Ngoài đam mê học ngoại ngữ, Khang rất thích vẽ và khoe hai bức tranh vẽ tặng bà nội - Ảnh: CÔNG TRIỆU
Đó là câu chuyện của cậu học trò Dương Bảo Nam Khang (Trường THPT chuyên Hoàng Lê Kha, tỉnh Tây Ninh). Cánh cổng giảng đường đại học vừa mở ra với Khang, và cậu đủ lớn để cảm nhận còn bao chông chênh đang chờ mình phía trước.
Bà làm mẹ cháu đi!
Trùng trùng khó khăn, thiếu thốn của một đứa con mồ côi chưa từng làm Khang chùn bước. Cậu có niềm tin mạnh mẽ mình sẽ thành công. Điều duy nhất làm cậu lo lắng chính là sợ ngày ấy đến muộn, mà bà nội thì mỗi ngày cứ già đi, làm sao còn bên cạnh mình mãi.
Ngược về nhiều năm trước, gia đình cậu vốn không vắng lặng và khốn khó như hiện tại. Ngày đón con trai chào đời, cha mẹ cậu đã rơi nước mắt hạnh phúc.
Nhưng vì nhiều lý do, cha mẹ Khang không chung sống cùng nhau nữa, thằng bé Khang khi ấy chưa đầy 21 tháng tuổi đã phải rời xa hơi ấm của mẹ. Vì bạo bệnh, ít năm sau cha Khang cũng bỏ cậu mà đi mãi. Ký ức của đứa bé 10 tuổi khi đó chỉ biết khóc thôi.
Nhắc chuyện cũ, Khang thoáng buồn vì thấy mình thiệt thòi nhưng hiện tại cậu nhìn mọi thứ đầy tích cực. Khang nói mình còn may mắn lắm khi có bà nội. Bà Lê Thanh Loan - nội Khang - nay đã 66 tuổi. Trận đột quỵ gần hai năm trước khiến sức khỏe của bà cũng ngày một kém.
Sống cạnh khu chợ dân sinh ở TP Tây Ninh, nguồn thu nhập chính của hai bà cháu nhờ vào bếp cơm chay nhưng từ khi sức khỏe bà yếu dần, bếp đã thôi đỏ lửa. Trận ốm khiến số tiền ít ỏi bà tích cóp phòng khi tuổi già lần lượt đội nón ra đi. Cuộc sống vốn khó nay càng thêm khó vì chi phí ngày mỗi tăng, chi tiêu cho việc học của Khang cũng ngày một nhiều.
"Tôi sống được tới giờ này, thằng Khang học được tới lớp này cũng nhờ cả tình thương của thầy cô, làng xóm", bà Loan bộc bạch.
"Bà làm mẹ cháu đi", câu nói nửa đùa nửa thật của thằng cháu nội lúc bé trở thành nỗi ám ảnh theo bà suốt cuộc đời. Chỉ trừ lúc tới trường, thằng Khang theo bà như hình với bóng. Học theo nội, Khang cũng ăn chay trường từ nhỏ.
Mỗi "khoản nợ" ân tình khi nhận được, mình đều ghi chép lại thật chi tiết để nhắc mình luôn nhớ rằng đã được sống, được đến trường bởi biết bao tấm lòng của rất nhiều người.
DƯƠNG BẢO NAM KHANG
Con sẽ thành công
Thật không dễ hình dung những gì Khang đã trải qua với một tuổi thơ thiếu hơi ấm mẹ cha, khốn khó cả vật chất. Chính Khang cũng không thể lý giải bằng cách nào bạn vượt qua những con dốc ấy, để suốt 12 năm đều là học sinh khá giỏi, rồi từng giành giải khuyến khích kỳ thi học sinh giỏi quốc gia môn địa lý.
Nhưng Khang biết học là cách duy nhất để giải quyết nỗi buồn, sự cô độc của một đứa trẻ mồ côi và cũng là lối đi nhanh nhất để đền ơn bà nội và những người tin yêu mình.
Khang đỗ ngành ngôn ngữ Trung Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM) bằng điểm xét học bạ môn toán, văn và ngoại ngữ có tổng trên 27 điểm. Ngoại ngữ có sức hút vô cùng với Khang.
