Giới chức cấp cao ở Moscow hiện vẫn chưa bình luận về thông tin trên. Chính phủ Ukraine và giới phân tích quân sự phương Tây tỏ ra thận trọng với thông tin này, nói rằng Nga có thể đang giăng bẫy để dụ Ukraine tiến quân.
"Nhiều khả năng các đơn bị, binh sĩ của chúng tôi sẽ rời bờ Tây" – ông Kirill Stremousov, một quan chức cấp cao do Nga bổ nhiệm ở Kherson, chia sẻ với hãng tin Solovyov Live.
Kherson là một trong bốn khu vực mà Nga mới tuyên bố sáp nhập, bên cạnh Luhansk, Donetsk và Zaporizhzhia.
Nga trước đây phủ nhận thông tin lên kế hoạch rút các lực lượng khỏi khu vực này.
Chiến tranh Nga-Ukraine đã diễn ra từ cuối tháng 2. Ảnh: Reuters
"Chúng tôi phải đưa ra một vài quyết định rất khó khăn vào lúc này. Bất kể chiến lược của chúng tôi là gì. Một vài người có thể sợ hãi khi nhận ra mọi thứ. Nhưng với tôi, điều quan trọng là nói ra vào thời điểm này. Người dân, hãy đến bờ Đông. Các bạn sẽ an toàn hơn rất nhiều khi ở đó" – ông Stremousov nói tiếp.
Vị này đồng thời bày tỏ hy vọng về việc "chúng tôi không cần phải rời khỏi Kherson", bởi nếu điều này xảy ra, "đó sẽ là một tổn thất lớn không chỉ về hình ảnh của tất cả chúng tôi, mà còn là một cú sốc đối với những người có thể ở lại nơi đây".
Dù vậy, một phát ngôn viên của quân đội Ukraine khẳng định đây có thể là bẫy của Nga nhằm "tạo ra cảm giác rằng các khu định cư đã bị bỏ trống, rằng việc tiến vào các khu vực này là an toàn. Nhưng trên thực tế, các lực lượng Nga có thể đang chuẩn bị cho các trận đánh trên phố".
Binh sĩ Ukraine sửa chữa một phương tiện thiết giáp ở ngoại ô TP Kharkiv - Ukraine hôm 3-11. Ảnh: AP
Trong khi đó, giới chức Ukraine và Liên Hiệp Quốc (LHQ) thông báo nhà máy điện hạt nhân lớn nhất châu Âu buộc phải sử dụng máy phát điện khẩn cấp để vận hành hệ thống an toàn vào ngày 3-11, sau khi nguồn điện đến từ lưới điện Ukraine lại bị cắt do giao tranh Nga-Ukraine.
Cả 6 lò phản ứng đã ngừng hoạt động. Công ty điện hạt nhân Energoatom (Ukraine) cho biết máy phát điện chỉ đủ nhiên liệu để duy trì nhà máy hoạt động trong 15 ngày.
Nga và Ukraine thời gian qua cáo buộc nhau tiến hành các cuộc pháo kích nhằm vào nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia.
Cũng trong ngày 3-11, cơ quan hạt nhân của LHQ thông báo các cuộc thanh tra của họ không tìm thấy chứng cứ để chứng minh cáo buộc của Nga về việc Ukraine đang lên kế hoạch triển khai "bom bẩn" phóng xạ. Thông báo trên được đưa ra sau khi cơ quan này kiểm tra 3 địa điểm ở Ukraine, theo AP.
Nhà máy điện hạt nhân lớn nhất châu Âu Zaporizhzhia. Ảnh: Reuters
Xem thêm: nhc.76572920140112202-caig-hnac-oac-gnan-veik-eniarku-man-o-nauq-tur-ueih-nit-tahp-agn/nv.fefac