Đắk Nông - Hiện nay, nông dân trên địa bàn tỉnh Đắk Nông đang tất bật bước vào vụ thu hoạch cà phê. Điều đáng mừng là người dân đã ý thức được việc thu hái cà phê chín mọng, có chọn lọc thay vì hái xô một đợt như trước đây. Điều này đã góp phần nâng cao chất lượng, giá trị, đưa hương vị cà phê Đắk Nông bay xa.
Hình thành thói quen thu hái chọn lọc
Nhiều năm nay, gia đình anh Phạm Văn Hanh, ở huyện Đắk Song đã hình thành thói quen áp dụng kỹ thuật thu hái cà phê chín, đảm bảo chất lượng cao.
Theo anh Hanh, do cây cà phê ra hoa đậu quả nhiều đợt nên hiếm khi tất cả các trái trên cây đều chín đồng loạt. Do đó, gia đình anh Hanh đã chia việc thu hoạch cà phê thành 3 đợt. Đợt đầu và đợt thứ hai sẽ lựa hái những cây có tỷ lệ quả chín cao khoảng 90%. Trong đợt cuối cùng là chờ trái cà phê chín đều một lúc rồi sẽ tuốt đồng loạt.
Anh Hanh chia sẻ: "Việc hái cà phê chín chọn lọc khá tốn công. Bởi để hái được quả chín đúng chuẩn, người hái phải thật cẩn thận, không làm ảnh hưởng đến các quả xanh còn lại trên cành. Với 2ha cà phê, thu một lần cần 10 nhân công hái liên tục trong 3 tuần. Còn nếu thu hái chọn lọc thì sẽ tốn thời gian và nhân công hơn nhiều".
Việc thu hoạch cà phê một lần chỉ lợi trước mắt là tiết kiệm thời gian, chi phí nhân công. Còn năng suất, chất lượng hạt cà phê thì bị ảnh hưởng lớn do tỷ lệ quả xanh nhiều. "Việc thu hái cà phê đại trà sẽ làm ảnh hưởng đến thương hiệu cà phê Đắk Nông. Ý thức được điều này, gia đình tôi quyết định thu hái cà phê theo hướng lấy chất lượng làm lời để giảm bớt chi phí thuê nhân công" - anh Hanh phân tích.
Còn gia đình anh Nguyễn Minh Thư, ở huyện Tuy Đức cũng đang áp dụng quy trình thu hái có chọn lọc cho 2ha cà phê. Trước đây gia đình anh Thư thu hoạch cà phê một lần nên quả xanh, quả chín lẫn lộn. Đến năm 2018, anh Thư bắt đầu thu hái cà phê chín 100%. Hái cà phê chín gặp khó khăn về công nhưng đổi lại giá bán cao hơn nhiều so với cách thu hoạch đại trà như cũ.
"Sau khi trừ công cán thì thu hoạch cà phê chín sẽ lời hơn hái xô khoảng 2.000 đồng/kg hạt tươi, một tấn sẽ lời khoảng 2 triệu đồng. Đây là số tiền không nhỏ với người nông dân. Quan trọng hơn việc làm này sẽ tạo dựng được thương hiệu, mang lại uy tín, giá trị lâu dài cho hạt cà phê Đắk Nông" - anh Thư chia sẻ.
Nâng cao chất lượng hạt cà phê Đắk Nông
Doanh nghiệp tư nhân Toàn Hằng ở xã Nhân Cơ, huyện Đắk R'lấp là một trong những đơn vị xuất khẩu hạt cà phê hàng đầu tỉnh Đắk Nông. Ông Trương Công Toàn, Giám đốc doanh nghiệp cho biết, một trong những yếu tố quan trọng tạo nên những sản phẩm cà phê có giá trị cao đó là công đoạn thu hoạch quả chín mọng, bởi tỷ lệ đường trong hạt cà phê sẽ lớn hơn trái xanh, có vị trái cây… nên hương vị cà phê sẽ hoàn hảo hơn. Theo ông Toàn, cà phê là cây trồng chủ lực, có giá trị cao của người dân Tây Nguyên.
Hiện nay, Việt Nam đang là nước xuất khẩu cà phê lớn thứ 2 trên thế giới. Chính vì vậy, để nâng tầm giá trị hạt cà phê Việt Nam trên thị trường thế giới, cần kết hợp giữa tập quán canh tác truyền thống và sử dụng công nghệ hiện đại để sản xuất cà phê.
"Chỉ riêng như doanh nghiệp chúng tôi, 10 năm qua đã liên kết được hơn 1.000 hộ nông dân để sản xuất cà phê chất lượng cao, xuất bán hàng ngàn tấn cà phê chín mọng cho thị trường quốc tế. Việc nông dân hình thành thói quen thu hái quả chín mọng sẽ làm thay đổi cách nhìn nhận, đánh giá của bạn bè quốc tế về chất lượng hạt cà phê Việt Nam" - ông Toàn khẳng định.
Cũng trao đổi về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Tình, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Nông cho biết, thời gian qua, ngành nông nghiệp thường xuyên tuyên truyền người dân, doanh nghiệp liên kết sản xuất cà phê theo chất lượng, bảo đảm các tiêu chuẩn khắt khe từ thị trường, thu hái quả chín... tạo ra các sản phẩm cà phê chất lượng cao.
"Đây là cách làm mang lại giá trị lâu dài, nâng cao uy tín, vị thế, giá cả cho hạt cà phê Đắk Nông nói riêng và Việt Nam nói chung" - bà Tình khẳng định.
Xem thêm: odl.881979-hcaoh-uht-cuht-gnouhp-iod-yaht-ohn-gnon-kad-ehp-ac-gnouh-nel/et-hnik/nv.gnodoal