Cảnh sát thành phố New York đứng gác tại Trump Tower hồi tháng 8-2022 sau khi nhà của ông Trump ở Florida bị lục soát - Ảnh: REUTERS
* Tập đoàn của ông Trump bị giám sát, ngăn chặn tẩu tán tài sản. Ngày 3-11, một thẩm phán New York đã ra lệnh chỉ định một cơ quan giám sát độc lập để giám sát Trump Organization, trước khi vụ án gian lận dân sự của tổng chưởng lý bang New York chống lại công ty của cựu tổng thống Donald Trump được đưa ra xét xử.
Theo yêu cầu của tòa, phía bị đơn bị cấm chuyển tài sản mà không có sự chấp thuận của tòa án. Tòa cũng yêu cầu Trump Organization "mô tả đầy đủ và chính xác" về cấu trúc và tài sản cho bên giám sát.
Tổng chưởng lý bang New York Letitia James cáo buộc Trump Organization đã cố tình thổi giá tập đoàn quá cao so với giá trị thực để vay ngân hàng và bảo hiểm. Cả hai bên được cho thời gian đến hết ngày 10-11 để giới thiệu ba ứng cử viên trở thành giám sát viên.
* Mỹ yêu cầu họp công khai tại Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc về Triều Tiên. Hãng tin Reuters dẫn các nguồn tin ngoại giao tiết lộ Washington đã yêu cầu Hội đồng Bảo an họp công khai ngày 4-11 (giờ Mỹ) sau khi Triều Tiên phóng một loạt tên lửa những ngày qua.
Anh, Pháp, Albania, Ireland và Na Uy ủng hộ lời kêu gọi của Mỹ, theo Reuters. Trong một cuộc phỏng vấn trên Đài MSNBC cùng ngày 3-11, Đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc Linda Thomas-Greenfield đã phản đối Triều Tiên phóng tên lửa, đồng thời mô tả đây là hành động vi phạm "hàng loạt" nghị quyết trừng phạt của Liên Hiệp Quốc.
* Nga khoe tàu ngầm phóng thành công tên lửa hạt nhân. Ngày 3-11, Bộ Quốc phòng Nga loan tin tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân mang tên Generalissimus Suvorov đã phóng thành công một tên lửa đạn đạo liên lục địa Bulava.
Tên lửa Bulava được thiết kế để mang đầu đạn hạt nhân. Loại tên lửa trong vụ bắn thử của tàu ngầm Generalissimus Suvorov không có đầu đạn thật nhưng có tải trọng tối đa theo thiết kế.
Theo Nga, tên lửa được phóng từ phía bắc Bạch Hải đến một mục tiêu ở bán đảo Kamchatka thuộc vùng Viễn Đông. Tàu ngầm Generalissimus Suvorov là chiếc thứ hai thuộc lớp Borei-A, được trang bị hệ thống dẫn đường, kỹ thuật vô tuyến, sonar, tên lửa và ngư lôi tiên tiến.
Tàu ngầm Generalissimus Suvorov chạy bằng năng lượng hạt nhân - Ảnh: TERRANEWS
* Tổng thống Ukraine nói ở nhà nếu ông Putin dự G20 ở Indonesia. Ngày 3-11, trả lời báo chí sau cuộc hội đàm với tổng thống Hy Lạp, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky xác nhận Indonesia đã mời ông đến Bali dự hội nghị thượng đỉnh G20.
"Quan điểm cá nhân của tôi và lập trường của Ukraine là nếu nhà lãnh đạo Liên bang Nga tham gia thì Ukraine sẽ không góp mặt. Cứ chờ xem mọi chuyện sẽ thế nào trong tương lai", ông Zelensky nêu quan điểm.
Trước đó, cũng trong ngày 3-11, ông Zelensky xác nhận đã nói chuyện với Tổng thống Indonesia Joko Widodo để thảo luận về việc đến tham dự G20 và thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc qua Biển Đen.
* Mỹ treo thưởng 5 triệu USD truy lùng doanh nhân Singapore. Trong thông báo ngày 3-11, Bộ Ngoại giao Mỹ đã treo thưởng 5 triệu USD cho bất kỳ ai cung cấp thông tin giúp lần theo dấu vết của Kwek Kee Seng, một doanh nhân Singapore.
