Theo báo cáo tài chính mới đây của Tổng Công ty Lương thực Miền Nam (Vinafood II, UPCoM: VSF), nhờ hoàn thành các hợp đồng xuất khẩu mới mà lợi nhuận công ty đã có tín hiệu khả quan so với cùng kỳ năm trước. Theo đó, doanh thu thuần của Vinafood II đạt 3.654 tỷ đồng, tăng 13,6% so với cùng kỳ.
Ngoài ra, doanh thu từ hoạt động tài chính của Vinafood II ghi nhận tăng mạnh hơn 92%, đạt mức 48,3 tỷ đồng. Các chi phí vận hành của doanh nghiệp cũng có xu hướng tăng đáng kể so với quý III/2021. Trong đó, công ty đã chi ra hơn 214 tỷ đồng cho việc bán hàng và 143 tỷ đồng quản lý doanh nghiệp; tăng lần lượt 23% và 60% so với cùng kỳ năm ngoái.
Sau khi trừ các chi phí, Vinafood II báo lãi 265 triệu đồng, đây là tín hiệu đáng mừng khi quý III/2021 công ty báo lỗ hơn 97 tỷ đồng.
Giải trình kết quả chênh lệch, Vinafood II cho biết, năm 2021 công ty đã chịu ảnh hưởng nghiêm trọng bởi đại dịch Covid-19 nên tình hình sản xuất và tiêu thụ gạo gặp nhiều khó khăn. Đến kỳ này, nhờ vào việc hoàn thành mục tiêu thực hiện các hợp đồng xuất khẩu gạo mới nên đã mang về lợi nhuận cho công ty.
Luỹ kế 9 tháng đầu năm 2022, mặc dù doanh thu thuần giảm nhẹ so với cùng kỳ, đạt 10.836 tỷ đồng nhưng Vinafood II thu về hơn 5,1 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, vượt xa so với số lỗ gần 248 tỷ đồng 9 tháng đầu năm 2021.
Năm 2022, công ty đặt ra mục tiêu đạt 15.717 tỷ đồng mục tiêu doanh thu, 105 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế. Như vậy, kết thúc 9 tháng đầu năm, công ty mới chỉ hoàn thành 4,7% kế hoạch lợi nhuận cả năm.
Trong kỳ, do lỗ chênh lệch tỉ giá phát sinh dẫn đến việc Vinafood II ghi nhận các khoản chi phí tài chính tăng từ 120 tỷ đồng tại đầu kỳ lên 167 tỷ đồng vào cuối kỳ.
Về tình hình tài chính, tại ngày 30/9/2022, tổng tài sản của Vinafood II là 7.434,8 tỷ đồng, tăng 14% so với đầu năm. Trong đó, hàng tồn kho tăng hơn 67% lên 2.192 tỷ đồng, chủ yếu mức tăng đến từ chỉ số thành phẩm và nguyên liệu, vật liệu.
Dư nợ phải trả đến cuối kỳ của Vinafood II ở mức 4.997 tỷ đồng, tăng 23% so với số đầu kỳ; trong đó chiếm đa số là nợ ngắn hạn với 73%, tương đương 3.653 tỷ đồng. Cụ thể, các khoản vay ngắn hạn tính đến ngày 30/9 là 2.673 tỷ đồng, tăng 41% so với số đầu kỳ.
Ngoài ra, công ty đang còn khoản nợ xấu hơn 615 tỷ đồng tại một loạt doanh nghiệp, giá trị có thể thu hồi chỉ còn 119 triệu đồng. Hiện, công ty đã trích lập dự phòng đầy đủ cho khoản nợ xấu này.
Nguồn vốn của chủ sở hữu đến tháng 9 là 2.437 tỷ đồng, giảm nhẹ so với đầu năm. Đáng chú ý, mặc dù báo lãi trở lại nhưng Vinafood II vẫn đang lỗ luỹ kế hơn 2.776 tỷ đồng.
Đầu tháng 9, “ông lớn” ngành gạo đã thực hiện chuyển nhượng hơn 5,5 triệu cổ phần của Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Nông sản Thực phẩm An Giang (UPCoM: AFX) thông qua hình thức đấu giá công khai với mục đích thoái toàn bộ vốn của Vinafood II tại AFX.
Tuy nhiên, Vinafood II chỉ đấu giá thành công 76,6% cổ phiếu của mình tại AFX, thu về gần 110 tỷ đồng. Sau phiên đấu giá, Vinafood II đã giảm tỉ lệ sở hữu tại AFX xuống còn 4,8%, đồng nghĩa với việc không còn là cổ đông lớn.
Tại một diễn biến khác, báo cáo ngành gạo của Công ty Chứng Khoán Mirae Asset Việt Nam (MASVN), Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ đã nhận định Thái Lan và Việt Nam sẽ là 2 quốc gia hưởng lợi và gia tăng lượng xuất khẩu trong năm 2022 và 2023, trong bối cảnh thế giới được dự báo thiếu hụt nguồn cung gạo do sự hạn chế xuất khẩu từ Ấn Độ.
MASVN dự báo sản lượng gạo xuất khẩu Việt Nam năm 2022 đạt 6,6 triệu tấn, tăng gần 7% cùng kỳ năm trước nhờ điều kiện thị trường thuận lợi khi Ấn Độ giảm xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc và Philippines.