Sáng 29-11, TAND Cấp cao tại Hà Nội mở phiên tòa xét xử phúc thẩm vụ án buôn lậu và vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng, xảy ra tại Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ kỹ thuật Nhật Cường (gọi tắt là Công ty Nhật Cường).
Vụ án này, ngoài 11 bị cáo có đơn kháng cáo, VKSND TP Hà Nội cũng có đơn kháng nghị theo hướng không buộc các bị cáo thuộc Công ty Nhật Cường phải liên đới bồi thường số tiền 221 tỉ đồng.
Bị cáo Trần Ngọc Ánh
Theo kháng nghị của VKS, cơ quan công tố đề nghị tòa phúc thẩm đưa Công ty Nhật Cường tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan; buộc công ty này phải nộp lại khoản tiền 221 tỉ đồng thu lợi bất chính từ hành vi buôn lậu để tịch thu sung quỹ nhà nước.
Tuy nhiên, tại tòa hôm nay, đại diện Công ty Nhật Cường dù được triệu tập với tư cách là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan nhưng đã không có mặt. HĐXX cho biết việc vắng mặt này không ảnh hưởng đến quá trình giải quyết vụ án nên tiếp tục làm việc.
Là người trả lời thấm vấn đầu tiên, bị cáo Trần Ngọc Ánh (phó tổng giám đốc Công ty Nhật Cường) cho biết giữ nguyên nội dung kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt. Bị cáo thừa nhận cáo trạng của VKS truy tố là đúng, nói cảm thấy ăn năn về hành vi của mình, và cho rằng bản án sơ thẩm đã tuyên là hơi nặng.
Về trách nhiệm dân sự, ông Ánh khẳng định chỉ là người làm thuê, không được hưởng lợi gì từ việc buôn lậu của công ty. Bị cáo cũng nói rất đồng tình với quan điểm của VKS liên quan đến việc đề nghị không buộc các bị cáo phải nộp lại tiền.
Trình bày các tình tiết để xin giảm nhẹ, ông Ánh nói tuy không có tình tiết mới nhưng mong HĐXX xem xét thái độ ăn năn, hợp tác với CQĐT của mình. Ngay từ khi bị điều tra, bị cáo đã ý thức được hành vi sai phạm, chủ động thành khẩn khai báo, giúp CQĐT sớm kết thúc vụ án. “Dù chỉ là một ngày hay một tuần thôi, bị cáo cũng rất mong muốn để sớm trở về với gia đình” – bị cáo tha thiết.
Luật sư hỏi bị cáo Ánh về việc có được hưởng lợi gì từ hoạt động buôn lậu của Công ty Nhật Cường? Bị cáo khẳng định ngoài tiền lương cơ bản thì không được hưởng bất cứ đồng nào.
Bị cáo Nguyễn Bảo Ngọc
Là người tiếp theo, bị cáo Nguyễn Bảo Ngọc (giám đốc tài chính Công ty Nhật Cường) cũng giữ nguyên nội dung kháng cáo. Theo đó, về tội buôn lậu, bị cáo xin giảm nhẹ hình phạt và miễn trách nhiệm dân sự.
Về tội vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng, bị cáo xin xem xét lại tội danh, bởi bản thân chỉ quản lý thu chi của công ty chứ không phụ trách sổ sách hay nghiệp vụ kế toán.
Nữ bị cáo thừa nhận được giao nhiệm vụ thanh toán tiền cho 16 nhà cung cấp nước ngoài mỗi khi Công ty Nhật Cường nhập hàng, tuy nhiên chỉ là khâu cuối cùng. Cũng giống bị cáo Anh, bị cáo Ngọc nói bản thân chỉ là người làm công ăn lương, không được hưởng lợi gì từ hoạt động buôn lậu, Bùi Quang Huy mới là người được hưởng lợi số tiền bất chính nêu trên.
Bị cáo Ngọc cũng khai biết Công ty Nhật Cường có hai hệ thống sổ sách, trong đó bị cáo phụ trách phần mềm nội bộ ERP (chuyên dùng để theo dõi hoạt động buôn lậu – PV), còn phần mềm công khai do người khác phụ trách (để kê khai với cơ quan chức năng – PV).
Nhiều lần trình bày trước tòa, nữ bị cáo cho hay Công ty Nhật Cường tách riêng hai mảng tài chính và kế toán, bị cáo chỉ phụ trách tài chính. Trong các cuộc họp, Bùi Quang Huy đều nhấn mạnh bị cáo chỉ phụ trách về tiền. Đối với các nhân viên kế toán, bị cáo chỉ phụ trách về đời sống, chứ không tác động hay chỉ đạo gì về mặt nghiệp vụ.
Tiếp tục trả lời, bà Ngọc khai phần mềm ERP thể hiện toàn bộ hoạt động mua bán hàng hóa của công ty, bao gồm cả có hóa đơn và không hóa đơn. Bị cáo không biết việc nhập hàng hóa từ nước ngoài như thế nào, chỉ khi hàng về kho, bị cáo được chỉ đạo thanh toán thì mới biết. Trong phần mềm ERP, bị cáo chỉ được phân quyền sử dụng các tính năng liên quan đến việc thu, chi…
Sau hai bị cáo nêu trên, các bị cáo khác khi được hỏi đều cho biết giữ nguyên nội dung kháng cáo về việc xin giảm nhẹ hình phạt và miễn trách nhiệm bồi thường dân sự.