Chiều 29-11, Ban chỉ đạo (BCĐ) phòng chống dịch COVID-19 TP.HCM tổ chức họp báo thông tin về tình hình dịch bệnh trên địa bàn.
Chuẩn bị các kịch bản đối phó với Omicron
Tại buổi họp báo, trả lời câu hỏi liên quan đến biến thể mới Omicron, ông Phạm Đức Hải, Phó Trưởng BCĐ phòng chống dịch COVID-19 TP.HCM, cho biết có bốn vấn đề đặt ra trong những ngày gần đây cần phải giải quyết. Cụ thể là số ca mắc COVID-19 mới và ca tử vong trên địa bàn còn cao, số ca nhập viện luôn cao hơn số ca xuất viện. Bên cạnh đó, thế giới đang xuất hiện biến thể virus mới là Omicron cũng gây tâm lý lo lắng.
Trước tình hình đó, ông Hải khẳng định TP vẫn đang kiểm soát được dịch bệnh. Trong nhiều tuần liên tiếp, cấp độ dịch vẫn ở mức 2. TP.HCM đã chuẩn bị đầy đủ kịch bản để xử lý tình huống khi ca mắc mới tăng cao. “TP.HCM đề nghị người dân không hoang mang nhưng cũng không chủ quan, lơ là và phải thực hiện tốt nhất quy định của ngành y tế, đặc biệt là biện pháp 5K” - ông Hải nói.
TP.HCM tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho học sinh 12-17 tuổi.
Ảnh: NGUYỆT NHI
Trước biến thể mới Omicron khiến các nước trên thế giới lo ngại, người phát ngôn của BCĐ phòng chống dịch COVID-19 TP.HCM cho biết có bốn việc TP.HCM cần chuẩn bị.
Thứ nhất, dù là biến chủng gì đi nữa thì cũng lây qua đường hô hấp, do đó biện pháp tốt nhất là phải thường xuyên đeo khẩu trang, thực hiện nghiêm biện pháp 5K, trong đó người dân cần giảm tối đa tụ tập đông người.
Thứ hai, BCĐ phòng chống dịch COVID-19 TP.HCM giao Sở Y tế thường xuyên theo dõi việc thực hiện chỉ đạo về biến chủng này của Bộ Y tế. Có vấn đề gì, Sở Y tế phải báo ngay. “Thực ra đến giờ chúng ta cũng chưa biết biến thể này như thế nào, người ta nói độc lực lớn hơn, mức độ lây lớn hơn nhưng vẫn chưa có tài liệu chính thức của WHO” - ông Hải nói.
Thứ ba, cần chuẩn bị các kịch bản để đối phó với biến chủng mới Omicron như xây dựng bệnh viện dã chiến, chăm sóc F0, xây dựng trạm y tế (TYT) lưu động, củng cố TYT phường/xã, tăng cường tiêm vaccine phòng dịch... Cuối cùng là tăng cường phối hợp chặt chẽ hơn, bài bản hơn với y tế công và y tế tư, Đông y với Tây y, quân y và dân y.
988 là số nhân viên y tế nghỉ việc trong 10 tháng đầu năm 2021, còn trong năm 2020 con số này là 597. Số nhân viên nghỉ việc có sự tăng nhẹ ở khu vực điều dưỡng, bác sĩ và một số ở trạm y tế. Chánh Văn phòng Sở Y tế TP.HCM NGUYỄN THỊ HUỲNH MAI |
Cố gắng không để xảy ra quá tải
Trả lời câu hỏi về bệnh viện TP.HCM hiện nay có đang quá tải hay không khi số ca nhập viện đang tăng lên, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh Văn phòng Sở Y tế TP.HCM, cho biết số nhập viện ở tầng 2 và 3 đang thấp hơn tổng số giường hiện có.