Washington cáo buộc Kwek Kee Seng đã giúp chuyển nhiên liệu cho Triều Tiên và rửa tiền cho Bình Nhưỡng thông qua các công ty bình phong. Theo Mỹ, điều này vi phạm các lệnh trừng phạt của Liên Hiệp Quốc nhắm vào Triều Tiên.
* G7 sẵn sàng xem Trung Quốc vừa là địch thủ vừa là đối thủ cạnh tranh. Ngày 3-11, trước thềm cuộc họp của ngoại trưởng G7 tại Muenster (Đức), Ngoại trưởng chủ nhà Annalena Baerbock tuyên bố khối này sẵn sàng xem Trung Quốc vừa là địch thủ vừa là đối thủ cạnh tranh.
Bà Baerbock chỉ ra việc Nhật Bản sắp thành nước chủ tịch G7 vào năm 2023 và Tokyo đã liên tục chỉ ra tầm quan trọng của việc G7 cần nhận thấy sự thay đổi của Bắc Kinh trong những năm gần đây. Trung Quốc hiện chưa đưa ra bình luận.
* 40 quốc gia công bố kế hoạch cắt giảm khí methane. Ngày 4-11, Hãng tin Reuters dẫn lời một quan chức Mỹ giấu tên cho biết 40 trong tổng số 119 quốc gia cam kết cắt giảm khí methane hồi năm ngoái sẽ công bố kế hoạch cụ thể tại Hội nghị Liên Hiệp Quốc về khí hậu năm 2022 (COP27) tại Ai Cập vào tuần tới.
Mỹ, Canada và Việt Nam nằm trong số các quốc gia sẽ cung cấp thông tin chi tiết, theo vị quan chức thuộc chính quyền Tổng thống Joe Biden. Ngoài Mỹ, hiện vẫn chưa rõ chín quốc gia còn lại trong nhóm 10 nước phát thải khí methane nhiều nhất thế giới có công bố kế hoạch chi tiết tại COP27 hay không.
Trung Quốc và Ấn Độ không đưa ra cam kết tại COP26 năm 2021, trong khi Brazil được cho là không xây dựng kế hoạch kịp để công bố.
Một đoàn tàu metro ở New Delhi băng qua một cây cầu cạn trong màn sương mù là khói bụi ô nhiễm ngày 3-11 - Ảnh: REUTERS
* Dân thủ đô Ấn Độ hít không khí như hít khói vì ô nhiễm. New Delhi, thủ đô 20 triệu dân của Ấn Độ, trải qua đợt ô nhiễm không khí nghiêm trọng và nguy hiểm chưa từng có ngày 3-11. Chỉ số chất lượng không khí (AQI) lên ngưỡng "nguy hiểm" và "nghiêm trọng" ở gần như toàn bộ các trạm quan trắc.
Theo kết quả của Ủy ban Kiểm soát ô nhiễm Delhi, chỉ số này đã vượt quá 800 ở một số khu vực của thành phố. Khi AQI vượt mức 400, ngay cả người khỏe mạnh cũng cảm thấy mệt, còn những người đang bệnh sẽ càng thêm trầm trọng.
Để hạn chế phần nào, chính quyền liên bang đã cấm các xe tải động cơ diesel chở hàng hóa không thiết yếu vào thủ đô từ tối 3-11. Trước đó nhà chức trách đã yêu cầu tạm dừng các công trình xây dựng và phá dỡ để hạn chế bụi.
* NATO cáo buộc Iran cân nhắc chuyển tên lửa đạn đạo cho Nga. Trong một cuộc họp báo tại Thổ Nhĩ Kỳ ngày 3-11, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cảnh báo Tehran đang cân nhắc chuyển các tên lửa đạn đạo cho Matxcơva sau các máy bay không người lái.
Theo ông Jens Stoltenberg, số vũ khí này có thể sẽ được sử dụng tại Ukraine. "Điều này là không thể chấp nhân được. Không một quốc gia nào nên cung cấp vũ khí để ủng hộ Matxcơva trong cuộc chiến này", người đứng đầu NATO nêu quan điểm nhưng không cung cấp bằng chứng.
Chiều rồi
Khi trời đã nhá nhem, lũ chim sáo từ tận đâu đã cùng tụ về, đậu sát nhau bên các đường dây điện ở khu công viên Overland, bang Kansas, Mỹ - Ảnh: Charlie Riedel/AP
TTO - Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) khẳng định không có dấu hiệu của hoạt động hạt nhân tại ba địa điểm mà chính quyền Kiev yêu cầu cơ quan này kiểm tra.