Tán thành cao với dự thảo, cho rằng, dự thảo luật bảo đảm thể chế hóa đầy đủ tinh thần Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 về "Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao" và Hiến pháp hiện hành, nhiều đại biểu cũng đã tiếp tục đề xuất các ý kiến xây dựng để hoàn thiện dự thảo luật.
Đồng tình với dự thảo khi quy định bồi thường, hỗ trợ, tái định cư phải đi trước một bước khi quyết định thu hồi đất; đồng thời phải đảm bảo nơi ở mới phải tốt hơn nơi ở cũ đối với người bị thu hồi đất, các đại biểu đề nghị dự thảo luật cần thể chế hóa các quy định nhằm đảm bảo quyền lợi của người dân có đất bị thu hồi.
"Tại khoản 2 của Luật Quy định việc bồi thường khi thu hồi đất phải đảm bảo người có đất bị thu hồi có chỗ ở, đảm bảo thu nhập và điều kiện sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ. Vấn đề cụ thể chỉ ra tốt hơn nơi ở cũ là như thế nào?", bà Lò Thị Luyến, Đại biểu Quốc hội tỉnh Điện Biên, nói.
Bà Lò Thị Luyến, Đại biểu Quốc hội tỉnh Điện Biên.
Tại phiên thảo luận, đồng tình với bỏ quy định về khung giá đất, nhưng một số đại biểu đề nghị dự thảo Luận cần quy định cụ thể hơn để thực sự đảm bảo công bằng trong thu hồi đất.
"Miếng đất của dân chúng ta quy hoạch đó là đất công viên, chúng ta thu hồi theo giá cả rất thấp so với bên đây dự án, nhưng kế bên cách đó vài mét thì được quy hoạch đất thương mại, sự chênh lệch đền bù quá lớn. Do đó, chúng ta nên quy hoạch tổng thể cả đất công viên và đất thương mại cùng một mặt bằng giá tại đó thì sẽ đảm bảo quyền lợi cho người dân", ông Trần Hoàng Ngân, Đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh, đề xuất.
"Việc xác định giá đất cụ thể phần lớn là để làm 2 việc, một là bồi thường cho người dân khi nhà nước thu hồi đất và hai là để xác định nghĩa vụ tài chính cho các doanh nghiệp. Có những trường hợp có thể áp dụng nhiều phương pháp, mỗi phương pháp ra một kết quả khác nhau, chênh lệch số tiền rất lớn nên quy định phương pháp xác định giá đất cụ thể cần quy định cụ thể hơn trong luật nhằm tạo hành lang pháp lý an toàn và công bằng bình đẳng", bà Nguyễn Thị Hồng Hạnh, Đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh, nêu ý kiến.
Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) là dự án luật lớn, phạm vi tác động rộng, được xã hội rất quan tâm và sẽ được thảo luận qua ít nhất 3 kỳ họp Quốc hội để tạo được sự thống nhất cao.
VTV.vn - Thay vì khung giá đất, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đề xuất việc xây dựng bảng giá đất định kỳ hàng năm.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!