Hãng tin Reuters cho biết các nước thành viên Đại hội đồng Y tế Thế giới - cơ quan ra quyết định của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã đạt được đồng thuận, tiến tới đàm phán chi tiết một thỏa thuận quốc tế về phòng, chống đại dịch toàn cầu trong tương lai.
Bản dự thảo của thỏa thuận sẽ được WHO giới thiệu để các nước bỏ phiếu thông qua trong một phiên họp kéo dài ba ngày từ ngày 29-11 và dự kiến có hiệu lực từ tháng 5-2024.
Ảnh chụp bên ngoài trụ sở Tổ chức Y tế Thế giới ở TP Geneva, Thụy Sĩ hồi tháng 6-2020. Ảnh:
Nội dung dự kiến sẽ bao gồm các vấn đề về chia sẻ dữ liệu và trình tự gene của các loại virus mới nổi cũng như thông tin về các loại vaccine và thuốc đang được nghiên cứu. Nội dung nhiều khả năng sẽ còn thay đổi nhiều khi các nước tiến hành đàm phán thành thỏa thuận chính thức.
Đại sứ Anh tại Liên Hợp Quốc - bà Simon Manley cho biết việc các nước chịu đàm phán về một thỏa thuận đại dịch trong tương lai chỉ là bước khởi đầu nhưng điều đó cho thấy các nước có sự linh hoạt nhất định và đây sẽ là động lực tốt cho những nỗ lực quan trọng tới đây.
Hiện chưa rõ thỏa thuận nói trên sẽ có tính ràng buộc pháp lý hay không. Reuters cho biết Anh, Liên minh châu Âu (EU) và nhiều quốc gia khác đã tỏ ý muốn thỏa thuận ràng buộc và sẽ vận động tích cực cho vấn đề này trong ba ngày họp. Dù vậy, một số nước như Mỹ, Brazil và Ấn Độ tỏ ý không muốn thỏa thuận ràng buộc, dù vẫn khẳng định sẽ ủng hộ thỏa thuận thông qua.
Về phía Tổng giám đốc WHO - ông Tedros Adhanom Ghebreyesus, ông cho rằng tình hình đại dịch COVID-19 lúc này chắc chắn đã đặt ra một nhu cầu cần thiết về việc nên có một thỏa thuận ràng buộc pháp lý về đối phó đại dịch trong tương lai. Do đó, những nước nào vẫn còn ngần ngại nên suy nghĩ lại và làm những gì tốt nhất cho cộng đồng chung.