Lương Thị Ngọc Hân sau cú sốc mất đi người mẹ thân yêu, nay em đã vững tâm hơn để chuẩn bị vào đại học dù muôn vàn khó khăn trước mắt - Ảnh: K.ANH
Nhưng rồi Hân lại rầu, sợ ba không lo nổi tiền học phí bốn năm trước mắt. Từ ngày cơn bão COVID-19 mang mẹ đi mãi cũng là ngần ấy thời gian hai cha con chật vật mưu sinh với mẹt cá khô bán ngay khu chợ tự phát trước nhà.
Lúc còn sống, mẹ luôn nói dù có phải nắng mưa buôn bán vẫn muốn mình phải đến trường nên khi mẹ mới mất, dù mình thấy chênh vênh lắm nhưng không bao giờ có suy nghĩ sẽ bỏ học.
LƯƠNG THỊ NGỌC HÂN
Học để mẹ an lòng ra đi
"Lúc mẹ còn sống, mọi chi tiêu trong nhà đều nhờ mẹ với mẹt cá, đồ khô này. Vậy mà lần đi cách ly hôm ấy, mẹ không bao giờ về nữa, bỏ lại mấy cha con với những ngày trống vắng không tả nổi. Mẹ cũng không còn để mừng cùng em khi đậu đại học vốn là niềm mong mỏi nhất của mẹ", Ngọc Hân rưng rưng.
Một ngày giữa tháng 7 năm ngoái, sau khi test mọi người trong hẻm, mẹ của Hân được y tế đưa đi cách ly vì nhiễm COVID-19. Ba hôm sau, hai cha con cũng được đưa đi cách ly tại bệnh viện dã chiến nơi mẹ đang điều trị nhưng cả nhà không gặp được nhau. Nhưng hai cha con khỏi bệnh được về thì cũng không còn cách nào liên lạc với mẹ từ đó.
Những ngày đó hai cha con như phát điên vì tìm đủ mọi cách vẫn không biết mẹ đang ở đâu. Nỗi sợ len lỏi trong lòng mà không dám nghĩ đến. Thêm một tuần nữa, người ta đưa mẹ Hân về nhà trong hũ tro cốt. Hai cha con quỵ xuống, chỉ biết ôm nhau khóc. "Lần cuối không được gặp mẹ, chỉ nhớ rằng mẹ lo lắng và mong mình đậu đại học để không phải vất vả như ba mẹ", Hân khóc thút thít.
Khép lại những trang sách cuối cùng thời phổ thông, Hân xin được việc phụ quán trà sữa, tiền công mỗi giờ 20.000 đồng. Bình thường ngày làm 5 tiếng, hôm nào khách đông sẽ làm 7-8 tiếng, thu nhập cũng khá hơn. Nhưng mấy bữa nay Hân đã tạm dừng vì đợi có lịch học rồi mới tính tiếp được giờ làm thêm thế nào để đỡ phần nào chi phí với ba.
Lương Thị Ngọc Hân thắp nhang cho người mẹ xấu số mất vì COVID-19 - Ảnh: K.ANH
Dù nợ, tôi vẫn ráng lo cho con
Ông Lương Ngọc Hải - ba của Hân - chủ yếu phụ chở vợ đi lấy hàng ở chợ đầu mối. Mỗi tối, ông dạy võ thêm ở công viên Tao Đàn, chỉ đủ để xăng xe, tiêu vặt nên mọi chi tiêu trong nhà hầu hết đều do một tay vợ.
Trước dịch, mẹt cá, đồ khô của mẹ Hân tạm đủ trang trải nhưng từ sau dịch, buôn bán lại khá ế ẩm. Chợ tự phát chỉ bán tí buổi sáng, lại là đàn ông không quen buôn bán, cũng chưa biết mời khách đi chợ. Nên chủ yếu là người quen hiểu hoàn cảnh hai cha con nên ghé ủng hộ.
Ông Hải trầm ngâm: "Dịch ập đến, cả nhà phải đi cách ly. Ngày trở về gia cảnh bỗng tan hoang". Nhận hũ tro cốt, hai cha con lập bàn thờ cho mẹ rồi gần như suốt thời gian dài không ai muốn nói chuyện với ai. Mãi đến tháng 10-2021, khi TP mở cửa trở lại, ông tiếp quản công việc của vợ, kê cái ghế, đặt khay nhựa trước cửa nhà họp chợ cùng mọi người.
Bán ế hay đắt, mỗi tháng ông vẫn phải trích ra 1,8 triệu đồng trả ngân hàng khoản nợ vợ ông vay làm vốn buôn bán và sửa cái gác căn nhà 16m2 này. Ông kể mỗi lần nhớ hình ảnh vợ đi cách ly trước hai cha con ba ngày rồi từ đó không còn nhìn thấy đâu nữa là muốn buông xuôi. Nhưng nghĩ đến con gái, ông lại phải gắng gượng để còn lo cho con.
"Số tiền nhập học hơn 17 triệu đồng tôi xoay mượn anh em họ hàng để làm thủ tục nhập học cho con. Chỉ mong bán được nhiều hơn chút để còn trang trải việc ăn học cho nó. Nếu không ổn chắc tôi sẽ làm thêm bảo vệ buổi tối hay gì đó miễn có tiền lo cho con", ông Hải nhẩm tính.
