UBND tỉnh Đồng Tháp vừa có cuộc họp thông qua báo cáo cuối kỳ về dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Cao Lãnh - An Hữu giai đoạn 1.
Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Cao Lãnh - An Hữu, giai đoạn 1, với tổng chiều dài tuyến khoảng 27,43 km.
Dự án thành phần 1 có chiều dài 16 km thuộc tỉnh Đồng Tháp; dự án thành phần 2 chiều dài 11,43 km thuộc địa phận tỉnh Đồng Tháp và Tiền Giang
Theo đơn vị tư vấn, dự án thành phần 1 có điểm đầu giao với cao tốc Mỹ An – Cao Lãnh, tại huyện Cao Lãnh; Điểm cuối giao với tuyến đường tỉnh ĐT850. Tuyến có quy mô 4 làn xe, bố trí làn xe dừng khẩn cấp không liên tục.
Nhu cầu sử dụng đất cho dự án hơn 101 ha.
Đơn vị tư vấn đưa ra 2 phương án thực hiện gồm: Phương án 1 có 4,5 km đường gom dân sinh, tổng mức đầu tư 4.401 tỉ đồng. Phương án 2 có 7,8 km đường gom dân sinh, tổng mức đầu tư 4.447 tỉ đồng.
Hướng tuyến cao tốc Cao Lãnh - An Hữu, giai đoạn 1 do đơn vị tư vấn đề xuất |
Tại cuộc họp các đơn vị đã có nhiều ý kiến đóng góp nhằm lựa chọn phương án phù hợp nhất. Đặc biệt đa số các ý kiến đều nêu lên sự cần thiết phải kết nối tuyến cao tốc vào địa bàn TP Cao Lãnh.
Chỉ đạo tại cuộc họp, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp ông Phạm Thiện Nghĩa giao Sở TN&MT phối hợp với đơn vị tư vấn để chọn phương án, tính toán chi phí đền bù, giải phóng mặt bằng.
Còn Sở GTVT chủ trì, phối hợp cùng Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông, Sở Xây dựng và huyện Cao Lãnh, Tháp Mười thẩm định từng nội dung về mặt kỹ thuật.
Sở KH&ĐT có trách nhiệm xác định phần vốn để thực hiện và có tham mưu cho tỉnh báo cáo với Trung ương.
Riêng đơn vị tư vấn, Chủ tịch tỉnh Đồng Tháp đề nghị đơn vị tính toán lại từng khoản chi phí, trong đó có giá cát, chi phí xây dựng, thiết bị; đồng thời nghiên cứu rút ngắn thời gian hoàn thành dự án…
Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cũng vừa phê duyệt danh mục tiêu chuẩn kỹ thuật áp dụng cho Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Cao Lãnh - An Hữu, giai đoạn 1 (Dự án thành phần 1)
Theo đó Chủ tịch tỉnh Đồng Tháp yêu cầu khi áp dụng các tiêu chuẩn phải đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ, không pha trộn tiêu chuẩn có cùng phạm vi áp dụng nhưng khác biệt về phương pháp và triết lý thiết kế cho cùng một công trình hoặc bộ phận kết cấu công trình.
Trong quá trình áp dụng các tiêu chuẩn này, các cơ quan, đơn vị áp dụng thấy có điều khoản nào chưa phù hợp, có sự chồng chéo giữa các tiêu chuẩn, nếu cần điều chỉnh, bổ sung danh mục các tiêu chuẩn áp dụng cho dự án thì đề nghị bằng văn bản gửi qua Sở GTVT kiểm tra, tổng hợp, trình UBND tỉnh xem xét, giải quyết