Tại Phiên chính thức, Ban Giám đốc AIIB đã trình Hội đồng Thống đốc AIIB xem xét thông qua các Nghị quyết về Báo cáo thường niên 2021, Kế hoạch Hội nghị thường niên 2023 và Bầu nhân sự cho Hội đồng Thống đốc nhiệm kỳ tiếp theo.
Hội nghị ghi nhận AIIB đã đạt được những kết quả quan trọng trong năm 2021, năm đầu tiên của giai đoạn “tăng tốc” phát triển với nhiều mục tiêu tham vọng đặt ra theo Chiến lược Phát triển giai đoạn 2021 – 2030. Tính đến cuối năm 2021, mặc dù không đạt được một số mục tiêu đặt ra do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, AIIB đã hoàn thành các nhiệm vụ theo yêu cầu của các nước cổ đông, đó là góp phần hỗ trợ các nước ứng phó với khủng hoảng, phục hồi và phát triển bền vững nền kinh tế, trong khi vẫn đảm bảo duy trì tình hình tài chính an toàn và lành mạnh của Ngân hàng. Trong năm 2021, AIIB đã phê duyệt tổng cộng 51 dự án, trong đó, 33 dự án phù hợp với một hoặc nhiều ưu tiên chính của Ngân hàng, 18 dự án thuộc Thể thức Hỗ trợ Phục hồi Khủng hoảng do COVID-19 (CRF) tập trung vào hỗ trợ các nước thành viên ứng phó khẩn cấp và xử lý các vấn đề liên quan đến sức khỏe cộng đồng (bao gồm tài trợ vắc xin), hỗ trợ thanh khoản và tăng cường khả năng phục hồi kinh tế. AIIB cũng đã phê duyệt gia hạn và tăng quy mô tài trợ của CRF từ 5 tỷ USD lên 13 tỷ USD (Tháng 2/2022, CRF tiếp tục được gia hạn tới tháng 12/2023 với quy mô lên tới 20 tỷ USD). Đồng thời, AIIB bổ sung Cơ chế Quỹ Đặc biệt (Special Fund Window) với giá trị lên đến 25 triệu USD để hỗ trợ dưới hình thức giảm lãi suất cho các thành viên kém phát triển vay vốn cho các mục đích phù hợp với tôn chỉ và lĩnh vực hoạt động của AIIB theo hình thức có bảo lãnh Chính phủ. AIIB tiếp tục được các tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế như S&P Global’s, Moody’s và Fitch Ratings xếp hạng ở mức cao nhất (AAA) với triển vọng ổn định năm thứ 4 liên tiếp (kể từ 2017).
Hội nghị cũng nhất trí trong bối cảnh hoạt động khó khăn của năm 2021, AIIB vẫn nỗ lực hướng tới các chuẩn mực quốc tế cao nhất về môi trường, xã hội. Bên cạnh việc sửa đổi Khuôn khổ Môi trường - Xã hội (ESF), AIIB tiếp tục đưa ra các Cam kết mạnh mẽ trong khuôn khổ Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu (COP26) và xây dựng kế hoạch cụ thể cho việc thực hiện Thỏa thuận Paris (Paris Agreement). Các chính sách và cam kết này có vai trò quan trọng định hướng AIIB và bên vay thực hiện các tiêu chuẩn quốc tế về môi trường và xã hội, đồng thời giúp phát hiện, phòng ngừa và xử lý các rủi ro liên quan trong quá trình xây dựng và thực hiện dự án.
