Hội nghị thương mại điện tử xuyên biên giới với chủ đề: “Dám mơ lớn: Tinh hoa hàng Việt - Vượt xuyên biên giới” do Amazon Việt Nam tổ chức ngày 31/10 tại TP.HCM |
Tại Hội nghị thương mại điện tử xuyên biên giới ngày 31/10, ông Gijae Seong, Giám đốc Điều hành Amazon Global Selling Việt Nam, cho biết hiện có 10 triệu sản phẩm “made in VietNam” được bán trên các cửa hàng trực tuyến của Amazon. Trong đó, TOP 5 ngành hàng từ các nhà bán hàng Việt Nam bán chạy nhất trên thế giới trong năm 2022 trên Amazon gồm: dụng cụ nhà bếp; đồ gia dụng; may mặc; sản phẩm chăm sóc sức khỏe và cá nhân; tiện ích gia đình.
Theo ông Gijae Seong, Đông Nam Á có tốc độ tăng trưởng doanh số bán hàng trực tuyến nhanh nhất trên quy mô toàn cầu. Top 10 quốc gia có mức tăng trưởng doanh số thương mại điện tử bán lẻ năm 2022 hàng đầu gồm: Philippines (25.9%), India (25.5%), Indonesia (23%), Brazil (22,2%), Việt Nam (19%), Argentina (18,6%), Malaysia (18,3%), Thailan (18%), Mexico (18%), US (15,9%).
“Các nhà sản xuất đang tập trung về Việt Nam và Việt Nam trở thành trung tâm sản xuất của Đông Nam Á, là một quốc gia sản xuất rất quan trọng trong nền kinh tế thế giới. Sau đại dịch COVID-19, thương mại điện tử xuyên biên giới toàn cầu nói chung, Việt Nam nói riêng có sự tăng trưởng vượt bậc với những tín hiệu tích cực. Đây chính là cơ hội để các doanh nghiệp Việt Nam tích cực nắm bắt cơ hội để mở rộng thị trường”, ông Gijae Seong nhấn mạnh.
Sản phẩm hạt điều "made in Vietnam" được bán trên Amazon |
Ông Trần Xuân Thuỷ, Giám đốc Amazon Global Selling Việt Nam khu vực phía Nam, cho biết hiện Amazon có 300 triệu khách hàng toàn cầu với 400 trung tâm hoàn thiện đơn hàng. Bốn nhóm sản phẩm nổi bật sẽ có xu hướng tăng trưởng mạnh mẽ thời gian gần đây và được kỳ vọng là những ngành hàng tiềm năng dành cho các doanh nghiệp Việt Nam khai phá và thành công, gồm: nội thất và trang trí nhà cửa; sản phẩm dệt may và phụ kiện; nhu yếu phẩm (hàng thiết yếu, tiêu dùng, thực phẩm, đồ uống, cải thiện sức khoẻ...); quà tặng.
Các sản phẩm nông nghiệp như gạo, cà phê, hạt điều, bánh tráng... của Việt Nam cũng đã xuất khẩu nhiều ra thế giới thông qua sàn Amazon. Tuy nhiên, đại diện Amazon khuyến nghị các doanh nghiệp trong ngành nông sản cần lưu ý vấn đề về hạn sử dụng, kích thước, trọng lượng sản phẩm khi bán sản phẩm trên sàn thương mại điện tử. Đồng thời, để bán hàng thành công trên Amazon, nhà bán hàng cần định hướng chiến lược sản phẩm; có đội ngũ chuyên trách tập trung nghiên cứu và lên kế hoạch; xây dựng kế hoạch quảng cáo bài bản; gia tăng trải nghiệm khách hàng; xây dựng thương hiệu; nắm bắt mùa khuyến mại và thúc đẩy doanh số...
Amazon Global Selling Việt Nam công bố 5 mục tiêu trọng điểm năm 2023 nhằm thúc đẩy xuất khẩu trực tuyến của Việt Nam. Cụ thể, tăng cường nhận thức và sự sẵn sàng cho thương mại điện tử xuyên biên giới tại Việt Nam; khuyến khích xây dựng thương hiệu quốc tế cho hàng hóa “Made in Vietnam”; giúp các đối tác bán hàng vươn ra toàn cầu với các hỗ trợ hậu cần; nâng cao trải nghiệm của các đối tác bán hàng; đóng góp vào sự phát triển bền vững của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam.
Nguyễn Cẩm
Xem thêm: lmth.4776741a-nozama-nert-yahc-nab-teiv-gnah-mohn/nv.moc.enilnounuhp.www