Chiều 1.11, kết luận phiên họp kinh tế xã hội thường kỳ, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đánh giá nhiều tình huống phát sinh trong tháng 10.2022 ảnh hưởng đến đời sống người dân.
Có thể kể đến như tình trạng thiếu xăng dầu gây ra tâm lý thiếu tin tưởng và ảnh hướng đến sinh hoạt của người dân, bên cạnh các hoạt động kinh tế xã hội.
“Tình huống Ngân hàng Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến kinh tế xã hội, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội của thành phố, nhất là lĩnh vực ngân hàng, tài chính, bất động sản”, ông Mãi nói, đồng thời cho biết TP.HCM sẽ tiếp tục theo dõi, đánh giá và có biện pháp ứng phó để hạn chế đến mức thấp nhất.
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi kết luận phiên họp chiều 1.11 ttbc tp.hcm |
TS Trương Minh Huy Vũ, Đại học Quốc gia TP.HCM đề nghị TP.HCM cần ưu tiên trọng tâm là bảo đảm sự ổn định của hệ thống ngân hàng thương mại; khôi phục niềm tin thị trường, minh bạch doanh nghiệp thị trường trái phiếu, loại bỏ tâm lý hoảng loạn thị trường; phân tích toàn diện thị trường tài chính, tiền tệ, xử lý doanh nghiệp có sai phạm.
|
SCB công bố Hội đồng quản trị mới sau khi Ngân hàng Nhà nước kiểm soát đặc biệt |
Trong khi đó, TS Trần Du Lịch nói rằng nền kinh tế TP.HCM cũng như cả nước đang phải đương đầu với các vấn đề lớn như dự báo kinh tế toàn cầu khó khăn, xu thế suy thoái khá rõ, lạm phát.
TP.HCM cũng là điểm nóng trong quá trình thiết lập kỷ luật, kỷ cương thị trường tài chính, bất động sản. “Đây là việc rất tốt để lành mạnh thị trường trong trung và dài hạn, nhưng trong ngắn hạn sẽ tác động không thuận lợi, đặc biệt là tâm lý chờ đợi của nhà đầu tư”, TS Lịch nhận định.
TS Trần Du Lịch đánh giá TP.HCM là nền kinh tế nhạy cảm trước các chính sách vĩ mô ttbc tp.hcm |
10 tháng đầu năm, TP.HCM thu ngân sách khoảng 392.790 tỉ đồng, đạt 101,6% dự toán năm. Sở Tài chính TP.HCM cho biết một số khoản thu đột biến như thu tiền sử dụng đất tăng 2 lần so cùng kỳ, nhiều đơn vị nộp tiền thuê đất một lần, nộp sớm so với quy định.
Chủ tịch Phan Văn Mãi cho biết trong báo cáo trình Quốc hội, Chính phủ ước thu ngân sách năm 2022 của TP.HCM 426.000 tỉ đồng, thu vượt 40.000 tỉ đồng so với kế hoạch năm; đồng thời dự toán thu ngân sách năm 2023 là 469.000 tỉ đồng, tăng khoảng 80.000 tỉ đồng so với năm 2022. Trong bối cảnh kinh tế chững lại trong quý 4 và sụt giảm một số lĩnh vực cùng với khó khăn trong năm 2023 thì chỉ tiêu này là một thách thức lớn.
Ông Mãi yêu cầu đánh giá thực chất các diễn biến, khó khăn để xác định nhiệm vụ trọng tâm cho năm 2023, phải tập trung tháo gỡ các điểm nghẽn, phát huy kinh tế nội địa, đồng thời rà soát lại kế hoạch đầu tư công để phân bổ nguồn lực hợp lý. Dự kiến kỳ họp cuối năm của HĐND TP.HCM, UBND TP.HCM báo cáo 30 nội dung, trong đó sẽ điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn, xin chủ trương đầu tư các dự án trọng điểm như khép kín Vành đai 2, rạch Xuyên Tâm…
Trong tháng 12.2022, TP.HCM dự kiến khởi công nút giao An Phú, đường nối Trần Quốc Hoàn cũng như khởi động lại các công trình “trùm mền” nhiều năm.