Trong bài phát biểu gửi đến Hội nghị, Phó Thống đốc Phạm Thanh Hà nhấn mạnh, Hội nghị Thường niên lần thứ 7 của AIIB diễn ra trong bối cảnh kinh tế thế giới đang trải qua một trong những giai đoạn khó khăn chưa từng có. Triển vọng phục hồi mong manh của kinh tế toàn cầu nhen nhóm cuối năm 2021 đã bị kéo lùi, thế giới thậm chí đang đối mặt với nguy cơ suy thoái. Toàn bộ các nền kinh tế đều phải hứng chịu những tổn thất nặng nề, tăng lên theo cấp số nhân, từ tình trạng lạm phát tăng vọt trên diện rộng, sự gia tăng liên tục của giá năng lượng, lương thực, kim loại, chuỗi cung ứng toàn cầu tiếp tục đứt gãy, và giờ đây là các điều kiện tài chính toàn cầu thắt chặt nhanh và mạnh... Trong bối cảnh đó, Việt Nam đặc biệt đánh giá cao những nỗ lực của Ban Lãnh đạo Ngân hàng trong việc chèo lái con thuyền AIIB theo đúng các mục tiêu, tôn chỉ hoạt động của Ngân hàng là tài trợ phát triển cơ sở hạ tầng khu vực châu Á, đảm bảo sự phát triển an toàn, lành mạnh của Ngân hàng, duy trì mức xếp hạng tín nhiệm cao nhất AAA từ các tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế uy tín, trong khi vẫn linh hoạt, chủ động và kịp thời phối hợp với các ngân hàng phát triển đa phương và các tổ chức quốc tế khác hỗ trợ các nước thành viên ứng phó với các tác động từ đại dịch Covid-19 cũng như xung đột tại Ucraina. Bên cạnh đó, Việt Nam hoan ngênh và đánh giá cao những nỗ lực của Ban Lãnh đạo và tập thể cán bộ Ngân hàng trong việc điều chỉnh hoạt động theo hướng tăng cường tài trợ cho phát triển cơ sở hạ tầng trong một thế giới dễ gặp khủng hoảng, và hỗ trợ tiếp cận năng lượng và chuyển đổi nguồn năng lượng hướng tới Phát thải ròng bằng không (net-zero emissions).
Phó Thống đốc Phạm Thanh Hà cũng thông báo về những giải pháp và kết quả của Việt Nam trong phòng chống đại dịch Covid-19 và phục hồi nền kinh tế trong năm 2021. Việt Nam là một trong các quốc gia được đánh giá là kiểm soát tốt đại dịch Covid-19 và duy trì được đà tăng trưởng tích cực. Trong bối cảnh khó khăn toàn cầu, Đảng, Nhà nước và Chính phủ Việt Nam đã có những chỉ đạo quyết liệt và kịp thời, ban hành các giải pháp đồng bộ, tối ưu nhằm thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội. Bên cạnh các nỗ lực mạnh mẽ về y tế và tiêm phòng vaccine, Chính phủ Việt Nam đã kịp thời ban hành và thực thi các gói kích cầu hỗ trợ nền kinh tế, tạo động lực thúc đẩy thị trường phát triển, kích cầu đầu tư, đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư công trên phạm vi toàn quốc. Đồng thời, Chính phủ Việt Nam đã ban hành một loạt các chính sách tài khóa – tiền tệ, tín dụng và các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi Covid-19, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp trở lại thị trường. Nhờ đó, dù nhiều nền kinh tế trong khu vực và trên thế giới gặp nhiều khó khăn và tăng trưởng có chiều hướng suy giảm, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam vẫn đạt được sự phục hồi tích cực kể từ đầu năm 2022, dự báo đứng đầu nhóm ASEAN-5 trong năm 2022.
Bên cạnh đó, Phó Thống đốc Phạm Thanh Hà cũng chia sẻ kinh tế Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều rủi ro, thách thức từ biến động kinh tế toàn cầu thời gian gần đây. Trong khi đó, nhu cầu đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng của Việt Nam trong thời gian tới là rất lớn trong khi nguồn lực trong nước còn hạn chế. Cùng với đó, Việt Nam là một trong 5 quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu trên thế giới theo thống kê của WB. Trong bối cảnh đó, Phó Thống đốc bày tỏ hy vọng trong thời gian tới quan hệ hợp tác giữa AIIB và Việt Nam trong lĩnh vực phát triển cơ sở hạ tầng nói chung và ứng phó với biến đổi khí hậu cũng như phát triển năng lượng tái tạo nói riêng sẽ ngày càng được đẩy mạnh.
