Giá sách giáo khoa có ảnh hưởng rất lớn đến các đối tượng học sinh, trong khi phần đông dân số có mức thu nhập trung bình trở xuống - Ảnh: MINH ANH
Mới đây Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã thay mặt Chính phủ trình Quốc hội dự án Luật giá (sửa đổi). Trong đó đề nghị bổ sung sách giáo khoa vào danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá, giao cho Bộ Giáo dục và Đào tạo định giá tối đa.
Vấn đề giá sách giáo khoa đã "nóng" lên từ kỳ họp thứ 2, thứ 3 của Quốc hội. Ở đây phải hiểu khi chúng ta thực hiện Luật giáo dục và nghị quyết của Quốc hội về đổi mới chương trình giáo dục, sách giáo khoa thì có đổi mới chương trình theo hướng biên soạn nhiều bộ sách giáo khoa. Trong đó, có những bộ sách giáo khoa mới giá cao hơn hẳn bộ sách cũ.
Theo giải thích của Bộ Giáo dục và Đào tạo, giá cao do chất lượng in ấn, giấy tốt hơn, màu đẹp hơn. Tuy nhiên, dư luận không đồng tình với việc này và cho rằng không thể tùy tiện tăng giá sách giáo khoa được. Bởi sẽ ảnh hưởng rất lớn đến các đối tượng học sinh, trong khi phần đông dân số có mức thu nhập trung bình trở xuống.
Việc giá sách giáo khoa cao sẽ ảnh hưởng đến các gia đình, đặc biệt các hộ nghèo, khó khăn, vùng sâu vùng xa. Một số ý kiến khác cũng đặt ra nghi vấn giá sách giáo khoa mới bị "thổi" lên không đúng giá trị thực.
Sau khi dư luận lên tiếng, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Tài chính đã có đề xuất đưa sách giáo khoa vào mặt hàng được Nhà nước quản lý giá. Mới đây bộ trưởng Bộ Tài chính đã trình Quốc hội xem xét điều này trong dự án Luật giá (sửa đổi).
Việc đề xuất này là kịp thời, hợp lý bởi dù giá trị không nhiều nhưng đây là mặt hàng đặc biệt với đối tượng phục vụ, tác động rất đông đảo, rộng rãi. Đồng thời, liên quan nhiều thành phần, gia đình trong xã hội.
Cần nói thêm đối với việc đổi mới sách giáo khoa trong chương trình giáo dục phổ thông mới có hai vấn đề đặt ra là nâng cao chất lượng về hình thức thì còn có chất lượng về mặt nội dung. Tuy nhiên, thực tế qua phản ảnh của giáo viên và học sinh trực tiếp sử dụng cho thấy đúng là chất lượng hình thức đẹp hơn nhưng về nội dung còn rất nhiều vấn đề cần phải xem xét.
Ví dụ sách giáo khoa mới ở hầu hết các môn đều có "sạn", có những nội dung cần thiết phải hiệu đính, phải sắp xếp, xem xét lại. Tất nhiên chúng ta đang ở trong những năm đầu, cấp học đầu thực hiện đổi mới và bất kỳ cái mới nào cũng còn hạn chế, vướng mắc, thiếu sót.
Thêm vào đó, các thành viên biên soạn, thẩm định với số lượng có hạn nhưng lại tham gia rất nhiều hội đồng. Do vậy, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có sự rà soát nghiêm túc, cẩn trọng và lắng nghe cầu thị các ý kiến của chuyên gia, thầy cô để làm sao chúng ta phát hiện, chỉnh sửa những thiếu sót càng sớm càng tốt. Nếu sách giáo khoa chưa chuẩn sẽ ảnh hưởng rất lớn đến việc thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới và chất lượng đào tạo.
TTO - Sách giáo khoa sẽ được đưa vào diện Nhà nước định giá, kiểm soát giá trên cơ sở giá bán tối đa, không ấn định giá để các đơn vị phát hành sách quyết định giá bán.
Xem thêm: mth.74490647040112202-yl-poh-al-aohk-oaig-hcas-aig-hnid-coun-ahn/nv.ertiout