Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tp.HCM vừa ký quyết định kháng nghị phúc thẩm đối với bản án sơ thẩm của TAND Tp.HCM liên quan vụ bán rẻ dự án Phước Kiển, Ven Sông cho Công ty Quốc Cường Gia Lai.
Trước đó, vụ án liên quan đến sai phạm khi bán hai dự án nêu trên được TAND Tp.HCM đưa ra xét xử trong nhiều ngày. Có tất cả 10 bị cáo liên quan, trong đó có ông Tất Thành Cang - cựu Phó Bí thư thường trực Thành ủy Tp.HCM; Trần Công Thiện - cựu Chủ tịch HĐTV, kiêm TGĐ Công ty Tân Thuận…
Sau nhiều ngày xét xử, chiều 19/10, TAND Tp.HCM đã tuyên các bị cáo phạm tội Vi phạm quy định về quản lý tài sản Nhà nước, gây thất thoát, lãng phí.
Về mức án, HĐXX cấp sơ thẩm tuyên phạt các bị cáo Trần Công Thiện 13 năm tù, tổng hợp với bản án trước là 26 năm tù; Trần Tấn Hải 5 năm tù; Nguyễn Thị Ngọc Bích, Nguyễn Xuân Tùng cùng 4 năm tù; Nguyễn Hoàng Việt, Phan Thanh Tân 3 năm tù.
Đối với nhóm cựu cán bộ Văn phòng Thành ủy Tp.HCM, HĐXX tuyên phạt ông Tất Thành Cang 6 năm tù, tổng hợp với bản án trước là 14 năm 6 tháng tù; Phạm Văn Thông 11 năm tù, tổng hợp với bản án trước là 17 năm tù; Huỳnh Phước Long: 9 năm tù, tổng hợp với bản án trước là 21 năm tù và Nguyễn Văn Minh 8 năm tù, tổng hợp với bản án trước là 11 năm tù.
Về thiệt hại của vụ án, theo HĐXX cấp sơ thẩm, số tiền thất thoát của Nhà nước theo cáo trạng là chưa phù hợp với quy định pháp luật cũng như chưa đảm bảo việc xem xét vụ án một cách đầy đủ, toàn diện...
Do đó, số tiền thất thoát trong vụ án theo HĐXX là phải được tính tại thời điểm các bị cáo thực hiện hành vi phạm tội.
Cụ thể, số tiền thất thoát tại dự án khu dân cư Phước Kiển là 154,8 tỷ đồng; thất thoát tại dự án Khu dân cư ven Sông là 52,5 tỷ đồng. Tổng thất thoát ở 2 dự án là 207,4 tỷ đồng.
Không đồng tình với thời điểm xác định thiệt hại của TAND Tp.HCM, VKSND Tp.HCM đã kháng nghị về phần thiệt hại của vụ án này.
Theo đó, VKSND Tp.HCM cho rằng, bản án sơ thẩm xác định rõ, Công ty Tân Thuận chuyển nhượng dự án Phước Kiển và Ven Sông cho Công ty Quốc Cường Gia Lai nhưng không được báo cáo cho tập thể thường trực Thành ủy và tập thể Ban thường vụ Thành ủy, trái với quyết định số 1087 ngày 31/3/2009 của Ban thường vụ Thành ủy.
Ngoài ra, việc chuyển nhượng đất không qua đấu giá trái với quy định tại Nghị định 91/2015 (về quy định việc đầu tư vốn Nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp) và không đúng với Nghị định 44/2014 về quy định giá.
Sai phạm trong chuyển nhượng giá rẻ 2 dự án nói trên khiến tài sản Nhà nước thiệt hại hàng trăm tỷ đồng. Các bị cáo có hành vi phạm tội cũng đã bị TAND Tp.HCM tuyên mức án tương xứng.
Điều đó khẳng định, các hành vi phạm tội phải được xác định kéo dài từ khi hành vi đó xảy ra cho đến khi Nhà nước lấy lại được quyền quản lý tài sản hoặc khi tội phạm bị ngăn chặn (khi khởi tố vụ án).
Vì vậy, thiệt hại phải tính đến thời điểm hai bên hủy hợp đồng ở dự án Phước Kiển và thời điểm cơ quan điều tra ra quyết định khởi tố vụ án ở dự án Ven Sông.
Do đó, việc hội đồng xét xử TAND Tp.HCM nhận định và quyết định thời điểm xác định tài sản Nhà nước bị thất thoát, lãng phí khi hành vi phạm tội xảy ra là không có căn cứ.
Từ đó, Viện trưởng VKSND Tp.HCM đã kháng nghị một phần bản án sơ thẩm của TAND Tp.HCM, đề nghị TAND cấp cao tại Tp.HCM xét xử phúc thẩm vụ án theo hướng xác định thời điểm thất thoát tài sản Nhà nước trong vụ án thực tế là số tiền Nhà nước bị thất thoát cho đến khi được ngăn chặn (tức là khi vụ án được khởi tố).