Các đại biểu tham dự diễn đàn.
Tiếp nối chương trình Hội nghị, phiên Thảo luận Bàn tròn của các Thống đốc đã diễn ra với hai nội dung: (i) Tài trợ phát triển cơ sở hạ tầng trong một thế giới dễ khủng hoảng, và (ii) Hỗ trợ Tiếp cận Năng lượng và Chuyển đổi hướng tới Phát thải ròng bằng không (Net-Zero). Đây là hai chủ đề sẽ được dành ưu tiên xuyên suốt của không chỉ AIIB mà cả cộng đồng các tổ chức tài chính quốc tế đa phương trong thời gian tới. Tại phiên thảo luận, đại diện các nước đã trao đổi quan điểm về các thách thức toàn cầu đối với sự hồi phục và phát triển của từng quốc gia cũng như nỗ lực hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, từ đó đề xuất các định hướng quan trọng cho hoạt động của AIIB trong trung và dài hạn, tập trung vào vai trò của quan hệ đối tác công tư, doanh nghiệp nhà nước và khu vực tài chính cũng như các khuôn khổ đổi mới cần thiết để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi hướng tới Phát thải ròng bằng không.
Bên lề Hội nghị thường niên, trong 02 ngày 26 - 27/10/2022, AIIB tổ chức một loạt các diễn đàn chuyên đề thảo luận về định hướng phát triển của Ngân hàng trong tương lai với sự tham dự của cộng đồng doanh nghiệp, các tổ chức xã hội dân sự, các chuyên gia tài chính, kinh tế, đầu tư. Các diễn đàn chuyên đề của năm nay tập trung vào các chủ đề hiện đang thu hút được sự chú ý của cộng đồng quốc tế như: (1) Xây dựng mô hình quản trị hiện đại cho tổ chức đa phương hiệu quả; (2) Tính toàn vẹn và giám sát về môi trường, xã hội và quản trị (ESG); (3) Huy động vốn tư nhân trên thị trường cơ sở hạ tầng toàn cầu; (4) Giao thông khu vực và kết nối năng lượng; (5) Ra mắt Báo cáo Tài chính Cơ sở hạ tầng Châu Á 2022 - Chuyển đổi Năng lực nhà nước và huy động khu vực tư nhân hướng tới Phát thải ròng bằng không; và (6) Cơ sở hạ tầng bền vững hướng tới một thế giới kết nối.
Trong chuỗi sự kiện này, đại diện của Việt Nam (Vụ HTQT, NHNN) đã trực tiếp tham dự diễn đàn “Xây dựng mô hình quản trị hiện đại cho tổ chức đa phương hiệu quả” với tư cách diễn giả, trong vai trò vừa là cổ đông vừa là khách hàng của AIIB. Cùng tham dự phiên thảo luận này có đại diện đến từ Tập đoàn Tài chính Bloomberg, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), Đại học Oxford, Ban Lãnh đạo Ngân hàng AIIB và đại diện của Ý tại AIIB. Các diễn giả đã chia sẻ quan điểm từ các góc độ hết sức đa dạng về quản trị hiện đại tại các tổ chức đa phương, nhấn mạnh tầm quan trọng của văn hóa học hỏi, xây dựng uy tín tổ chức, tăng cường năng lực cán bộ, tăng cường khả năng thích ứng và phản ứng nhanh nhẹn trước các cú sốc và tăng cường hợp tác đa phương trong nỗ lực chung để giải quyết các vấn đề toàn cầu.
Vụ HTQT
Xem thêm: 234735VBS=emaNcoDd?001mc/sknil/iv/latrop/retnecbew/nv.vog.vbs.www