Homestay trước đây của anh Hoàng Trường Quân ở TP Đà Lạt, Lâm Đồng - Ảnh: NVCC
Sau quá trình đi du lịch nhiều nơi, năm 2017 Hoàng Trường Quân (30 tuổi, quê Gia Lai) chọn Đà Lạt (Lâm Đồng) để gắn bó. Đang có việc tốt tại TP.HCM, anh sắp xếp mọi thứ và ba tháng sau lên Đà Lạt bắt đầu cuộc sống mới.
Quay về Sài Gòn sau hai năm ở Đà Lạt
Có kinh nghiệm kinh doanh, Quân tìm thuê căn nhà nằm sâu dưới thung lũng cách chợ Đà Lạt 3km để mở homestay và trồng trọt quy mô nhỏ.
"Trước giờ tay tôi chỉ toàn gõ bàn phím thôi, sau đó thì phải cuốc đất, bưng bê đồ đạc, cưa đóng đồ nội thất, trộn hồ... Tôi làm quen với cuộc sống mới rất nhanh và hài lòng với những gì tự làm được", Quân chia sẻ.
Tuy nhiên, anh cho biết việc kinh doanh và bám trụ Đà Lạt không đơn giản chỉ là đến đây du lịch hoặc kiếm việc làm, nương náu một thời gian ngắn.
Điều mà anh cũng như một số bạn trẻ bỏ phố về rừng dễ gặp phải là loay hoay trong việc ổn định chỗ ở, bởi giá bất động sản biến động nhanh.
Riêng trường hợp của Quân, người chủ đã bán nhà sau hơn một năm cho anh thuê. Dù được đền bù hợp đồng, số tiền đó không thấm vào đâu so với những gì anh đã đầu tư.
"Thời điểm đó homestay của tôi mới vừa đông khách sau thời gian sửa sang, làm marketing và gồng lỗ. Tuy nhiên, tôi cũng chấp nhận thực tế việc một thân một mình làm ăn ở nơi đang biến động như vậy luôn chứa đựng rủi ro" - Quân kể. Rồi anh quyết định về lại TP.HCM sau hơn hai năm gắn bó Đà Lạt.
Thời gian đầu, anh vẫn thương nhớ không khí xứ ngàn hoa, nhớ căn homestay có những căn phòng mang tên "phòng mùa thu", "phòng đón nắng"... Nhìn nhận việc kinh doanh homestay không thành nhưng anh chàng mộng mơ đã góp nhặt những điều ý nghĩa và làm giàu thêm tình yêu thiên nhiên, núi rừng.
Anh tâm sự nếu người ta chỉ đến với thành phố này vì mong muốn kiếm tiền, hưởng thụ thì sẽ dễ vỡ mộng. Cuộc sống của anh ở TP.HCM hiện ổn định và vẫn xem Đà Lạt là một nơi để trở về.
Anh Huỳnh Thọ làm việc ở TP Buôn Ma Thuột, cuối tuần về quê chăm sóc vườn sầu riêng
Nửa rừng, nửa phố
Tháng 9-2015, anh Huỳnh Thọ (31 tuổi, ngụ huyện Cư M’gar, Đắk Lắk) từ TP Buôn Ma Thuột trở về quê sau khi tốt nghiệp đại học ngành liên quan nông nghiệp. Là con nhà nông, gia đình sẵn đất đai nên anh quyết định mở nông trại cà phê, sầu riêng, bơ, tiêu trên mảnh đất 4ha.
Anh Thọ cho hay không phải tốn tiền thuê đất nhưng anh chật vật để xây dựng trang trại. Anh mới ra trường chưa lâu, số tiền tích lũy không nhiều, kinh nghiệm thực tế chưa bao nhiêu nên nhanh chóng "ngậm ngùi".
"Lúc đó tôi chưa trải nghiệm thực tế làm farm sẽ chuẩn bị thế nào, bắt đầu và duy trì ra sao. Có người cũng tư vấn theo cách họ làm, nhưng mình đâu làm theo được vì mỗi người mỗi khác.
Đợt đó cà phê đang có giá, nhưng khi bán ra cũng chỉ vừa đủ bù chi phí phân thuốc, tiền thuê công cán chứ không có lời, làm được hai vụ thì te tua hết", anh nói. Sầu riêng với tiêu cũng chết hàng loạt, cưa luôn bơ, anh đứt vốn và nản chí khi đối diện thất bại đầu đời.
Sau một năm rưỡi làm nông, anh trở lại TP Buôn Ma Thuột cách nhà khoảng 50km làm nhân viên kỹ thuật ngành điện lực. Đồng thời, anh cũng học hỏi và trau dồi thêm kiến thức về nông nghiệp.
Sau ba năm bám trụ thành phố, tích được một số vốn và tự tin hơn ngày xưa, anh Thọ nung nấu ý định về quê lập nghiệp lần thứ hai.
"Đợt dịch COVID-19 năm ngoái, công ty tôi giảm giờ làm, giảm lương, rồi bị blockdown từ tháng 5 đến tháng 8. Khi đó tôi cũng muốn về thử sức lại, lúc này có kinh nghiệm đầy mình rồi, trong ba năm ra thành phố cũng có đầu tư bản thân học thêm này kia nên lỡ về có thất bại cũng không sợ. Xác định nếu về làm lại vẫn không được thì trở ra phố làm việc tiếp", anh cho biết.
