Nguyễn Bá Đạt tại hầm cầu nhà dân ở quận Gò Vấp
"Cái này kiểu làm thật thì ít, làm láo thì nhiều. Làm láo mới có ăn chứ làm thật làm gì có ăn", Nguyễn Bá Đạt (24 tuổi, quê Thanh Hóa), chủ nhân chiếc xe bồn hút hầm cầu biển số 29H-83149, công khai hành vi lừa đảo.
Nâng khống tinh vi
Theo điều tra của Tuổi Trẻ, Đạt cùng chiếc xe hút hầm cầu này hiện đang "đầu quân" cho Công ty TNHH xây dựng và vệ sinh môi trường Nam Bắc (trụ sở tại Hà Nội).
Sau nhiều ngày đeo bám, phóng viên Tuổi Trẻ xác định chiêu thức lừa đảo mà đối tượng này thường áp dụng là bấm đồng hồ ảo nâng khống thể tích chất thải. Đồng hồ này là một thanh nhựa mica trong suốt hiển thị mực nước (chất thải) trong bồn. Chỉ cần điều khiển thanh sắt giấu kín bên trái đuôi xe, mực nước lên hay xuống đều được Đạt "hô biến" trong nháy mắt.
Sáng 29-9, Đạt lái xe bồn 29H-83149 đến hút hầm cầu tại nhà dân trên đường Vườn Lài (quận 12, TP.HCM). Đạt thừa nhận nơi hút chỉ là "cống bi", giỏi lắm chỉ 1m3 chất thải. Nhưng thực tế tay này cùng một thanh niên tên Tú có mặt ở đây hơn một tiếng đồng hồ, luôn tỏ vẻ như đang cật lực hút một lượng chất thải "khủng".
Cuối buổi, Đạt kêu chủ nhà ra chỉ vào đồng hồ ảo (đã điều chỉnh) sau đuôi bồn báo khối lượng: "10 khối rồi" trong khi chỉ hút được khoảng 1m3.
Như vậy, với chiêu này khách hàng mất trắng 5,4 triệu đồng, trong khi thực tế chỉ mất 600.000 đồng (giá thỏa thuận 600.000 đồng/m3). "Phải báo lậu lên mới có ăn, chỗ này tôi vẫn hút nhưng khối lượng rất ít", tay này tiết lộ.
11h cùng ngày, chiếc xe này tiếp tục dừng trước địa chỉ 497/13 (đường Thống Nhất, phường 16, quận Gò Vấp) hút hầm cầu cho một cơ sở bán trú tiểu học. Ngoài Đạt, lần này có thêm một thanh niên xăm trổ chạy xe máy biển số Hà Nội, mặc bộ đồng phục màu xanh ghi "Công ty TNHH thiết bị môi trường Envico".
Vừa hút được khoảng 20 phút, Đạt dở trò kêu người nhà ghé sát tai vào lỗ thông hầm cầu nói "nước chảy ầm ầm từ ngoài vào". Tiếp đó, tay "đồng nghiệp" phụ họa thêm: "Nước ngoài cống dồn vào tận mặt, nhìn coi có thấy nước rung rinh không".
Nhiều người trong cơ sở ngơ ngác, yêu cầu kiểm tra số mét khối vừa hút được. Đạt nhảy tót lên lắc lắc thân xe rồi chỉ tay vào đồng hồ nước báo: "10,8m3". Dù trước đó vừa hút cho một nhà dân ở quận 12 là 10m3, nhưng tay này lại nói xe từ công ty ở Thủ Đức lên, chưa hút cho nhà nào cả. Như vậy chỉ với số mét khối của hai lần hút đã là 20,8m3, trong khi xe này chỉ chứa tối đa 7,5m3.
Thấy nhùng nhằng, thanh niên xăm trổ nói chuyện như quát với chủ cơ sở qua điện thoại (không có mặt ở hiện trường): "Tụi tôi nhận 800.000 đồng/m3, trong khi phải đổ vào nhà máy xử lý mất 450.000 đồng rồi chứ có đổ đường đổ cống được đâu.
Cùng lắm bớt cho chị một khối đến một khối rưỡi nước, thanh niên không thích nói nhiều, chỗ đó tôi lấy 7 triệu đồng". Lấy cớ "phải đi xử lý ngay", Đạt lên xe nổ máy chuồn đi, trong khi tay kia chờ chủ cơ sở chuyển khoản.
Thanh điều khiển đồng hồ nước nâng khống giấu kín
Lừa bơm vi sinh, "chặt chém" cả mối quen
Ngoài Đạt, ông Nguyễn Văn Thành (34 tuổi, quê Hà Nội), giám đốc Công ty TNHH công nghệ Sài Gòn Group, cũng không kém cạnh, liên tục giở đủ trò kê khống ăn chặn tiền của khách hàng.
