vĐồng tin tức tài chính 365

Tiền gửi tiết kiệm sụt giảm 3.000 - 5.000 tỉ đồng tại nhiều ngân hàng

2021-11-28 18:35

Nhiều ngân hàng có số dư tiền gửi, tiết kiệm của khách hàng giảm tới 3.000 - 5.000 tỉ đồng chỉ sau 9 tháng năm 2021.

Tăng trưởng số dư tiền gửi tiết kiệm tại các ngân hàng diễn biến trái chiều trong 9 tháng năm 2021. Ảnh: Hải Nguyễn
Tăng trưởng số dư tiền gửi tiết kiệm tại các ngân hàng diễn biến trái chiều trong 9 tháng năm 2021. Ảnh: Hải Nguyễn

Báo cáo tài chính quý III/2021 vừa được các ngân hàng thương mại công bố mới đây cho thấy nhiều biến động trái chiều trong diễn biến tăng trưởng số dư tiền gửi của khách hàng tại ngân hàng.

Diễn biến đáng chú ý nhất là trong khi dư nợ tiền gửi khách hàng của nhiều ngân hàng đạt con số tăng trưởng rất lớn tới 8-10% so với đầu năm 2021 như Vietcombank, VIB, Techcombank, TPBank hay VietCapitalBank, tiền gửi của khách hàng lại sụt giảm rất mạnh tại nhiều ngân hàng như ABBank, PGBank, SeABank, KienLongBank, Sacombank hay NCB.

So sánh số liệu tiền gửi trong báo cáo tài chính quý III/2021 được các ngân hàng trên công bố cho thấy, mức sụt giảm tiền gửi tiết kiệm của khách hàng tại các ngân hàng phổ biến trong khoảng 3-5% và cá biệt có ngân hàng giảm tới 7-8% so với đầu năm 2021.

Cụ thể theo báo cáo tài chính quý III/2021 của ABBank, số dư tiền gửi của khách hàng tại ngân hàng này vào thời điểm ngày 30.9.2021 là hơn 67.053 tỉ đồng, giảm xấp xỉ 5.500 tỉ đồng so với thời điểm đầu năm 2021.

Đáng chú ý là số dư tiền gửi khách hàng tại ABBank vào ngày 30.9.2021 thậm chí còn giảm tới hơn 2.520 tỉ đồng nếu so với thời điểm đầu năm 2020 là 69.574 tỉ đồng.

Tương tự tại ngân hàng PGBank, báo cáo tài chính quý III/2021 cho thấy số dư tiền gửi khách hàng tại ngân hàng vào ngày 30.9.2021 cũng giảm tới hơn 1.930 tỉ đồng so với đầu năm, xuống còn 26.803 tỉ đồng.

Trong khi đó tại ngân hàng SeABank, số dư tiền gửi khách hàng vào thời điểm 30.9.2021 cũng giảm mạnh tới hơn 2.830 tỉ đồng so với đầu năm, xuống còn hơn 110.440 tỉ đồng.

Các chuyên gia tài chính nhìn nhận, việc các ngân hàng lần lượt giảm mạnh lãi suất huy động vốn là một trong những yếu tố khiến nhiều người rút tiền chuyển sang kênh đầu tư mua trái phiếu doanh nghiệp, đầu tư cổ phiếu, đầu tư bất động sản, mua vàng.

"Các tác động của dịch COVID-19 cùng với việc lãi suất tiết kiệm liên tục giảm (trung bình chỉ còn 5,5%/năm vào cuối tháng 10) đã khiến cho tiền nhàn rỗi trong cư dân chảy vào các kênh có khả năng sinh lời cao hơn như bất động sản hay chứng khoán và giảm tiền gửi tại hệ thống ngân hàng" - chứng khoán BVSC đưa nhận định.

Trước đó, báo cáo của Ngân hàng Nhà nước về dữ liệu tổng phương tiện thanh toán ngân hàng tính đến cuối tháng 9.2021 cho thấy, tổng số dư tiền gửi của các tổ chức kinh tế đến cuối tháng 9.2021 tăng trên 200 nghìn tỉ đồng, tương đương mức tăng 3,93% so với tháng 7.2021.

Ngược lại, tổng số dư tiền gửi tiết kiệm của người dân tại các ngân hàng lại diễn biến trái chiều khi liên tục đi xuống trong hai tháng liên tiếp.

Ngân hàng Nhà nước cho hay, tính đến cuối tháng 9.2021, tổng số dư tiền gửi của người dân tại các ngân hàng giảm về còn hơn 5,291 triệu tỉ đồng, tương ứng mức giảm 2.459 tỉ đồng so với cuối tháng 7.2021.

Do liên tục đi xuống trong 2 tháng liên tiếp, tổng số dư tiền gửi dân cư tại các ngân hàng vào cuối tháng 9.2021 chỉ tăng 2,92% so với cuối năm 2020, mức tăng thấp nhất trong gần 10 năm trở lại đây.

Tuy nhiên, nhờ số dư tiền gửi tại ngân hàng của các tổ chức kinh tế đạt mức tăng mạnh 7,85% so với cuối năm 2020, tổng phương tiện thanh toán của hệ thống ngân hàng đến cuối tháng 9.2021 vẫn tăng 6,35% so với cuối năm 2020.

Xem thêm: odl.566879-gnah-nagn-ueihn-iat-gnod-it-0005-0003-maig-tus-meik-teit-iug-neit/et-hnik/nv.gnodoal

Comments:0 | Tags:No Tag

“Tiền gửi tiết kiệm sụt giảm 3.000 - 5.000 tỉ đồng tại nhiều ngân hàng”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools