
Nhiều nhà giao dịch tiền tệ đang ưa chuộng đồng Dollar Mỹ và các đồng tiền khác nhờ triển vọng tăng lãi suất có vẻ mạnh mẽ. Theo họ, tiềm năng của các đồng tiền này tới từ lạm phát cao hơn và các nền kinh tế có sức đề kháng tốt hơn.
Chỉ số Dollar Mỹ đã đạt mức cao nhất trong 17 tháng sau khi Tổng thống Joe Biden đề cử ông Jerome Powell tiếp tục giữ chức Chủ tịch Fed nhiệm kỳ thứ 2. Thêm vào đó, biên bản cuộc họp FOMC đầu tháng 11 của Fed cho thấy nhiều nhà hoạch định chính sách sẵn sàng đẩy nhanh việc giảm bớt việc thu mua tài sản và tăng lãi suất.
Định giá đối với đồng Yên, đồng Franc Thụy Sĩ và đồng Euro đang sụt giảm, phản ánh quan điểm thắt chặt chính sách đối với các quốc gia này vẫn còn xa vời.
"Nếu biến thể COVID-19 mới thực sự đã phá vỡ chính sách của Fed thì đồng Dollar có thể dễ bị tổn thương hơn so với đồng Euro. Chúng tôi đã nói về việc Fed tăng lãi suất 2 lần trong năm tới" - ông Francesco Pesole, chiến lược gia tại Ngân hàng ING cho biết.
Biến thể mới cũng có thể gây trở ngại với các ngân hàng trung ương nếu nó làm trầm trọng thêm sự chậm trễ của chuỗi cung ứng, nguyên nhân gây ra lạm phát.
Nước Anh, nơi lạm phát đã đạt mức cao nhất trong 10 năm qua, đã có mức giá thắt chặt chính sách khoảng 70 điểm cơ bản vào giữa năm 2022, bất chấp sự phục hồi kinh tế mờ nhạt.
Đồng bảng Anh giảm 0,6% so với đồng Euro vào thứ sáu. Các nhà phân tích của công ty tài chính MUFG dự báo cùng với đồng Kiwi của Úc và Dollar Canada, đồng bảng Anh sẽ dễ bị tổn thương nhất trước việc nới lỏng tỉ giá.
ECB dự kiến sẽ cắt giảm kế hoạch kích thích khẩn cấp đại dịch 1,85 nghìn tỉ Euro (2,08 nghìn tỉ USD). Chiến lược gia Peter McCallum của tập đoàn tài chính Mizuho hiện nhận thấy cơ hội lớn hơn để chương trình được kéo dài quá thời hạn tháng 3.
Xem thêm: odl.195879-norcimo-gnuhc-neib-iv-cod-oal-oc-yugn-court-gnud-et-iaogn-gnourt-iht/et-hnik/nv.gnodoal