Bạn trẻ trải nghiệm xe đạp công cộng tại trung tâm TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Hai quận Gò Vấp, Phú Nhuận và huyện Nhà Bè cũng đã lên danh sách các vị trí để nghiên cứu đưa mô hình này vào hoạt động.
Mong muốn nhân rộng mô hình
Tại quận 1, xe đạp công cộng được TP.HCM đưa vào thí điểm ở 43 trạm với 500 xe, hoạt động 24/24. Hầu hết khách đến thuê xe là giới trẻ.
Chị Trịnh Thu Hằng (22 tuổi, ngụ quận Phú Nhuận) cho biết là dân văn phòng ít có thời gian vận động, thỉnh thoảng khi có dịp đi vào quận 1 lại ghé thuê xe, cũng là hình thức vừa tập thể dục vừa giúp thư thái đầu óc sau thời gian làm việc căng thẳng.
Sau khi đạp xe một vòng khu vực quanh phố đi bộ, chị Hằng mong muốn mô hình này có mặt ở nhiều khu vực hơn để tất cả người dân được sử dụng thay vì phải đến khu trung tâm mới có. Chẳng hạn, ở quận Phú Nhuận cần có mô hình này để người dân sử dụng xe đạp thường xuyên hoặc chạy khi nào rảnh rỗi.
Tương tự, chị Hoài Thương (27 tuổi, ngụ quận 3) chia sẻ: "Tôi đi du lịch ở Singapore, Hong Kong và thấy các dịch vụ xe đạp công cộng rất phổ biến. Khi TP.HCM triển khai dịch vụ xe đạp công cộng này thì tôi luôn giữ thói quen đều đặn chiều cuối tuần nào cũng ra đây đạp xe.
Nhóm bạn thường đạp xe cùng nhau như tập thể dục, thay vì trước đây chỉ đi chơi hoặc ngồi cà phê. Đây là một dịch vụ vừa để giải trí, vừa để tập thể dục nâng cao sức khỏe".
Theo Công ty cổ phần dịch vụ vận tải số Trí Nam (đơn vị vận hành), sau hơn 9 tháng đưa vào thí điểm đã có nhiều khách hàng sử dụng xe đạp công cộng để đi lại thường xuyên. Khách hàng đang sử dụng xe đạp công cộng như một hình thức trải nghiệm và khám phá.
Tuy nhiên, để đưa thành thói quen sử dụng thì cần bài toán dài hạn. Trong đó, xe đạp công cộng cần sớm được phát triển ra các quận lân cận để duy trì được thói quen đi xe đạp thay vì đi xe gắn máy.
Kết nối với mô hình kinh tế đêm
Theo Sở Giao thông vận tải TP.HCM, mô hình xe đạp công cộng thí điểm ở quận 1 đến nay đã có một số kết quả tích cực và nhận được sự ủng hộ của người dân về sự trải nghiệm và chất lượng dịch vụ.
Thành phố đang khuyến khích, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư xây dựng các mô hình xe công cộng, xe điện và các phương tiện năng lượng sạch nhằm kết nối các đầu mối giao thông, tiến tới mục tiêu hạn chế xe cá nhân.
Ngoài khu vực quận 1 đang thí điểm, Sở Giao thông vận tải TP.HCM đang nghiên cứu mở rộng thí điểm mô hình xe đạp công cộng trên địa bàn TP Thủ Đức và các quận 3, 7, Bình Thạnh, Phú Nhuận...; các vị trí ưu tiên ở khu vực quanh nhà ga metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên), các tuyến xe buýt, nơi tập trung đông người (như siêu thị, công viên, cao tốc văn phòng...).
Ông Đỗ Ngọc Hải - trưởng Phòng quản lý vận tải đường bộ, Sở Giao thông vận tải TP.HCM - cho biết sau khi hoàn thành thí điểm xe đạp công cộng ở quận 1, sở sẽ có đánh giá và đề xuất mở rộng thêm tại các quận huyện lân cận và báo cáo UBND TP xem xét, quyết định.
"Nếu thuận lợi, đầu năm 2023 sẽ thực hiện mở rộng. Hiện nhiều quận huyện như Gò Vấp, Phú Nhuận, Nhà Bè... cũng đã gửi danh sách các vị trí dự kiến đặt trạm xe đạp công cộng. Cùng với đó, sở cũng đang nghiên cứu các làn đường dành riêng cho xe đạp để tạo điều kiện cho loại hình này phát triển", ông Hải cho hay.
Theo một lãnh đạo UBND quận Phú Nhuận, quận này đã đề xuất 15 vị trí để nghiên cứu đặt trạm xe đạp công cộng như công viên Gia Định (khu A và B), công viên văn hóa Phú Nhuận, trên vỉa hè và công viên đường Trường Sa...
"Hiện quận đang xây dựng mô hình kinh tế ban đêm, trong đó có phố ẩm thực đường Phan Xích Long. Xe đạp, xe điện công cộng sẽ kết nối thuận tiện cho bà con vui chơi, tham quan các gian hàng ở phố ẩm thực", lãnh đạo quận Phú Nhuận cho hay.
Còn ông Đỗ Anh Khang - phó chủ tịch UBND quận Gò Vấp - cũng cho hay quận đề xuất 13 vị trí để nghiên cứu mở mô hình xe đạp công cộng. Các vị trí này tại các điểm đầu mối giao thông, khu vực đông dân cư để người dân dễ tiếp cận, đi lại như công viên văn hóa quận Gò Vấp, các trung tâm thương mại, siêu thị...
Gìn giữ xe công cộng
Theo Công ty cổ phần dịch vụ vận tải số Trí Nam, hiện việc vệ sinh, bảo dưỡng xe được chăm chút kỹ, xe được giữ gìn sạch sẽ, không hỏng hóc để mang lại trải nghiệm tốt nhất cho khách.
Về khó khăn, thời gian qua, đơn vị vận hành xe đạp gặp một số trường hợp khách trả xe không đúng trạm, vứt xe dọc đường. Ngoài ra, một số trường hợp làm hỏng hóc xe, dán bậy trên xe, chở thêm người, ngồi trên giỏ xe. Đơn vị cũng bắt gặp một số sự cố như xe khách quên khóa nên bị trộm lấy đi và bán tại cửa hàng xe đạp. Công ty đã truy vết và tìm lại được.
TTO - Sau hơn 3 tháng thí điểm, dịch vụ xe đạp công cộng tại TP.HCM thu hút hơn 110.000 người đăng ký mới sử dụng. Sở Giao thông vận tải TP.HCM cho biết sẽ đề xuất mở rộng dịch vụ này ra nhiều nơi tại thành phố.
Xem thêm: mth.31961138050112202-gnoc-gnoc-pad-ex-meht-es-mch-pt/nv.ertiout