Hà Nội - Cơ quan thuế sẽ hỗ trợ người dân tự giác kê khai, thực hiện nghĩa vụ thuế trong hoạt động thương mại điện tử. Trong trường hợp có hành vi gian lận, các biện pháp truy thu thuế sẽ được tiến hành.
Mới đây, phía Cục thuế TP. Hà Nội cho biết, đơn vị này đã tiến hành thu thập thông tin của 32.800 địa chỉ bán hàng online, trong đó xác minh 3.388 cơ sở có doanh thu trên 100 triệu đồng/năm thuộc đối tượng quản lý thuế.
Ngày 29.11, liên quan đến việc quản lý thuế ra sao với hơn 3.000 cơ sở bán hàng online này, ông Viên Viết Hùng - Phó cục trưởng Cục thuế TP. Hà Nội cho hay, đối với doanh nghiệp, tổ chức có thu nhập từ các tổ chức nước ngoài, cơ quan thuế đã quản lý theo luật và doanh nghiệp cũng đã tự giác thực hiện.
Hiện tại, Cục thuế TP. Hà Nội tập trung hướng dẫn nhóm các cá nhân/hộ kinh doanh thực hiện nghĩa vụ bởi đây là đối tượng khó quản lý hơn.
"Cơ quan thuế đã triển khai đồng bộ các giải pháp để xây dựng cơ sở dữ liệu về người nộp thuế có hoạt động thương mại điện tử và có đầy đủ thông tin để kiểm soát. Đồng thời tuyên truyền hướng dẫn, hỗ trợ và khuyến khích các cá nhân/hộ kinh doanh tự giác thực hiện nghĩa vụ thuế theo quy định" - ông Viên Viết Hùng nói.
Theo đại diện cơ quan thuế, các cá nhân có thu nhập từ các trang mạng xã hội như Facebook, Google, YouTube thuộc diện cá nhân kinh doanh và phải khai nộp thuế theo tỉ lệ 5% giá trị gia tăng và 2% thuế thu nhập cá nhân. Trong trường hợp không kê khai và nộp thuế theo quy định được coi là hành vi trốn thuế, gian lận thuế.
Nếu người nộp thuế khai sai, khi cơ quan thuế phát hiện sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính về thuế, cũng như tính tiền chậm nộp. Trường hợp người nộp thuế cố tình trốn thuế, theo quy định của pháp luật hiện hành, có thể bị xử phạt từ 1 - 3 lần số tiền chậm nộp, thậm chí có thể bị chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra để làm rõ.
Đồng thời, với các hành vi trốn thuế, gian lận thuế, cơ quan thuế Hà Nội sẽ có những biện pháp cưỡng chế để truy thu.
Ngoài ra, để làm tốt vấn đề này, Cục thuế TP. Hà Nội thường xuyên phối hợp với các tổ chức tín dụng, ngân hàng, nhà mạng cung cấp để có cơ sở dữ liệu thông tin về hoạt động kinh doanh, các cá nhân có thu nhập phát sinh. Từ đó vận động các cá nhân đó tự động kê khai và nộp thuế.
Trước đó, đại diện Cục thuế TP. Hà Nội cho biết từ đầu năm đến tháng 11.2021, cơ quan này đã thu được 110 tỉ đồng tiền thuế từ hoạt động thương mại điện tử. Trong đó, 465 cá nhân có thu nhập từ các tổ chức nước ngoài (Google, Facebook, Apple…) kê khai và nộp 56,1 tỉ đồng tiền thuế.
Đáng chú ý, có một cá nhân đã kê khai, nộp 11 tỉ đồng vào ngân sách nhà nước. Số thuế mà cá nhân này phải nộp được cộng dồn nhiều năm với số tiền chậm nộp phải thực hiện là trên 4 tỉ đồng.
Cũng từ giữa tháng 11, Bộ Tài chính đã ban hành kế hoạch tổng thể thực hiện các giải pháp tại đề án “Quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử tại Việt Nam”. Theo đó, về ngắn hạn, Tổng cục Thuế sẽ thực hiện thanh tra, kiểm tra chuyên đề đối với thương mại điện tử trong nước và xuyên biên giới, phối hợp với các bộ ngành như Bộ Công an, Ngân hàng Nhà nước… thực hiện quản lý thuế đối với thương mại điện tử.
Xem thêm: odl.129879-oan-eht-uhn-euht-uht-ib-es-enilno-gnah-nab-os-oc-0003/et-hnik/nv.gnodoal