Tính đến 6h30 sáng 29/11 theo giờ Việt Nam (tức 18h30 tối 28/11 theo giờ Mỹ), hợp đồng tương lai Dow Jones tăng 192 điểm, tương đương 0,55% và hàm ý chỉ số Dow Jones cơ sở sẽ tăng 210 điểm khi thị trường mở cửa.
Tương tự, hợp đồng tương lai chỉ số S&P 500 và Nasdaq cũng đi lên lần lượt 0,64% và 0,58%.
Phiên thứ Sáu tuần trước (26/11), chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones mất 905 điểm, tương đương 2,5%, đánh dấu phiên giảm sâu nhất kể từ tháng 10/2020.
S&P 500 và Nasdaq Composite cũng sụt lần lượt 2,3% và 2,2%. Cổ phiếu dầu khí, ngân hàng và công nghiệp là những nhóm chịu thiệt hại nặng nề nhất.
Giá dầu cuối tuần trước lao dốc hơn 10%, WTI tụt xuống dưới mốc 70 USD/thùng. Hiện nay giá dầu WTI đã 4,7% lên 71,34 USD/thùng, giá dầu Brent tăng 3,9% lên 75,55 USD/thùng.
Tuy giá dầu và chứng khoán Mỹ đã bắt đầu hồi phục nhưng thị trường châu Á vẫn tỏ ra kém sắc. Chỉ số Nikkei 225 và Topix của Nhật Bản giảm lần lượt 1,17% và 1,35% vào đầu phiên sáng 29/11. Chỉ số Kospi của Hàn Quốc mất 1,37%.
CNBC dẫn lời ông Keith Lerner, đồng Giám đốc đầu tư của công ty tư vấn Truist Advisory Services nhận định: "Đại dịch và các biến thể COVID vẫn là một trong những rủi ro lớn nhất đối với thị trường. Trong năm tới, COVID-19 có khả năng sẽ gây ra nhiều sóng gió nữa. Hiện tại chúng ta vẫn chưa thể khẳng định biến thể mới sẽ tồn tại trong bao lâu và ảnh hưởng tới thị trường lớn tới mức nào".
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 26/11 đã họp khẩn và gọi biến thể Omicron là "đáng lo ngại". Biến thể này lần đầu được phát hiện tại Nam Phi và sau đó ở nhiều quốc gia khác như Anh, Israel, Hà Lan, Đức, Italy, Australia, Hong Kong (Trung Quốc).
Mỹ hiện nay chưa phát hiện chủng Omicron nhưng đã cùng nhiều quốc gia khác ra lệnh hạn chế đi lại với các nước ở phía nam châu Phi.
Các nhà sản xuất vắc xin tuyên bố đang khẩn trương nghiên cứu các đặc tính của Omicron, Johnson & Johnson còn thông báo đang thử nghiệm mức độ hiệu quả của vắc xin đối với biến thể mới này.
Pfizer và BioNTech cho biết nếu phát hiện biến thể Omicron có khả năng kháng vắc xin, hai doanh nghiệp này có thể điều chỉnh loại vắc xin mRNA hiện nay trong vòng 6 tuần và bắt đầu vận chuyển vắc xin mới trong vòng 100 ngày.
Ông Paul Burton, Giám đốc Y khoa của Moderna cho biết hãng dược này có thể tung ra vắc xin chống lại biến thể Omicron vào đầu năm sau, tức là hơn một tháng nữa.
Hiện chưa có thông tin chắc chắn về khả năng lây nhiễm và mức độ gây hại của Omicron.
"Trong vài tuần nữa, chúng tôi sẽ biết về khả năng bảo vệ của loại vắc xin hiện nay trước biến thể Omicron. Nhưng điều đặc biệt về các loại vắc xin theo công nghệ mRNA và nền tảng của Moderna là chúng tôi có thể hành động rất nhanh", ông Paul Burton trao đổi với đài BBC.
"Nếu phải làm một loại vắc xin mới hoàn toàn, tôi nghĩ đến đầu năm 2022 chúng tôi sẽ có vắc xin số lượng lớn để phân phối", vị Giám đốc Y khoa của Moderna nói thêm.
Trong tuần này, nhà đầu tư sẽ đón nhận thêm một số thông tin kinh tế quan trọng. Báo cáo thị trường việc làm tháng 11 sẽ được công bố vào thứ Sáu (3/12). Các nhà kinh tế do Dow Jones khảo sát kỳ vọng nền kinh tế có thêm 581.000 việc làm trong tháng qua.
Viện Quản lý Nguồn cung sẽ thông báo khảo sát về hoạt động sản xuất vào thứ Tư (1/12) và các chuyên gia cũng dự báo kết quả khả quan.