Ngày 4/11, HĐXX tiến hành xét hỏi bị cáo Trần Thị Thanh Vân và các đồng phạm trong vụ án mua bán gần 200 triệu lít xăng dầu lậu liên quan “ông trùm” Phan Thanh Hữu.
Theo cáo trạng, năm 2006, Trần Thị Thanh Vân và chồng là Lê Thanh Tú thành lập công ty TNHH TMDV Vân Trúc (Công ty Vân Trúc, trụ sở tại Tp. Thuận An, Bình Dương) với ngành nghề chính là kinh doanh xăng dầu. Vân làm giám đốc công ty Vân Trúc còn Tú với vai trò Phó giám đốc.
Từ 2019, bị cáo Hữu tìm đến gặp Vân và Tú đặt vấn đề mua bán xăng với mức chiết khấu cao hơn thị trường. Cụ thể, mức chiết khấu cho công ty Vân Trúc là 3.000 đồng so với giá thị trường.
Từ tháng 3/2020 đến tháng 2/2021, công ty Vân Trúc do Vân điều hành đã sử dụng các tàu Vân Trúc của công ty đến các kho Nam Phong, Nhà nuôi yến để mua 48 chuyến xăng nhập lậu của Phan Thanh Hữu. Tổng số lượng xăng nhập lậu mà công ty Vân Trúc mua là hơn 35 triệu lít với giá trị hơn 467 tỷ đồng.
Số xăng này được đưa về kho Vân Trúc ở Bình Dương cùng với số xăng dầu công ty này mua hợp pháp, sau đó bán lại cho khách hàng và bán lẻ tại các cửa hàng của công ty Vân Trúc. Tổng số tiền thu lợi bất chính từ việc mua bán số xăng lậu trên của công ty Vân Trúc là hơn 28,5 tỷ đồng, trong đó Vân và Tú thu lợi gần 18 tỷ đồng, số tiền còn lại là chi phí hao hụt, vận chuyển, chi trả nhân viên,…
Tại phiên tòa, bị cáo Trần Thị Thanh Vân và các đồng phạm thừa nhận hành vi phạm tội của mình. Bị cáo Vân thừa nhận mặc dù biết số xăng trên là nhập lậu, không có hóa đơn, chứng từ nhưng vẫn thực hiện việc mua bán với Phan Thanh Hữu.
Sau mỗi chuyến hàng, Vân sai kế toán là Nguyễn Thị Ngọc Diễm thanh toán tiền mặt trực tiếp cho Phan Thanh Hữu, người nhận tiền là Phan Lê Hoàng Anh (con trai Hữu), một số ít được chuyển khoản qua tài khoản của Phan Lê Hoàng Anh. Số tiền chi trả cho việc mua xăng này được tính bằng cách lấy giá xăng từng thời điểm trừ đi 3.000 đồng rồi nhân với số lượng công ty Vân Trúc mua.
Về trả tiền cho Phan Thanh Hữu, bị cáo Vân thừa nhận với HĐXX là do biết hành vi mua bán xăng dầu này là phạm pháp nên thường chỉ thanh toán bằng tiền mặt.
Ngoài ra, các bị cáo cũng thừa nhận sau khi biết tin Phan Thanh Hữu bị cơ quan điều tra bắt giữ, Vân đã chỉ đạo cho Diễm và Nguyễn Văn Nghĩa (nhân viên công ty Vân Trúc) tiêu hủy toàn bộ các phiếu chi, sổ sách, chứng từ liên quan việc mua, bán xăng nhập lậu nhằm che giấu hành vi phạm tội.
Theo cáo trạng, tổng số tiền thu lợi bất chính mà nhóm bị cáo Trần Thị Thanh Vân phải khắc phục là khoảng 18 tỷ đồng. Quá trình điều tra, Vân đã tự nguyện giao nộp số tiền 20 tỷ để khắc phục hậu quả, trong đó bao gồm số tiền Vân phải giao nộp, đồng thời khắc phục giúp các nhân viên là Trần Văn Du và Ngô Minh Nhớ.
Ngoài ra, đối với các tàu Vân Trúc 01, 02, 03 và 05 hiện đang bị cơ quan điều tra tạm giữ do là tang vật trong vụ án. Bị cáo Vân trình bày tàu Vân Trúc 05 vẫn chưa đi vào hoạt động, không tham gia vận chuyển xăng lậu nên xin được nhận lại để công ty Vân Trúc tiếp tục hoạt động.
Ngoài ra, đối với 14 GCNQSDĐ của bị cáo đã bị cơ quan điều tra kê biên, bị cáo Vân xin được nhận lại những GCNQSDĐ có từ trước khi phạm tội nhằm trả nợ cho ngân hàng.