Các doanh nghiệp lớn và các sản phẩm chủ lực của Việt Nam đã hoàn tất hồ sơ, sẵn sàng để xuất khẩu sang Trung Quốc theo quy định mới từ 1.1.2022.
Các doanh nghiệp và sản phẩm chủ lực đã đăng ký xong
Chiều 28.11, trao đổi với PV Lao Động, ông Ngô Xuân Nam - Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam, cho biết: Từ ngày 1.1.2022, Trung Quốc chính thức áp dụng Lệnh 248 (Quy định Đăng ký doanh nghiệp nhập khẩu thực phẩm) và Lệnh 249 (Biện pháp quản lý an toàn thực phẩm nhập khẩu).
Để đáp ứng các quy đinh mới này, Văn phòng SPS đã hỗ trợ đăng ký cho 156 doanh nghiệp xuất khẩu nông, lâm, thủy sản sang Trung Quốc với Cục Bảo vệ thực vật; hỗ trợ 92 doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản đăng ký bổ sung với Cục Quản lý Chất lượng nông, lâm sản và thuỷ sản; hỗ trợ 88 doanh nghiệp đăng ký với Bộ Công Thương.
Bên cạnh đó, từ 1.11.2021 có nhiều doanh nghiệp đăng ký trực tiếp với Tổng cục Hải quan Trung Quốc, đến 31.12.2021, Văn phòng SPS sẽ tập hợp số liệu.
Ông Nam cũng cho biết thêm, trong quá trình hỗ trợ doanh nghiệp đăng ký hồ sơ, có thể chia ra 3 nhóm đối tượng: Nhóm các doanh nghiệp lớn, đã xuất khẩu thường xuyên sang thị trường Trung Quốc: Các doanh nghiệp này nắm rất chắc thủ tục và tính chuyên nghiệp cao, chỉ chờ kết quả được duyệt và doanh nghiệp cũng có đơn hàng sẵn.
Các doanh nghiệp nhỏ và vừa: Tính chuyên nghiệp chưa cao, nhóm này chưa xác định rõ mặt hàng của mình thuộc cơ quan thẩm quyền nào quản lý theo NĐ15/2018, chưa nghiên cứu kỹ hướng dẫn của các đơn vị chuyên môn nên xảy ra hiện tượng gửi hồ sơ nhầm địa chỉ, mặc dù đã có biểu mẫu đăng ký hồ sơ nhưng vẫn làm sai mẫu hoặc doanh nghiệp tiếp cận thông tin muộn nên bị quá hạn đăng ký,.... Hầu hết những trường hợp này đã được Văn phòng SPS Việt Nam và cơ quan thẩm quyền hướng dẫn lại.
Nhóm thứ 3 là doanh nghiệp đang tìm hiểu thị trường Trung Quốc để chuẩn bị chuyển từ tiểu ngạch sang chính ngạch. Nhóm này gần như phải hướng dẫn mới từ đầu tất cả các thủ tục và quy trình.
“Cơ bản các doanh nghiệp lớn và các nhóm hàng hóa chủ lực của Việt Nam đã được đăng ký hết. Số còn lại không nhiều, chủ yếu thuộc nhóm 2 và 3 nêu trên và đã được hướng dẫn đăng ký”- ông Ngô Xuân Nam nói.
Thủ tục xuất khẩu từ 1.1.2021 sẽ thay đổi
Ông Lê Thanh Hòa - Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), cho biết: Từ 1.1.2022, khi khai báo thủ tục hải quan cho lô hàng xuất khẩu, hồ sơ phải khai mã do Tổng cục Hải quan Trung Quốc cấp. Trường hợp chưa hoàn thành đăng ký thì lô hàng đó sẽ không được thông quan.
Tổng cục Hải quan Trung Quốc quy định, khi đăng ký doanh nghiệp, mỗi một sản phẩm của mỗi một doanh nghiệp sẽ được Tổng cục Hải quan cấp một mã số riêng. Doanh nghiệp có nhiều sản phẩm sẽ được cấp các mã tương ứng. Cho phép 1 nhà máy sản xuất đăng ký nhiều sản phẩm với Tổng cục Hải quan Trung Quốc, không cho phép nhiều nhà máy sản xuất sử dụng 1 mã đăng ký.
Với mục tiêu không làm gián đoạn thương mại giữa các thành viên ASEAN – Trung Quốc, trong quá trình thực hiện 2 Lệnh, Tổng cục Hải quan Trung Quốc sẽ xem xét tình hình thương mại nông sản của hai bên để sắp xếp hợp lý. Tổng cục Hải quan Trung Quốc cũng đề nghị các bên liên quan hoàn thiện việc đăng ký doanh nghiệp trước ngày 31.12.2021.
Theo Văn phòng SPS Việt Nam, đối với 4 loại sản phẩm đã đăng ký XK vào Trung Quốc và được cấp mã (gồm thịt và sản phẩm từ thịt; sản phẩm thuỷ sản; sản phẩm sữa; tổ yến và sản phẩm từ tổ yến), hoạt động xuất khẩu sẽ tiếp tục thực hiện bình thường theo quy định giữa hai nước.
Đối với 14 loại sản phẩm (gồm ruột lòng, sản phẩm ong, trứng và sản phẩm từ trứng, dầu ăn và nguyên liệu dầu, thực phẩm hỗn hợp từ bột mỳ, ngũ cốc thực phẩm, sản phẩm ngũ cốc công nghiệp và mạch nha, rau tươi và rau tách nước, đậu khô, gia vị, các loại hạt và hạt giống, quả khô, hạt cacao và hạt càphê chưa rang, thực phẩm dinh dưỡng đặc biệt, thực phẩm chức năng) nhưng không gửi danh sách doanh nghiệp đúng thời hạn quy định, hoặc xuất khẩu lần đầu vào Trung Quốc từ thời điểm 1.1.2022 sẽ áp dụng quy định tại điều 8, Lệnh 248 để thực hiện đăng ký. Lệnh này sẽ chỉ áp dụng cho doanh nghiệp chế biến - sản xuất – bảo quản, không áp dụng cho DN thương mại.
Xem thêm: odl.007879-iom-hnid-yuq-coud-gnu-pad-couq-gnurt-gnas-uahk-taux-ed-cut-uht-gnox-ad/et-hnik/nv.gnodoal