Đài RT ngày 29-11 dẫn lời một trong những nhà khoa học hàng đầu của Nga cho biến biến thể mới Omicron, được phát hiện đầu tiên ở Nam Phi vào tuần trước, có thể ít nguy hiểm hơn so với biến thể Delta.
Giáo sư virus học của Đại học Moscow, ông Alexey Agranovsky cho rằng thế giới nên cảnh giác với loại biến thể mới, song nó có thể không nguy hiểm như biến thể Delta, vốn dẫn đến sự gia tăng mạnh về số người chết trên toàn thế giới khoảng thời gian qua.
Theo ông Agranovsky, biến thể Omicron thực sự không bình thường vì nó chứa nhiều protein đột biến hơn các dạng khác.
“Ít nhất về lý thuyết, với số lượng đột biến như vậy có thể gây ra một số hậu quả. Ví dụ như chủng Omicron có thể tránh được kháng thể từ các loại vaccine và dễ lây nhiễm hơn” - ông giải thích.
Tuy nhiên, vị giáo sư virus học nói rằng “cho đến nay không có bằng chứng nào cho thấy Omicron có khả năng đánh bại Delta.
“Hoặc nó có thể nguy hiểm hơn hoặc không có gì xảy ra cả. Trong số hàng chục trường hợp nhiễm biến thể mới được ghi nhận cho đến nay, không một ca tử vong nào xảy ra” - ông Agranovsky nhận định.
Một lọ và ống tiêm được nhìn thấy phía trước biểu đồ hiển thị dòng chữ Omicron SARS-CoV-2, ngày 27-11. Ảnh: REUTERS
Sự xuất hiện của biến thể Omicron đã gây ra sự hoảng loạn trên toàn thế giới khi một số quốc gia thắt chặt các hạn chế đi lại đối với du khách đến từ các quốc gia ở châu Phi nhằm ngăn chặn nguy cơ lây lan của biến thể mới.
Tuy nhiên, giáo sư Agranovsky nhận xét đây có thể là một phản ứng thái quá, thêm rằng "hiện tại, không có lý do gì để dẫn đến sự hoảng loạn”.
“Chúng tôi vẫn cần nghiên cứu các đặc điểm của biến thể Omicron. Hiện có quá ít trường hợp được ghi lại để chúng tôi có được bộ dữ liệu tốt hơn” - ông nói thêm.
“Liệu nó dễ lây nhiễm cho nhóm tuổi nào hơn? Người trẻ hay người già? Hiệu quả của các kháng thể ở những người đã bị nhiễm bệnh hoặc đã được tiêm chủng trước Omicron là như thế nào? Tất cả những điều này vẫn còn phải được xem xét thêm" - ông Agranovsky nhấn mạnh.