Từ năm 2020 trở về trước, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) trực thuộc Bộ GTVT nên tiền bảo trì hạ tầng đường sắt được chuyển thẳng đến VNR. Từ đó, VNR ký hợp đồng với các doanh nghiệp thực hiện công tác bảo trì. Khi VNR chuyển về Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp thì gặp vướng vì Bộ GTVT không biết giao vốn bảo trì cho ai.
Để công tác bảo trì đường sắt không bị gián đoạn và có nguy cơ dừng chạy tàu, năm 2021, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã giải quyết tình thế này bằng việc giao Bộ GTVT chịu trách nhiệm đặt hàng cho VNR để bảo trì kết cấu hạ tầng quốc gia. Tuy nhiên, theo quy định hiện hành chưa phù hợp.
Cửa kiểm soát vé trước khi lên tàu hỏa. |
Cụ thể khoản 2, điều 12, nghị định 32/2019, quy định về giao nhiệm vụ đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ công sử dụng ngân sách nhà nước từ nguồn chi thường xuyên, thì VNR không có ngành nghề kinh doanh quản lý, bảo trì.
VNR là doanh nghiệp kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt và có trách nhiệm thực hiện bảo trì do nhà nước đầu tư theo quy định của pháp luật khi được giao, cho thuê hoặc chuyển nhượng. Nên Bộ GTVT gặp khó khi đặt hàng với VNR.
Để giải bài toán trên, Bộ GTVT vừa trình Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của điều lệ tổ chức và hoạt động của VNR ban hành kèm theo Nghị định số 11/2018 của Chính phủ. Cụ thể ở đây là điều chỉnh, bổ sung nội dung khoản 3, điều 4, Nghị định số 11 để bổ sung ngành, nghề kinh doanh quản lý, bảo trì đường sắt quốc gia cho VNR. Đây cũng là thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành.
Bộ GTVT cho rằng việc bổ sung ngành, nghề kinh doanh quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia cho VNR sẽ bảo đảm sự phù hợp, đồng bộ quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật khi VNR nhận đặt hàng thực hiện cung cấp dịch vụ sự nghiệp công.
Với quy định trên, Cục Đường sắt Việt Nam (Bộ GTVT) hằng năm sẽ ký hợp đồng đặt hàng toàn bộ công tác quản lý, bảo trì hạ tầng đường sắt quốc gia với VNR. Theo đó, giải được bài toán mà trong năm 2020, 2021 gặp phải là Bộ GTVT cầm tiền nhưng không biết giao cho ai.
Theo dự toán hằng năm, ngân sách nhà nước dành cho bảo trì, duy tu tuyến đường sắt quốc gia khoảng 2.800 tỉ đồng. Trong đó có 10% sửa chữa định kỳ các công trình hư hỏng nặng, gần 10% sắm vật tư thay thế, 2% chi máy móc thiết bị, dự phòng bão lũ, hơn 70% là trả lương cho 11.315 công nhân duy tu, tuần đường, gác chắn, lao động gián tiếp...
Sửa quy định về việc từ chức đối với lãnh đạo VNR
Bộ GTVT cho biết đơn vị cũng điều chỉnh lại nghị định 11 theo hướng sửa quy định về đánh giá người quản lý doanh nghiệp, từ chức, miễn nhiệm, khen thưởng, kỷ luật cho phù hợp.
Cụ thể, người quản lý doanh nghiệp trong VNR được từ chức theo một trong các trường hợp sau đây: Tự nguyện xin thôi giữ chức vụ để chuyển giao vị trí lãnh đạo; Do tự nhận thấy không đủ tiêu chuẩn, điều kiện, sức khỏe để hoàn thành nhiệm vụ được giao hoặc vị trí công tác không phù hợp.