Dù chưa từng đăng ký một buổi học thêm ngoại ngữ nào nhưng Khang bắt chước và có thể nói được tiếng Trung, tiếng Anh, tiếng Nga và tiếng Thái. "Học ở lớp cái gì không hiểu em hỏi thầy cô, lên mạng tìm đọc rồi hỏi mọi người", Khang kể về cách học của mình.
"Con sẽ thành công". Dòng chữ cậu viết trong nhật ký của mình đã có phần nhòe đi nhiều bởi nước mắt.
Ấy là khoảnh khắc Khang bảo sẽ không bao giờ quên trong đời mình khi nhìn thấy bà nội ngã quỵ trước mắt vì kiệt sức. Để rồi mỗi lần gặp khó khăn cậu lại mở trang nhật ký ấy ra, rồi gấp vào nhanh thôi nhưng cũng đủ để lấy lại cân bằng, bước tiếp...
Tháng 11-2021, cô Quyên cho 10kg gạo; tháng 5-2022, chú Kiệt cho con chiếc xe máy... Hai trong nhiều dòng nhật ký gần đây nhất Khang ghi lại trong cuốn sổ đặt đầu giường. Đó là nơi Khang kể lại những ân tình mà cậu nhận được từ thầy cô, bạn bè và rất nhiều người tốt xung quanh.
Mọi thứ đều được ghi chép một cách tỉ mỉ, cẩn thận từng ngày tháng, từng cây bút, cân gạo...
Chưa hết, trong đó còn có cả những khoản học bổng Khang từng nhận được: lớp 11 học bổng Quỹ Thiện tâm, học bổng Thắp sáng ước mơ, giải thưởng Lê Quý Đôn; lớp 12 học bổng Thắp sáng ước mơ, giải thưởng Lê Quý Đôn, giải thưởng học sinh giỏi quốc gia...
"Mình ghi lại chi tiết để nhớ rằng mình đã được sống, được đến trường bởi ân tình của biết bao người. Còn các học bổng, giải thưởng cũng phải ghi lại để nhắc bản thân nhớ làm hồ sơ xét học bổng, cũng xem đó là mục tiêu, động lực để phấn đấu đoạt giải cao hơn ở các kỳ thi", Khang cười.
Cậu học trò đặc biệt
Khi được hỏi về cậu học trò Nam Khang, cô Lê Thị Thúy Hằng - giáo viên môn địa lý Trường THPT chuyên Hoàng Lê Kha - không ngớt lời khen ngợi. Cô Hằng kể các bạn cùng trường, cùng đội tuyển học sinh giỏi quốc gia của trường và cả bản thân cô cũng rất nể phục trước sự chịu khó, lối sống khoa học của Khang.
Từ nhỏ, Khang đã biết đặt ra những mục tiêu và quyết tâm thực hiện nó. Đam mê môn địa lý, bạn đặt mục tiêu phải vào đội tuyển học sinh giỏi của trường đi thi giải quốc gia. Và khi biết nếu đoạt từ giải ba trở lên có thể sẽ được du học ở Nga, cậu càng quyết tâm cày ngày cày đêm cho mục tiêu ấy.
"Cậu trò này rất đặc biệt, không chịu ngồi yên hay chỉ học theo hướng dẫn của thầy cô đâu. Khang cũng hỗ trợ tôi rất nhiều, bạn cũng luôn chủ động tự kết nối trong quá trình ôn luyện học sinh giỏi chứ không chờ đợi ai giúp", cô Hằng nói.
Hướng dẫn đăng ký học bổng Tiếp sức đến trường 2022 - Đồ họa: NGỌC THÀNH
TTO - 'Giá thời gian có thể quay lại, con sẽ trân trọng thời gian quý báu ấy, thêm một lần nữa con sẽ nói yêu mẹ đến chừng nào', cô gái Cẩm Thuy viết trong thư.
Xem thêm: mth.53252619030112202-coh-iad-ned-gnoud-av-ioc-om-eb-uac-ion-auc-ma-ioh/nv.ertiout