Tờ CNBC nhận định, kể từ khi CEO Elon Musk của Tesla tuyên bố mua lại mạng xã hội Twitter, cổ phiếu của nhà sản xuất xe điện này đã giảm tới hơn 35%. Đóng cửa phiên giao dịch ngày thứ 6, cổ phiếu này vẫn giảm 3,6% trong bối cảnh thị trường phục hồi sau một tuần đầy biến động. Trong khi đó, chỉ số Nasdaq Composite giảm khoảng 18% trong cùng giai đoạn.
Lần đầu tiên Musk thông báo rằng ông đồng ý mua Twitter là vào ngày 25/4/2022. Cổ phiếu Tesla đóng cửa phiên giao dịch ngày hôm đó ở mức 332,67 USD/1 cổ phiếu và đóng cửa phiên giao dịch ngày thứ 6 vừa qua ở mức 207,47 USD – đánh dấu kết thúc tuần đầu tiên sở hữu Twitter.
Cũng trong ngày thứ 6, Musk đã phát biểu tại Hội nghị đầu tư Baron thường niên lần thứ 29. Tại đây, nhà đầu tư Ron Baron - người hiện là cổ đông của cả Tesla, SpaceX và Twitter – cũng là người vốn rất lạc quan về các hoạt động kinh doanh của Musk - đã hỏi vị CEO tỷ phú về cách sắp xếp công việc với những trách nhiệm mới.
Ngoài việc điều hành một nhà sản xuất tên lửa và internet vệ tinh (SpaceX), công ty xe điện đa quốc gia và năng lượng bền vững (Tesla), đầu tư và thành lập một công ty chip não (Neuralink) và mảng kinh doanh đào hầm (The Boring Company), Musk hiện tự gọi mình là “Chief Twit” (sếp Twitter). Chính thức hơn, ông ấy là CEO và giám đốc duy nhất của Twitter sau thương vụ trị giá 44 tỷ USD.
Đáp lại thắc mắc của Baron, Musk trả lời: "Khối lượng công việc của tôi tăng lên từ khoảng đâu đó 78 giờ một tuần lên 120 giờ/tuần". Nhưng, "một khi Twitter hoạt động trên con đường đúng đắn, tôi nghĩ rằng điều hành nó sẽ dễ dàng hơn nhiều so với SpaceX hoặc Tesla”.
Hiện tại, Musk chưa cho biết ai, hoặc nếu có ai, có thể thay thế ông làm Giám đốc điều hành Twitter. Trước đó, ông đã nói với những người theo dõi trên Twitter rằng vị trí giám đốc và CEO duy nhất của mạng xã hội này chỉ là tạm thời.
Việc Musk thâu tóm thành công Twitter đã khiến một số thương hiệu bao gồm cả nhà sản xuất ô tô GM và Audi, phải tạm dừng chi tiêu quảng cáo trên mạng xã hội này. Nhưng không rõ việc này sẽ tác động đến Tesla như thế nào về lâu dài.
Tesla từ lâu đã dựa vào Twitter và lượng người theo dõi đông đảo của Elon Musk ở đó để phổ biến thông tin cho các cổ đông. Thậm chí, Musk cũng sử dụng Twitter để quảng bá tất cả các công ty, sản phẩm và cả hình ảnh bản thân của mình. Ông thường xuyên truyền cảm hứng cho người hâm mộ, theo dõi mình trên Twitter trong việc công kích từ các cá nhân tới cơ quan quản lý như Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch, các phóng viên và cả những người ủng hộ an toàn ô tô, những người được coi là quá chỉ trích Tesla.
Để quản lý Twitter, Musk đã ủy quyền cho hơn 50 nhân viên Tesla của mình, chủ yếu là từ bộ phận Autopilot và các kỹ sư phần mềm khác, cùng với một số cố vấn và người hỗ trợ đáng tin cậy từ các doanh nghiệp khác của ông. Ông vẫn chưa giải thích lịch trình của nhân viên Tesla sẽ được phân chia như thế nào, trách nhiệm của họ đối với Twitter và Tesla sẽ được trả lương ra sao và có mối tương quan như thế nào.
Tại hội nghị các nhà đầu tư, Musk cũng nhắc lại rằng Tesla vẫn có ý định phát triển một chiếc xe điện ít tốn kém hơn chiếc sedan Model 3 của hãng. Ông cũng nêu lại mục tiêu có thể sản xuất 40.000 chiếc ô tô mỗi ngày.
Musk cũng cho biết, với mức độ sản xuất này sẽ cần rất nhiều pin, và tất cả các kim loại và vật liệu khác cần thiết để chế tạo chúng. Có vẻ như ngày càng có nhiều khả năng Tesla sẽ cần phải trực tiếp tham gia vào việc khai thác, thay vì phụ thuộc hoàn toàn vào các nhà cung cấp bên ngoài.
Baron tiếp tục đặt ra câu hỏi rằng liệu Tesla có đang thảo luận hoặc xem xét đầu tư vào công ty kinh doanh, khai thác khoáng sản Glencore hay không, như một số hãng tin đã đưa tin trước đó. Musk nói, “Chúng tôi chưa bao giờ dự định đầu tư vào Glencore”. Ông nhấn mạnh khi nói đến khai thác lithium: “Tôi đang nói về Tesla, tự mình làm việc đó”.
Sự sụt giảm cổ phiếu của Tesla kể từ khi Musk công bố thỏa thuận vào tháng 4 tệ hơn nhiều so với các nhà sản xuất ô tô cùng ngành. Cổ phiếu GM và Ford lần lượt giảm khoảng 2% và 11%, trong khi nhà sản xuất xe điện Rivian đã giảm chỉ hơn 5%.
Nguồn: CNBC