Những ngày mẹ mất, bé Hân hầu như không nói lời nào. Cùng với nỗi ám ảnh chứng kiến cảnh ra đi của những bệnh nhân COVID-19 khi hai cha con đi cách ly khiến con gái ông gần như bị trầm cảm một thời gian dài. Hân còn một anh trai đã có gia đình ở Củ Chi nhưng hai vợ chồng làm công nhân, nuôi con nhỏ nên cũng khó phụ được gì cho em gái.
"Gần đây con gái tôi đã chịu nói chuyện và chia sẻ, thỉnh thoảng nhìn thấy con cười cũng thấy lòng mình nhẹ nhàng hơn. Tôi sẽ ráng lo cho con gái đi học", ông Hải chia sẻ.
Cô Hoàng Nhật Quỳnh Thư - giáo viên chủ nhiệm lớp 12 của Hân - kể do đầu năm vẫn còn phải học trực tuyến nên khó nắm hết tình hình, tâm lý của học sinh trong lớp. Mãi đến khi vào học trực tiếp, cô chủ nhiệm cảm nhận rõ học trò của mình vẫn còn sốc do mất người thân từ dịch COVID-19.
"Hân trầm ngâm nhiều, có tâm sự với tôi và nhờ bạn bè, thầy cô động viên, bạn dần lấy lại tinh thần để học và có tiến bộ hơn", cô Thư nói.
Bà Trần Thị Thanh Thủy - chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ phường 14 (quận 10, TP.HCM) - cho biết cả nhà Hân gần như phụ thuộc vào việc bán cá khô của mẹ ở chợ tự phát. Bà Thủy nói lúc nhận hũ tro cốt được mang đến nhà, hai cha con sốc đến độ không tiếp cả người đến thăm nhưng vì mưu sinh nên ông bố phải tập tành bán hàng để nuôi con ăn học.
"Bà con ở đây ai cũng nói bé Hân ngoan, lễ phép. Nay em ấy đậu đại học, mong em sẽ tiếp tục cố gắng học tốt để mai này có nghề nghiệp ổn định", bà Thủy chia sẻ.
Cùng Tuổi Trẻ tiếp sức tân sinh viên vượt khó đến trường
Học bổng Tiếp sức đến trường 2022 chính thức được khởi động từ ngày 8-8, dự kiến trao khoảng 1.000 suất, mỗi suất 15 triệu đồng. Tổng kinh phí hơn 15 tỉ đồng.
Khởi đầu với 27 suất trong mùa đầu tiên, sau mỗi năm số học bổng lại tăng lên nhờ kết nối từ nhiều nguồn, giúp cho nhiều tân sinh viên khó khăn đến với giảng đường cao đẳng, đại học.
Tính đến nay, học bổng Tiếp sức đến trường đã hỗ trợ 22.370 tân sinh viên khó khăn không bỏ lỡ ước mơ đến giảng đường với tổng số tiền hơn 164,5 tỉ đồng.
Mùa học bổng thứ 20 năm nay, báo Tuổi Trẻ phối hợp với 63 tỉnh, thành đoàn trong việc xét trao học bổng cho tân sinh viên có hoàn cảnh khó khăn trên cả nước.
Tuổi Trẻ cũng tiếp tục mở các kênh tiếp nhận đóng góp cho chương trình. Bạn đọc ủng hộ học bổng cho tân sinh viên vui lòng chuyển vào tài khoản báo Tuổi Trẻ: 113000006100, Ngân hàng Công thương (VietinBank) chi nhánh 3 TP.HCM. Nội dung: "Ủng hộ Tiếp sức đến trường cho tân sinh viên".
Bạn đọc, doanh nghiệp ở nước ngoài có thể chuyển khoản về báo Tuổi Trẻ: tài khoản USD 007.137.0195.845 Ngân hàng Ngoại thương TP.HCM; tài khoản EUR 007.114.0373.054 Ngân hàng Ngoại thương TP.HCM với Swift code BFTVVNVX007.
Báo Tuổi Trẻ sẵn sàng tiếp nhận đóng góp kinh phí, quà tặng, các thiết bị học tập (máy tính, balô, tập sách, gói data, các khóa học ngoại ngữ...), phương tiện đi lại, chỗ trọ miễn phí, việc làm cho tân sinh viên...
Hỗ trợ chương trình trực tiếp tại phòng tiếp bạn đọc báo Tuổi Trẻ (60A Hoàng Văn Thụ, phường 9, quận Phú Nhuận, TP.HCM - ĐT: 028.39973838) hoặc văn phòng đại diện báo tại các tỉnh thành.
Tân sinh viên cần giúp đỡ, hoặc người giới thiệu vui lòng cung cấp thông tin tại link này .
Đồ họa: NGỌC THÀNH
TTO - Truyền hình trực tiếp Lễ trao học bổng 'Tiếp sức đến trường' và giao lưu nghệ thuật 'Quảng Trị tình quê'. 100 suất học bổng của Tiếp sức đến trường sẽ chắp cánh cho các tân sinh viên đến với những vùng đất, môi trường học tập mới.
Xem thêm: mth.31051152240112202-id-noc-iov-iouc-mim-yah-iort-nert-o-em/nv.ertiout