Với Nhật Bản, 90% năng lượng là phụ thuộc vào nhập khẩu, Nhật Bản đang hướng tới phát triển các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng xanh, trong đó địa nhiệt được xem là một nguồn tài nguyên có nhiều tiềm năng nhưng đang ngủ quên từ lâu nay.
Tiềm năng phát triển địa nhiệt của Nhật Bản lớn thứ 3 thế giới với nền địa chất đặc biệt. Nếu tận dụng tối đa nguồn tài nguyên này, Nhật Bản có thể đưa năng lượng địa nhiệt trở thành trọng tâm trong cơ cấu năng lượng quốc gia.
Tài nguyên địa nhiệt của Nhật Bản tương đương với 23,47 triệu kilowatt điện và tương đương với 23 nhà máy điện hạt nhân, đứng thứ ba trên thế giới, chỉ sau sau Mỹ và Indonesia. Tuy nhiên, công suất địa nhiệt hiện tại của Nhật Bản là 610.000 kilowatt, chỉ chiếm 0,3% tổng nguồn điện của Nhật Bản tính đến tháng 3/2021, thấp hơn nhiều so với điện mặt trời (7,9%) và thủy điện (7,8%).
Không chỉ có tiềm năng lớn, địa nhiệt còn có nhiều ưu điểm để đóng góp vào quá trình trung hòa khí thải theo cam kết của Nhật Bản vào năm 2050. Theo Viện nghiên cứu Trung ương về công nghiệp điện lực nước này, địa nhiệt hầu như không phát thải CO2 trong quá trình phát điện.
Bên cạnh đó, so với các năng lượng tái tạo khác như điện mặt trời và điện gió, bị ảnh hưởng bởi nắng, gió và thời gian trong ngày thì địa nhiệt sẽ tạo ra nguồn điện ổn định, có thể được sử dụng làm nguồn điện cơ bản.
Mặc dù có nhiều tiềm năng nhưng địa nhiệt của Nhật Bản chưa được khai thác, ngoài nguyên nhân về quy trình phức tạp, kinh phí thực hiện cao thì còn gặp nhiều trở ngại khác.
Trở ngại lớn nhất để phát triển địa nhiệt là có đến 80% khu vực có tiềm năng địa nhiệt nằm trong các khu bảo tồn quốc gia. Thứ hai là sự phản đối từ ngành công nghiệp du lịch suối nước nóng hay còn gọi là onsen tại Nhật Bản, khi lo ngại nếu phát triển địa nhiệt sẽ ảnh hưởng đến hoạt động của các suối nước nóng. Nhiều ý kiến cho rằng phải bảo vệ văn hóa suối nước nóng - vốn là một trong những biểu tượng của du lịch Nhật Bản và mang lại nguồn thu kinh tế lớn cho địa phương.
Với nhiều trở ngại, sản lượng địa nhiệt tại Nhật Bản hầu như không tăng thêm trong 10 năm qua. Tuy nhiên, trong bối cảnh thiếu hụt nguồn cung năng lượng toàn cầu, Nhật Bản một lần nữa đang xem xét đến địa nhiệt, với biện pháp hài hòa, vừa phát triển điện năng vừa phục vụ du lịch. Nhật Bản kỳ vọng có thể tận dụng nguồn tài nguyên sẵn có này, qua đó tăng khả năng tự chủ năng lượng quốc gia.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.83580719030112202-nab-tahn-auc-neuq-ugn-gnad-gnoul-gnan-nougn-teihn-aid/et-hnik/nv.vtv