Tuy nhiên, lần này anh Thọ không rời phố hẳn. Anh chọn làm việc ở phố và dành hai, ba ngày cuối tuần về chăm sóc vườn sầu riêng được gầy dựng lại vào năm 2018.
Những ngày về làm ở thành phố, anh giao vườn cho người nhà trông coi, đồng thời thuê thêm nhân công. Vườn sầu riêng mới có khoảng 600 cây, anh Thọ cho hay bản thân đã đầu tư vốn từ năm ngoái đến nay cũng gần 200 triệu đồng.
"Năm rồi đã cho khoảng vài tấn trái bói, bù tiền phân thuốc, đến năm sau là thu hoạch được. Hiện chưa thu hồi vốn nhưng tôi thấy ổn lắm", anh nói.
Anh Nguyễn Văn Nhân hài lòng với cuộc sống trang trại tại Quảng Nam - Ảnh: NVCC
Kiên trì bám trụ
Ở chiều ngược lại, một số người trẻ dù trải qua muôn vàn khó khăn song vẫn kiên trì bám trụ. Nhiều người cho biết để có được những bức hình bỏ phố về rừng lung linh là cả một sự phấn đấu, cực khổ chứ chẳng phải thảnh thơi như trong hình.
Cũng lựa chọn rời Sài Gòn về Đà Lạt giống anh Quân, anh Vinh Trần chấp nhận từ bỏ công việc đang làm với mức thu nhập đáng mơ ước.
Năm 2014, anh mua miếng đất 1ha kế bên suối, cách trung tâm Đà Lạt tầm 20km với dự định khai hoang và mở một nhà hàng nhỏ giữa rừng. Khi bắt tay vào làm, anh bị "khớp" vì đất mình mua không có giấy tờ, khá khô cằn và thường bị lũ quét. May mắn anh trả lại được và mua một mảnh khác rồi bắt đầu sống đời nông dân.
Cuối năm 2015, khi dòng tiền bắt đầu cạn dần mà nhà cửa chưa xong, anh bắt đầu ra trung tâm thuê một ki ốt và mở cửa hàng thịt đông lạnh, sau đó chuyển sang mở nhà hàng nhỏ với các món bít tết bò nhập. Trải qua bảy năm trầy trật, trái ngọt lớn nhất của anh Vinh chính là một nhà hàng khá lớn và có tiếng tại xứ sở ngàn hoa.
Tương tự, năm 2017 anh Nguyễn Văn Nhân (30 tuổi) quyết định nghỉ việc ở Đà Nẵng, về quê (thị xã Điện Bàn, Quảng Nam) thuê đất mở trang trại trồng trọt và chăn nuôi theo lối thuận tự nhiên. Anh kể rằng mình cũng gặp không ít khó khăn. Khi chủ lấy lại đất hồi ba năm trước, anh phải chuyển sang thuê một khu đất 3,5ha khác.
Trong trận bão vừa rồi, trang trại của anh bị ảnh hưởng kha khá, chuối gãy đổ do chưa kịp tỉa và chống buồng.
Trước đây, anh Nhân học khối ngành kỹ thuật rồi lại chuyển qua làm nông nên chưa rành rọt trong thời gian đầu. Rồi anh vừa làm vừa rút kinh nghiệm, tham khảo mô hình nước ngoài, dành thời gian đi đây đó và quan sát cách làm của nhà nông ở địa phương khác.
"Tôi cũng học hỏi từ bạn bè, tự đi bán nông sản, dần dần có kinh nghiệm thuyết phục khách hàng và tìm được một đơn vị bao tiêu", anh chia sẻ. Sau quá trình kiên trì, ngoài nguồn thu mỗi năm vài trăm triệu đồng, trang trại của anh còn tạo việc làm cho lao động địa phương. Giờ đây, gia đình nhỏ của anh Nhân sống cùng nhau ở trang trại với sự hài lòng khi lựa chọn rời phố về quê...
Từ chuyên viên tư vấn ngành dịch vụ, quần áo lịch lãm, thời gian đó tôi y như ông thợ rừng, quần áo thâm kim, râu ria, giày bốt luôn dính đầy bùn đất. Mẹ tôi lên thăm đã khóc hết cả nước mắt.
Anh VINH TRẦN
Cần có sự chuẩn bị tốt
Từ kinh nghiệm của mình, anh Trường Quân nhận thấy bạn trẻ muốn về rừng thì điều quan trọng nhất là trang bị tài chính, định hướng công việc phù hợp với môi trường mới.
Còn theo anh Văn Nhân, ngoài những yếu tố này, bạn trẻ cần xác định rõ định hướng và kiên quyết với con đường đã chọn vì quá trình bỏ phố về rừng cũng lắm chông gai. Cuộc sống ở vườn cũng không chỉ có mỗi công việc làm nông.
"Mỗi người phải chuẩn bị nhiều thứ mới có thể bền vững, nếu không thì rất dễ rơi vào tình trạng loay hoay, nản lòng. Và không nhất thiết về vườn ngay, bạn trẻ có thể đi tìm hiểu các nơi, tích lũy vốn liếng, kiến thức rồi hẵng quyết định", anh Nhân nói.
TTO - Sau đợt dịch COVID-19, nhiều người muốn sống trong một không gian gần gũi với thiên nhiên hơn, sống chậm hơn, an nhiên hơn... và đã chọn cách "bỏ phố về rừng".
Xem thêm: mth.84782509050112202-aoh-om-caig-ihc-uad-gnur-ev-ohp-ob/nv.ertiout