Hôm qua (28/11), Giám đốc Y tế Moderna Paul Burton cho biết công ty của ông có thể tung ra một loại vaccine được cải tiến để chống lại biến thể Omicron của SARS-CoV-2 vào đầu năm tới, CNBC đưa tin.
Lúc này, vẫn chưa rõ liệu các vaccine COVID-19 hiện tại có cung cấp khả năng bảo vệ trước biến thể Omicron hay không. Nói cách khác, giới khoa học vẫn chưa rõ liệu có cần sử dụng công thức mới để chống lại biến thể Omicron hay không.
"Chúng ta nên biết về khả năng bảo vệ của vaccine hiện tại trong vài tuần tới, nhưng điều đáng chú ý về vaccine MRNA của Moderna là chúng tôi có thể phát triển rất nhanh", ông Burton nói trên đài BBC.
"Nếu chúng tôi phải sản xuất một loại vaccine hoàn toàn mới, tôi nghĩ rằng phải đến đầu năm 2022 loại vaccine đó mới thực sự có sẵn với số lượng lớn", giám đốc Moderna nói thêm.
Biến thể Omicron đã được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) phân loại là "biến thể đáng lo ngại", có nghĩa là nó dễ lây lan hơn, độc hại hơn hoặc có thể né tránh các biện pháp y tế công cộng, vaccine và phương pháp điều trị tốt hơn.
Biến thể Omicron chứa 32 đột biến ở protein gai của virus. Các quan chức y tế đã cảnh báo rằng trong số này, nhiều đột biến có thể dẫn đến tăng khả năng kháng kháng thể và tăng khả năng lây lan, điều này có thể hạn chế hiệu quả của các loại vaccine COVID-19 hiện có.
Công ty Moderna cho biết trong một tuyên bố rằng họ đã "huy động hàng trăm" nhân viên từ sáng sớm 25/11, vào ngày Lễ Tạ ơn, để bắt đầu nghiên cứu biến thể Omicron.
Ông Burton nói vaccine hiện tại có thể cung cấp một số khả năng bảo vệ, tùy thuộc vào thời gian một người đã được tiêm. Tuy nhiên, ông cho biết những người chưa được tiêm nên đi tiêm hoặc nhận các mũi tăng cương nếu đủ điều kiện.
Trong một diễn biến khác, một bác sĩ Nam Phi mới đây cũng lên tiếng nói về những triệu chứng của bệnh nhân mắc biến thể Omicron mà bà đã điều trị. Tiến sĩ, bác sĩ Angelique Coetzee, nói triệu chứng của những người này ‘rất khác’ so với các bệnh nhân COVID-19 bà điều trị trước đó.
Kể từ khi xuất hiện, biến thể Omicron đã khiến nhiều quốc gia áp đặt hạn chế đi lại nghiêm ngặt, thậm chí một nước đã đóng cửa hoàn toàn biên giới với người nước ngoài để ngăn chặn biến thể mới xâm nhập.
(Nguồn: CNBC)
Theo Trà My
Doanh nghiệp và Tiếp thị
Xem thêm: nhc.78640830192111202-gnon-ob-neyut-ar-aud-anredom-norcimo-eht-neib-gnohc-eniccav/nv.zibefac