“TP.HCM đang cố gắng không để tình trạng quá tải xảy ra” - bà Mai nói và cho biết thời gian qua, TP đã có nhiều biện pháp hỗ trợ, can thiệp sao cho chăm sóc F0 tốt nhất, giảm tỉ lệ tử vong.
Về kế hoạch tiêm vaccine mũi 3 cho người dân, bà Mai cho biết sở đã có công văn gửi Bộ Y tế về việc này. Theo bà, Bộ Y tế rất quan tâm đến việc tiêm vaccine mũi 3 nhưng thời điểm này sẽ tập trung tiêm hết cho nhóm chưa được tiêm mũi 2, cụ thể là trẻ 12-17 tuổi. TP.HCM sẽ đi từng ngõ, gõ từng nhà để hỗ trợ, thuyết phục và vận động người dân chưa tiêm được tiêm vaccine sao cho có độ phủ tốt nhất. “Chúng tôi nghĩ trong thời gian sớm nhất sẽ có hướng dẫn của Bộ Y tế về tiêm mũi 3” - bà Mai nói.
Liên quan đến chăm sóc F0, bà Nguyễn Thị Bé Ngoan, Phó Chủ tịch UBND quận 7, cho biết quận đã lập 21 TYT lưu động, kiện toàn 828 tổ chăm sóc F0 tại cộng đồng, 10 tổ phản ứng nhanh các phường cũng được duy trì.
Đặc biệt, quận đã thành lập hệ thống ứng dụng trí tuệ nhân tạo tổng đài chăm sóc và tiếp nhận thông tin F0. Hệ thống này sẽ mặc định thời gian gọi điện thoại cho F0, tự động gọi chăm sóc.
“Trường hợp F0 cần chăm sóc và hỗ trợ thì chuyển đến số điện thoại nhân viên TYT phường. Nếu nhân viên TYT phường không nghe được cuộc gọi sẽ chuyển lãnh đạo trung tâm y tế. Trường hợp lãnh đạo trung tâm y tế không nghe máy sẽ chuyển đến phó chủ tịch UBND quận phụ trách” - bà Ngoan nói và cho biết tổng đài này mới chỉ thí điểm vận hành ở một phường. Trong tuần này, quận sẽ triển khai rộng rãi tại 10 phường.
Chín nhóm giải pháp nhằm trấn áp tội phạm Cũng tại buổi họp báo, Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó phòng Tham mưu Công an TP.HCM, đã thông tin về tình hình phạm pháp hình sự trên địa bàn TP. Theo thống kê của Công an TP.HCM, từ ngày 1-10 đến 28-11, trên địa bàn xảy ra 548 vụ phạm pháp hình sự, giảm 283 vụ so với cùng kỳ (tương ứng 34,05%) và tăng 272 vụ so với thời gian liền kề (tương ứng 98,55%). Riêng án trộm cắp tài sản xảy ra 233 vụ, trong đó trộm cắp mô tô, xe máy là 156 vụ, chiếm 56,75%. “Cứ ba vụ trộm cắp tài sản có hai vụ trộm cắp mô tô, xe máy” - ông Hà nói và đánh giá số vụ trộm cắp tài sản giảm so với cùng kỳ nhưng tăng so với khoảng thời gian liền kề. Chính vì vậy, Công an TP.HCM đã chỉ đạo chín nhóm giải pháp, trong đó có việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền; kiện toàn, nâng cao toàn diện chất lượng, hiệu quả hoạt động của công an xã, phường, thị trấn; điều chỉnh bố trí lực lượng, phối hợp với lực lượng tuần tra kiểm soát, mật phục và triển khai giải pháp hệ thống kỹ thuật như camera giám sát… Công an TP.HCM còn phát động triển khai đợt cao điểm trấn áp tội phạm; tăng cường kiểm tra quản lý cơ sở kinh doanh có điều kiện, xử lý nghiêm những kẻ tiêu thụ tài sản do phạm tội mà có, xử lý nghiêm băng nhóm trộm cắp tài sản. |