Em Lê Bá Phát, học sinh lớp 6A3 Trường THCS Thụy Phương, quận Bắc Từ Liêm, cùng các bạn trong nhóm đang định hình khung chiếc mũ bảo hiểm từ các nguyên liệu được chương trình cung cấp - Ảnh: NGUYÊN BẢO
Hội trại Sáng tạo STEM 2022 do Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hà Nội và Tổ chức Kenan Foundation Asia (Kenan) phối hợp tổ chức. Chương trình năm nay có sự tham gia của 400 học sinh đến từ 10 trường THCS trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Hai hoạt động chính được lựa chọn trong hội trại Sáng tạo STEM 2022 gồm chế tạo mũ bảo hiểm và chế tạo thiết bị cảnh báo dịch bệnh, bảo vệ tế bào khỏi sự xâm nhiễm của vi rút. Các học sinh phân nhóm năm người để thực hiện đề tài.
Em Lê Bá Phát, học sinh lớp 6A3 Trường THCS Thụy Phương, quận Bắc Từ Liêm, cho biết nhóm em được giao các nguyên liệu để chế tạo mũ bảo hiểm.
"Khi nhận nguyên vật liệu cho sẵn như giấy bạc, bông, bìa cứng, chúng em đã chia nhiệm vụ cho từng thành viên và thực hiện quy trình năm bước để tạo nên một sản phẩm. Bộ môn STEM quan trọng ở tính sáng tạo, tinh thần đoàn kết và phải có khả năng lãnh đạo", Phát chia sẻ.
Bà Lê Hoàn Châu, hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Trãi, quận Ba Đình, Hà Nội, cho hay từ nhiều năm nay, nhà trường đã quan tâm tới giáo dục STEM. Có những thời điểm nhà trường đưa tiết học giáo dục STEM vào chương trình học với học sinh khối 6, 7.
"Hai chủ đề thiết bị cảnh báo dịch bệnh và làm mũ bảo hiểm đều là những chủ đề rất gần gũi với các em học sinh, các em có thể vận dụng kiến thức từ các môn tự nhiên đã học ở bậc THCS như hóa học, sinh học, vật lý… để vận dụng làm ra những sản phẩm phù hợp.
Từ khi đưa giáo dục STEM vào trong trường học, các em học sinh trở nên năng động, sáng tạo, có tư duy phản biện, vận dụng kiến thức liên môn để giải quyết các vấn đề trong thực tế cuộc sống", bà Châu nói.
Theo ông Vũ Hải Linh, quản lý dự án Tăng cường giáo dục khoa học tại Việt Nam 2021-2025, thông qua hội trại, các học sinh sẽ được làm quen với quy trình thiết kế kỹ thuật, được tập trung xây dựng các kỹ năng lãnh đạo, kỹ năng hợp tác, sáng tạo và phản biện.
"Những thầy cô đang hướng dẫn các bạn học sinh ngày hôm nay đều là những thầy cô đã tham gia dự án rất nhiều năm, cách mà họ tư duy, hướng dẫn học sinh cũng sẽ rất khác. Đây chính là một trong hai điều mà dự án đang tập trung thay đổi", ông Linh nói.
TTO - Giáo dục STEM đang trở thành chiến lược giáo dục mới của nhiều nước trên thế giới, trong đó có khu vực Đông Nam Á.
Xem thêm: mth.76542053150112202-hneb-hcid-oab-hnac-ib-teiht-meih-oab-um-mal-iht-2-pac-ort-coh/nv.ertiout