Dư luận phẫn nộ về việc Võ Văn Điệp (40 tuổi, ngụ tại thôn Lâm Bình, xã Sơn Lâm, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh) đã cầm dao xông vào trường và buộc thầy Hiệu trưởng quỳ xin lỗi trong 6 phút ở sân chào cờ. Không ai có thể chấp nhận một chuyện vô pháp vô thiên, vi phạm cả pháp luật và đạo đức như thế cả.
Việc chiều nay 2-11, Cơ quan CSĐT Công an huyện Hương Sơn đã ra quyết định khởi tố bị can đối với Võ Văn Điệp để điều tra về hành vi "làm nhục người khác" là kịp thời và cần thiết!
Trả lời về vấn đề này, thầy Hiệu trưởng cho biết nguyên nhân là hai cháu con của bị can Điệp (lớp 1 và lớp 5) chưa đóng BHYT bắt buộc nên trường gửi giấy mời phụ huynh, nhưng Điệp không tới. Vì thế vào cuối buổi chào cờ sáng 31-10, Trường tiểu học Sơn Lâm có mời một số học sinh, trong đó có hai con của ông Điệp, đứng lên để hỏi về việc phụ huynh đã nhận được giấy mời hay chưa mà không thấy phản hồi.
Vấn đề này, không thể chỉ dừng ở giải thích ấy. Trường nếu muốn tìm hiểu có thể gặp riêng hai cháu. Bắt hai đứa trẻ 6 và 10 tuổi đứng trước sân chào cờ giữa hàng trăm bạn bè để hỏi việc cha mẹ chưa đóng tiền, là một hành vi bạo lực, trái luật và phản giáo dục.
Trái chỗ nào?
Việc nhà trường đối xử với hai học sinh trên có dấu hiệu vi phạm Luật trẻ em 2016.
Luật này giải thích "Bạo lực trẻ em" bao gồm cả hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm; cô lập và các hành vi cố ý khác gây tổn hại về thể chất, tinh thần của trẻ em.
Việc bắt hai đứa trẻ đứng lên để hỏi chuyện cha mẹ chưa đóng BHYT, là "cô lập" chúng trong mắt bạn bè còn lại.
Điều 5 luật này quy định "Không phân biệt đối xử với trẻ em", thì việc bắt các em đứng lên trong buổi chào cờ, là hành vi phân biệt đối xử.
Điều 6 Luật Trẻ em "nghiêm cấm kỳ thị, phân biệt đối xử với trẻ em vì đặc điểm cá nhân, hoàn cảnh gia đình", thì việc bắt chúng đứng lên trong buổi chào cờ là tạo ra sự kỳ thị.
Nếu so sánh với Điều 47 Luật Trẻ em 2016 "Cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục, ... có trách nhiệm bảo vệ trẻ em. Việc bảo vệ trẻ em phải tuân thủ các quy định của pháp luật, quy trình, tiêu chuẩn do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành", thì hành vi ấy rõ ràng đang đi ngược lại việc bảo vệ trẻ.
Vì vậy, nó là sai luật chứ không phải chỉ là thiếu tế nhị.
Bên cạnh việc đòi hỏi và đề nghị xử lý nghiêm khắc bị can về hành vi làm nhục, cũng cần xem xét xử lý kỷ luật những người đã làm sai đối với trẻ em.