Như Người Đưa Tin đã phản ánh, Cơ quan Công an tỉnh Quảng Nam đang xác minh, điều tra một số hành vi liên quan đến pháp luật đối với ông N.N.N, SN 1990, phụ trách Địa chính - Xây dựng UBND xã Duy Trung, huyện Duy Xuyên.
Theo cơ quan chức năng cuối tháng 10/2022 vừa, ông N., tự đến Công an tỉnh Quảng Nam để đầu thú, đồng thời khai báo về việc vỡ nợ với số tiền lên đến hàng tỷ đồng.
Tiếp đó, cơ quan công an cũng tiếp nhận một số thông tin liên quan đến ông N., có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Trong đó, 1 vụ tố ông N., chiếm đoạt hơn 8 tỷ đồng và 1 vụ khoảng 700 triệu đồng. Ngoài r,a, còn nhiều thông tin phản ánh khác đang được cơ quan chức năng xác minh.
Theo thông tin ban đầu, ông N., đã tiếp nhận và xử lý nhiều hồ sơ đất đai cho người dân. Qua đó, ông này đứng ra nhận tiền nhưng không thực hiện theo cam kết mà đem đi tiêu xài. Bên cạnh đó, ông N., còn vay nợ tiền của nhiều cá nhân hàng tỷ đồng.
Ở diễn biến mới nhất, ngày 3/11, PV Người Đưa Tin về xã Duy Trung để ghi nhận thêm thông tin.
Ông Hồ Phô, SN 1950, trú thôn An Thành, xã Duy Trung lắc đầu thở dài khi nhắc đến N. Theo ông Phô, khi biết ông có 2 mảnh đất lâm nghiệp ở địa phương, ông N., đã tìm đến đề nghị nhận làm thủ tục chuyển mục đích đất từ lâm nghiệp sang đất ở cho ông.
Tin tưởng ông N., là cán bộ địa chính nên ông Phô đồng ý. Ngày 26/7 ông N., viết giấy biên nhận hồ sơ chuyển mục đích thửa đất lâm nghiệp số 157, tờ bản đồ 24 với giá tiền 500 triệu đồng và ứng trước 300 triệu đồng cùng 2 sổ đỏ của ông Phô.
"N., không làm gì mà chiếm đoạt luôn tiền của tôi. Hiện, tôi đang sốt ruột vì không chỉ mất tiền mà không biết sổ đỏ của mình đang ở đâu? Có bị N., đem cầm cố ngoài tín dụng đen hay không?", ông Phô nói.
Bà Nguyễn Thị L., SN 1964, trú địa phương cũng cho hay, bà nhờ ông N., làm thủ tục sang tên bìa đỏ từ chồng bà đã chết sang bà đứng tên.
Bà L. giao sổ đỏ cho ông N., nhận vào tháng 2/2022 cùng với số tiền 5 triệu đồng để làm hồ sơ nhưng 8 tháng sau vẫn không có kết quả. Đến ngày 14/10, ông N., viết giấy biên nhận cho bà L. nhận thêm 15 triệu đồng rồi biệt tăm luôn.
Ông Lê Chín, Chủ tịch UBND xã Duy Trung cho biết, với trách nhiệm người đứng đầu ông rất buồn khi xảy ra câu chuyện.
Trước đó, trong quá trình làm việc ông luôn luôn nhắc nhở cán bộ, nhân viên tu dưỡng, rèn luyện, không vi phạm pháp luật. Đặc biệt, là những cán bộ đảm nhiệm các chức trách như địa chính, tài chính...
Theo người đứng đầu chính quyền xã Duy Trung, ngay sau khi công an làm việc với ông N., hàng chục người dân cũng đã lên UBND xã thông tin mình có đưa tiền bạc cho ông N..
Người nhờ làm sổ đỏ, người nhờ tách thửa đất, người mua đất... Trong đó, người ít thì vài chục, vài trăm triệu, người nhiều cả tiền tỷ.
Đáng chú ý hơn, theo chia sẻ của Chủ tịch UBND xã Duy Trung, bản thân ông rất bất ngờ khi cấp dưới của mình liên quan đến chuyện vỡ nợ, lừa đảo hàng tỷ đồng.
Bởi theo ông Chín, trong cuộc sống thường ngày hay công việc, ông N., không có bất kỳ biểu hiện gì về ăn chơi, cờ bạc, nhậu nhẹt sa đọa... Thậm chí, hàng ngày ông N., đi làm chỉ bằng chiếc xe máy cũ.
Hiện vụ việc đangh được tiếp tục làm rõ.