Trung Quốc dẫn đầu toàn cầu trong cuộc chạy đua pin xe điện
Khi nhắc đến xe điện, cái tên đầu tiên xuất hiện trong suy nghĩ của mọi người chắc hẳn chính là Tesla. Công ty có trụ sở ở California là hãng xe điện bán chạy nhất thế giới và gần đây đã cán mốc vốn hoá 1.000 tỷ USD. Nhưng đằng sau câu chuyện thành công của công ty nước Mỹ này lại là câu chuyện về sức mạnh sản xuất của Trung Quốc.
Nhà máy Tesla ở Thượng Hải hiện đang sản xuất nhiều ô tô hơn nhà máy ở California. Một số pin xe do Trung Quốc sản xuất và các mỏ khoảng sản để sản xuất pin được các công ty Trung Quốc tinh chế và khai thác.
Khi cả thế giới đang chuyển đổi sang xe điện, các công ty đua nhau bảo vệ và củng cố vị thế của mình trong chuỗi cung ứng pin, từ việc khai thác khoảng sản đến sản xuất pin và xe.
Ngành này đang tiến tới hội nhập theo chiều dọc, khi một công ty kiểm soát một số công đoạn dọc theo chuỗi cung ứng, để đảm bảo nguồn cung và cải thiện tính minh bạch. Và trong cuộc chạy đua về pin xe điện, Trung Quốc đang ở vị trí dẫn đầu.
Trung Quốc là thị trường tiêu thụ xe điện lớn nhất thế giới với tổng doanh số 1,3 triệu xe trong năm ngoái, chiếm hơn 40% doanh số bán hàng trên toàn thế giới. Nhà sản xuất pin Trung Quốc CATL kiểm soát khoảng 30% thị trường pin xe điện toàn cầu.
Nhà chuyên cung cấp coban Darton Commodities ước tính rằng các nhà máy lọc dầu của Trung Quốc đã cung cấp 85% lượng coban dùng cho pin của thế giới vào năm 2020. Coban là một khoáng chất giúp cải thiện độ ổn định của pin lithium-ion.
Phần lớn coban đến từ Cộng hòa Dân chủ Congo (DRC), nơi Trung Quốc chi phối gần 70% lĩnh vực khai thác. Tại khu vực vành đai khai thác đồng và coban phía nam Congo, các biển báo bằng tiếng Trung ở khắp mọi nơi: ở lối vào các sòng bạc và khách sạn cũng như trên xe tải và cơ sở kinh doanh.
Vào tháng 8, công ty Molypden Trung Quốc (CMOC), một công ty khai thác khổng lồ, đã công bố khoản đầu tư 2,5 tỷ USD để tăng gấp đôi sản lượng đồng và coban tại mỏ Tenke Fungurume, một trong những mỏ lớn nhất ở Congo. Sau đó, công ty này mua 95% cổ phần của mỏ đồng và coban Kisanfu gần đó với giá 550 triệu USD.
Gã khổng lồ của Trung Quốc - Huayou Cobalt - sở hữu cổ phần trong ít nhất ba mỏ đồng và coban ở Congo. Công ty này cũng đóng vai trò quan trọng trong mọi giai đoạn của chuỗi cung ứng coban, từ mỏ, nhà máy tinh chế đến sản xuất pin.
Gigafactory Thượng Hải của Tesla hiện sản xuất nhiều ô tô hơn nhà máy ở California. Ảnh: Getty Images
Mỹ và châu Âu đối mặt thách thức
Một số nhà sản xuất ô tô và pin đang bắt đầu giảm lượng coban trong pin của họ như một cách để tránh rủi ro pháp lý và tai tiếng liên quan đến coban từ Congo. Pin giàu niken được coi là giải pháp của tương lai.
Tuy nhiên, những công ty thống trị khai thác coban ở Congo như Huayou Cobalt và CMOC cũng đang tăng cường đầu tư khai thác và tinh chế niken ở Indonesia. Quốc gia Đông Nam Á này có trữ lượng niken lớn nhất thế giới với 72 triệu tấn. Điều này có nghĩa là Trung Quốc hiện là thị trường sản xuất niken lớn nhất toàn cầu, vượt qua châu Âu và Mỹ.
Ở châu Âu, các công ty đang bắt đầu vươn lên cạnh tranh với Trung Quốc. Theo Darton Commodities, vào cuối thập kỷ này, châu Âu dự kiến sẽ có 28 nhà máy sản xuất pin lithium-ion, với công suất sản xuất tăng 1.440% so với năm 2020.
Sự tăng trưởng này được thúc đẩy bởi các công ty như Britishvolt ở Northumberland và Northvolt của Thụy Điển, cũng như các công ty châu Á mở rộng sản xuất sang châu Âu.
Tuy nhiên, đầu tư của châu Âu vào khai thác mỏ và sản xuất pin vẫn bị tụt lại phía sau. Andries Gerbens thuộc Darton cho biết: "Trung Quốc sẽ trở nên kém ưu thế hơn. Tuy nhiên, nước này sẽ vẫn là một đối thủ lớn".
Mỹ cũng đang bị tụt hậu, mặc dù đã đầu tư 174 tỷ USD "để giành chiến thắng trên thị trường xe điện". Số tiền này được công bố như một phần của gói đầu tư cơ sở hạ tầng trị giá 2.000 tỷ USD của Tổng thống Joe Biden hồi tháng 4.
Simon Moores, giám đốc điều hành Benchmark Mineral Intelligence đã nói với một Ủy ban của Thượng viện Hoa Kỳ vào tháng 6 rằng tốc độ xây dựng của Trung Quốc tương đương với mỗi tuần xây một siêu nhà máy pin, trong khi ở Mỹ là 4 tháng một nhà máy. Ông cảnh báo rằng một nền kinh tế lithium-ion toàn cầu mới đang được hình thành và Mỹ đang bị Trung Quốc và châu Âu bỏ xa.
Tham khảo: The Guardian