Xe của "giám đốc Thành" ba lần liên tục vào Công ty Long Huei để hút hầm (đều cùng bồn và xe mang biển số 51D-81921) - Ảnh: CHÂU TUẤN
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online ngày 4-11, đại diện Công ty cổ phần dịch vụ môi trường đô thị Hòa Bình (1 trong 2 đơn vị xử lý bùn thải tại TP.HCM) cho biết thông tin trên.
Đối với các xe trong loạt điều tra của báo Tuổi Trẻ, qua trích xuất hệ thống quản lý của công ty cho thấy: Xe có biển số 50H - 057.71 của Công ty TNHH vệ sinh môi trường số 1 Sài Gòn, trong 10 tháng năm 2022 chỉ vào ba lần (tháng 1, 6 và 7) để xử lý chất thải. Lúc trước công ty này ký hợp đồng với Công ty cổ phần dịch vụ môi trường đô thị Hòa Bình nhưng sau đó không ký nữa.
Đối với hai xe Công ty TNHH công nghệ Sài Gòn Group của ông Nguyễn Văn Thành thì xe có biển số 50E - 204.32 trong 10 tháng chỉ đến Công ty cổ phần dịch vụ môi trường đô thị Hòa Bình để xử lý chất thải sáu chuyến (vào các tháng 5, 7, 8 ,9, 10). Còn xe biển số 51D - 819.21 vào năm chuyến (vào tháng 7, 8, 9, 10).
Xe của "giám đốc Thành" núp tại con hẻm trên đường Chu Văn An (Bình Dương), một lúc sau vào Công ty Long Huei tiếp tục hút - Ảnh: CHÂU TUẤN
Xe biển số 29H - 831.49 của Nguyễn Bá Đạt thì không về xử lý chuyến nào và cũng không đăng ký. Xe biển số 61C - 020.93 của Công ty vệ sinh môi trường Tiến Đạt đăng ký vào Công ty TNHH MTV vệ sinh công nghiệp Đô Thành trong năm 2022 nhưng cũng không về chuyến nào.
"Việc các xe đăng ký nhưng không vào thì công ty không có chức năng xử lý. Về quy định, các công ty hút hầm cầu phải về thường xuyên mới tái ký hợp đồng. Trường hợp đăng ký mà không về đổ thì sẽ không ký hợp đồng vào năm tiếp theo. Qua theo dõi, vẫn có tình trạng một số xe đăng ký nhưng nguyên năm không về và chúng tôi cũng không biết họ đi đâu", vị này cho biết.
Còn Công ty TNHH công nghệ sinh học Sài Gòn Xanh cho biết theo thông tin nhà máy trích xuất, ba tháng gần nhất, xe biển số 29H - 831.49 của Nguyễn Bá Đạt có vào xử lý hai chuyến, xe 50H - 057.71 chỉ vào một chuyến.
Các xe còn lại của Công ty TNHH công nghệ Sài Gòn Group do ông Nguyễn Văn Thành đứng tên và Công ty vệ sinh môi trường Tiến Đạt, nhà máy không có thông tin cũng như xe không về nhà máy.
Trước đó, loạt bài điều tra của Tuổi Trẻ "từ dán quảng cáo bậy đến lừa hút hầm cầu" đã phản ánh chiêu trò lừa đảo của các công ty môi trường - hút hầm cầu.
Một ngày, các xe hút chất thải ở hàng chục địa điểm với lượng chất thải rất lớn nhưng bồn xe không bao giờ đầy bởi họ hút từ nhà này đổ sang nhà khác, thậm chí đổ thẳng ra môi trường như xe của ông Nguyễn Văn Thành; hoặc dùng chiêu nâng khống lượng chất thải đã hút để lấy tiền của chủ nhà...
Từ phản ánh của Tuổi Trẻ, ngày 2-11, UBND phường Hiệp Bình Chánh, TP Thủ Đức phối hợp Công an TP Thủ Đức đến kiểm tra tại khu đất trống ở đường Kha Vạn Cân (nơi xe hút hầm cầu của Công ty TNHH công nghệ Sài Gòn Group đổ bậy).
Quá trình kiểm tra cho thấy tại khu vực nhà bỏ hoang (thuộc khu đất trên) có lớp bùn sình (dạng lỏng) nghi là chất thải từ hầm cầu. Trong những ngày tới, UBND phường tiếp tục phối hợp cùng các cơ quan chuyên môn để điều tra, tính toán khối lượng chất thải đã bị đổ bậy ra môi trường, xử lý nghiêm theo quy định pháp luật.
TTO - Kỳ lạ thay, một ngày các xe hút hầm cầu hút ở hàng chục địa điểm với lượng chất thải rất lớn nhưng bồn xe không bao giờ đầy, cũng không chở đi xử lý. Vậy chất thải từ hầm cầu đi về đâu?