Một phụ nữ tuyệt vọng tìm cách rời khỏi Nam Phi tại sân bay quốc tế O.R. Tambo ngày 28-11 sau khi nhiều hãng hàng không ngừng đường bay đến quốc gia này từ cuối tuần trước - Ảnh: REUTERS
Những nước "dựng hàng rào" lập luận họ cần thời gian để chuẩn bị hệ thống y tế và các thứ khác trước biến thể Omicron có nhiều đột biến nguy hiểm.
Tuy nhiên với chính phủ và một số nhà khoa học Nam Phi, phản ứng của các quốc gia đang khiến họ cảm thấy như bị trừng phạt vì đã cảnh báo thế giới. Lệnh cấm đến Nam Phi và cấm nhập cảnh với người từ Nam Phi đã đập tan hy vọng hồi sinh ngành du lịch của nước này.
Chính phủ Nam Phi đã mất rất nhiều công sức để vận động Anh đưa nước này ra khỏi danh sách đỏ (các nước nguy cơ nhiễm COVID-19 cao), theo báo New York Times.
"Chúng tôi đã nằm trong danh sách đỏ của Anh và đã cố gắng thoát khỏi nó. Rồi đùng một cái, không có thông báo nào, chúng tôi thấy mình đã trở lại danh sách đỏ", bộ trưởng du lịch Nam Phi, bà Lindiwe Sisulu, mô tả cảm giác bẽ bàng khi Anh áp lệnh cấm.
"Có lẽ khả năng theo dõi một số biến thể của các nhà khoa học Nam Phi là điểm yếu lớn nhất của chúng tôi. Chúng tôi cảm thấy như đang bị trừng phạt vì công việc mà chúng tôi phải làm", bà Sisulu cảm thán.
Ông Tulio de Oliveira, một trong những nhà khoa học phát hiện và công bố biến thể Omicron, đã thể hiện sự hối tiếc vì quyết định của ông dẫn tới các phản ứng "cực đoan" với miền nam châu Phi.
Trong một cuộc họp trực tuyến với các nhà lãnh đạo y tế toàn cầu hồi tuần trước, ông Oliveira giãi bày ông quyết định công bố nhanh biến thể mới vì nghĩ rằng thế giới sẽ đoàn kết trước Omicron. Tuy nhiên thực tế cho thấy câu chuyện ngược lại, theo New York Times.
Hôm 26-11, vài giờ sau khi các nhà khoa học Nam Phi thông báo về sự tồn tại của một biến thể mới mà họ cho là "có một bước nhảy vọt trong quá trình tiến hóa", Vương quốc Anh đã cấm du khách đến từ các quốc gia phía nam châu Phi, gồm cả Nam Phi.
Các quốc gia/vùng lãnh thổ khác ở châu Âu, châu Á và Bắc Mỹ cũng nhanh chóng làm theo bất chấp khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) rằng hành động cần dựa trên bằng chứng khoa học. Một số chuyên gia thì cho rằng đã quá trễ để ngăn biến thể Omicron xâm nhập.
Các quan chức y tế châu Phi đề xuất tăng cường kiểm tra tại các điểm nhập cảnh, hoặc tăng thời gian cách ly lâu hơn thay vì đóng cửa biên giới và cấm nhập cảnh.
Ông Thierno Balde, quan chức thuộc văn phòng WHO ở châu Phi, cảnh báo hành động hiện tại của các nước "sẽ không khuyến khích các quốc gia khác chia sẻ thông tin có thể rất quan trọng đối với sức khỏe cộng đồng toàn cầu".
Omicron đã lan tới 16 nước/vùng lãnh thổ
Theo công cụ theo dõi COVID-19 của Đài NBC (Mỹ), đã có 16 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận các ca mắc biến thể Omicron tính đến trưa 30-11. Trong đó Nam Phi là nơi có số ca mắc nhiều nhất, tập trung ở tỉnh Gauteng có thành phố Johannesburg lớn nhất Nam Phi và thủ đô hành chính Pretoria.
Tại Úc, chính quyền đang ra sức truy vết sau khi một du khách nước ngoài mắc biến thể Omicron dành nhiều thời gian đi mua sắm tại Sydney. Người này đến Úc trước khi nước này hạn chế nhập cảnh.
Giới chức Úc lo ngại nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng từ ca nhiễm này, theo Hãng tin Reuters.
TTO - Biến thể Omicron được cho là có 32 đột biến trong protein gai, nhưng đến nay giới chuyên gia vẫn chưa biết chính xác về khả năng lây nhiễm và kháng vắc xin của biến thể này.
Xem thêm: mth.93970351103111202-norcimo-ev-ioig-eht-oab-hnac-ad-iv-tahp-gnurt-ib-yaht-mac-ihp-man/nv.ertiout