Ông Thành hiện có ba xe bồn chuyên hút hầm cầu có dán số điện thoại 0922.229.596 trên xe (số này cũng dán nhiều ở trụ điện), gồm 51E-20432 (ông này báo 8m3) và 51D-81921, 29C-80483 (ông này báo 5,1m3).
Ông Thành khẳng định hai xe 51D-81921, 51E-20432 có gắn "đồng hồ ảo", có thể điều chỉnh số mét khối tùy thích. "Vẫn hút, nhưng mình thích báo nhiêu mình báo. Hút 1m3, báo 5m3 là được".
Sáng 2-10, ông Thành trực tiếp lái xe biển số 51D-81921 (5,1m3) hút hầm cầu cho căn nhà trên đường số 26, phường Phước Long A, TP Thủ Đức. Dù trước đó nhiều lần khẳng định "không làm vi sinh", nhưng ông này lại báo giá dịch vụ "hút vi sinh" tới hơn 2,8 triệu đồng 1m3 và lấy trọn 18 triệu đồng cho 6m3.
Trót lọt vụ này, ông Thành tiếp tục đánh xe tới đường Hồ Biểu Chánh (quận Phú Nhuận) xử lý hầm cầu theo định kỳ cho mối quen. Chủ nhà này khá tin tưởng và nói rằng ông Thành là chỗ quen biết. "Ảnh hút được lắm, nãy hút hết 12m3 và lấy tôi 400.000 đồng/m3".
Như vậy tưởng rằng người quen lấy rẻ, hóa ra ông Thành giở trò nâng khống số mét khối lên chặt chém. Chỉ tính hai gia đình này số thể tích chất thải ông này hút đã là 18m3, cao gần bốn lần so với thể tích xe có thể chứa là 5,1m3.
Mực nước lên xuống tùy ý
Ảo thuật kê chuyến moi tiền
Thủ đoạn nâng khống thể tích chất thải ăn tiền nêu trên chưa là gì so với cách lừa đảo tinh vi dưới đây.
Sáng 30-9, chiếc xe 29H-83149 của Nguyễn Bá Đạt rời bãi đậu bắt đầu một ngày "làm ăn". Xe này chạy thẳng đại lộ Bình Dương, rẽ vào đường Thủ Khoa Huân, sau đó dừng tại Trường mầm non Việt Anh trên đường Bình Chuẩn 62 (TP Thuận An, tỉnh Bình Dương).
Gần 12h, sau khi khoảng 30 phút Đạt báo "xe đầy" và rời đi "xử lý". Cách thức "xử lý" mà tay này nói với giáo viên của trường là cẩu bồn đầy sang xe container và thay bồn mới.
Nhưng theo dõi hành tung, chúng tôi xác định xe này không hề cẩu bồn mà "lẻn" vào hẻm ở đường Bình Chuẩn 59 đậu "nghỉ ngơi" khoảng 7 phút trước khi quay trở lại trường mầm non tiếp tục hút xe thứ hai.
Với chiêu trò này, Đạt khai đã kê khống chất thải hầm cầu ở trường mầm non lên 20m3 (xe), tổng hai xe lên 40m3 và lấy của trường trên 20 triệu đồng. Con số này cao gấp gần sáu lần so với thực tế thể tích của xe là 7,5m3.
Tương tự chiều 7-10, phóng viên bám theo chiếc xe hút hầm cầu biển số 51D-81921 (xe 5,1m3) do ông Thành cầm lái đến xử lý chất thải tại Công ty TNHH Long Huei (phường An Phú, TP Thuận An). Ghi nhận thực tế, xe này vào ra Công ty Long Huei tất cả ba lần (đều cùng bồn và xe mang biển số 51D-81921).
Theo nhân viên bảo vệ công ty (người trực tiếp mở cửa và ký nhận khối lượng sau mỗi lần hút), ông Thành hút tại đây tất cả ba chuyến, mỗi lần 8m3, tổng cộng 24m3. "Nghe mấy anh đó nói hút đầy rồi phải đi xử lý rồi quay lại hút tiếp. Mỗi lần chỉ hút được 8m3, phải hút tới ba lần mới xong", nhân viên này xác nhận.
Tuy nhiên phóng viên Tuổi Trẻ xác định tất cả các lần rời đi ông Thành không đi "xử lý", mà đi rất chậm đến đậu tại khu vực đối diện Bệnh viện Đa khoa An Phú. Có lần xe dừng tại đây chừng 3 phút, tiếp tục đi đến đường Chu Văn An cách đó khoảng 1km, rồi "núp" vào một con hẻm "câu giờ" mới tiếp tục đi "tà tà" về lại Công ty Long Huei.
Điển hình vào tối 13-10, ông Thành và "đệ tử" sử dụng chiếc xe khác (biển số 51E-20432) có cú "ăn 2" khi hút hầm cầu tại nhà của ông N. thuê trên đường Trường Chinh (quận Tân Bình). Đêm ấy, lần một nhóm này báo đầy xe 15m3 (thể tích thực 8m3) rồi lý do đi "xử lý".
Nhưng thực chất xe này đậu trên đường Hoàng Kế Viêm (cách nơi hút gần 1km) khoảng 20 phút rồi quay lại hút thêm một lần báo 15m3 nữa và "ăn" của ông N. 42 triệu đồng cho 30m3 vừa bơm ảo, kê chuyến.
Với chiêu này, nhóm Đạt “ăn” của gia đình này 7 triệu đồng
Xe của Thành hút hầm cầu tại nhà dân trên đường Trường Chinh (quận Tân Bình) tối 13-10, kèm theo đó là hóa đơn hút đến 30m3 với số tiền mà người dân phải trả là 42 triệu đồng
Nguyễn Bá Đạt bên “cỗ máy ăn tiền” xe bồn 29H-83149 và hóa đơn “ăn” tiền từ doanh nghiệp tại khu công nghiệp Nhơn Trạch 2 (Đồng Nai)
Giấy đăng kiểm giả nâng thể tích xe bồn gấp đôi thực tế của Đạt để lừa dối khách hàng
Một xe "thủ" hai đăng kiểm
Ngoài việc sẵn sàng cho các doanh nghiệp, người dân kiểm tra bồn chứa, vòi xả - hút trước và sau hút chất thải, Nguyễn Bá Đạt còn "thủ" cùng lúc hai giấy đăng kiểm của xe 29H-83149. Cả hai giấy này đều ghi cùng một ngày đăng kiểm (9-7-2022) do Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới 2923D (Hà Nội) cấp.
Tuy vậy Tuổi Trẻ xác định trong hai giấy đăng kiểm có một giấy Đạt thuê người làm giả, giá 3 triệu đồng.
Cụ thể đăng kiểm giả ghi xe này có tổng khối lượng trên 16,6 tấn (khối lượng chở hàng 12 tấn), trong khi đăng kiểm thật chỉ có tổng khối lượng 11 tấn (khối lượng chuyên chở 6,2 tấn).
Và để hợp thức hóa cho việc nâng khống thể tích chất thải, Đạt cùng các đối tượng thường trưng đăng kiểm giả này như một loại "bằng chứng pháp lý", hầu hết các vụ lừa đảo dù bị nghi ngờ vẫn dễ dàng trót lọt.
Đề nghị cắt số điện thoại
Đây là một trong những giải pháp trị nạn quảng cáo ở "cột điện" được nhiều bạn đọc phản hồi trên Tuổi Trẻ.
"Vì sao chuyện này kéo dài suốt nhiều năm? Mức phạt quá thấp không ai sợ. Đề xuất của tôi là gửi các số điện thoại được dán đến nhà mạng yêu cầu khóa số điện thoại", bạn Nam Việt đặt vấn đề.
"Có số điện thoại rõ ràng sao không xử phạt được? Đơn giản và hiệu quả nhất là cơ quan chức năng phối hợp với các nhà mạng thu hồi tất cả các đầu số thuê bao được in trên decal, không cần báo trước", bạn Trang Nguyễn nêu ý kiến.
Bạn Minh Thanh và Đình Thắng góp lời: Chứng cứ sờ sờ ra đó. Quảng cáo vi phạm pháp luật thì nên mạnh tay cắt số những chủ thuê bao này và không cho đăng ký lại trong vòng vài năm, phạt thật nặng trước khi cho đăng ký mới. Tái phạm thì vĩnh viễn chủ số máy không được đăng ký số mới nào với trên tất cả các mạng.
Bạn COC cho rằng trước hết truy từ số điện thoại trên tờ quảng cáo rồi đến các tiệm in quảng cáo, cắt số điện thoại và phạt tiền thật nặng cho đến rút giấy phép kinh doanh quảng cáo.
TTO - Việc dán quảng cáo đang bủa vây từ các khu nhà trọ, trụ điện, bờ tường, thùng rác, ống nước… Tưởng rằng là vấn đề nhỏ nhưng nạn dán bậy 'không nhỏ chút nào', đặc biệt khi đang trực tiếp bôi xấu bộ mặt đô thị của TP.HCM.