Đọc “mật khẩu” mới được vào bar
Không ồn ào hay bật nhạc xập xình để thu hút khách, bởi có lẽ, đã là “dân chơi” thì quán bar nào hay, vui đã nằm trong lòng bàn tay. Chưa hết, nếu mở cửa đón khách, nghiễm nhiên việc kinh doanh “bóng cười” sẽ dễ bị lộ hơn. Do vậy, nhiều quán bar ở phố cổ Hà Nội hiện nay đã chọn cách đóng chặt cửa và chỉ đón khách đã đặt bàn trước đó.
Theo chân các trinh sát tới quán bar nằm trong con ngõ nhỏ trên phố Hai Bà Trưng, phường Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm. Nếu chỉ nhìn từ bên ngoài vào, có thể người ta sẽ hiểu nhầm quán bar Roman 9 có địa chỉ tại số 12, ngõ 14 Hai Bà Trưng chỉ là một căn hộ bình thường. Không một thứ âm thanh nào lọt ra được bên ngoài.
Chỉ nhìn bên ngoài, không ai biết bên trong quán bar này rất sôi động, và chắc chắn phải đọc đúng "mật khẩu" thì mới được vào bên trong quán |
Đóng vai khách hàng, phóng viên An ninh Thủ đô sau khi đọc “mật khẩu” đặt bàn trước đó thì cũng phải chờ tới 5 phút để nhân viên bên trong quán “check” lại rồi cửa mới mở. Dù quán khá nhỏ nhưng nhân viên lại rất đông, kiểm soát ngặt nghèo việc ra vào.
Tương tự như Roman 9, để được vào ngồi bàn ở Lavita Coffee tại số 9 Nguyễn Khắc Cần, phóng viên đã phải đặt bàn từ sớm và hẹn giờ. Nếu giờ hẹn mà không tới, nhân viên của quán sẽ nhắn tin hỏi. Còn để vào được bên trong, tất nhiên khách hàng phải “nhập pass”.
Nhân viên kiểm soát nhiều vòng, ngay cả khi đã ngồi vào bàn thì nhân viên của quán cũng sẽ theo dõi sát sao, nếu thấy có nghi ngờ sẽ ngay lập tức phi tang các vật chứng như hóa đơn, “xác bóng cười”, bình khí N2O (“khí cười”)…
Những chiếc bình "khí cười" này được giấu kín trong kho nhỏ, đằng sau cánh cửa hẹp đã khóa chặt mà bên ngoài xếp đồ đạc bừa bộn |
Thay vì để vào góc khuất, hoặc tìm nơi che chắn tốt, quán bar Lavita đã mở riêng một kho làm nơi chuyên chứa các bình “khí cười”. Khi tổ công tác Đội Cảnh sát kinh tế - Công an quận Hoàn Kiếm vào kiểm tra, quản lý của quán đã dẫn đường đi một vòng thậm chí cả nhà kho để chứng minh quán không bán “bóng cười”.
Tuy nhiên, do bị kiểm tra bất ngờ, những vật chứng quan trọng chưa kịp phi tang như hóa đơn hay cả một thùng nhựa đựng vỏ bóng cao su hàng nghìn cái. Khi được hỏi, nhân viên quán khẳng định đã dừng bán “bóng cười” từ lâu sau khi được Công an quận Hoàn Kiếm yêu cầu ký cam kết, nhưng trên hóa đơn lại hiển thị ngày bán là 1-11.
Kiểm tra khu nhà bếp, trinh sát phát hiện một cánh cửa rất hẹp nằm sâu bên trong, được che chắn bởi những đồ đạc để bừa bộn, lỉnh kỉnh. Viện dẫn đủ lý do để không phải mở cửa, cuối cùng thì bằng cách nào đó, chiếc cửa bật mở lộ ra cả kho bình khí lớn nhỏ các loại.
Để bước chân vào bên trong kia, không chỉ là phải đặt bàn trước, mà còn "nhập" đúng "pass" vì dàn nhân viên chắc chắn sẽ kiểm soát ngặt nghèo |
Chỉ huy Đội Cảnh sát kinh tế - Công an quận Hoàn Kiếm cho biết, không chỉ sử dụng… nhà hàng xóm để làm nơi đặt bình “khí cười” rồi luồn dây bơm, hay đào hố ga ngay trong khu vực quán để chứa, hoặc xếp những thùng vỏ chai lên chính những bình khí để ngụy trang, thì việc đóng cửa quán bar như một lô cốt là cách thức đối phó của nhiều cơ sở kinh doanh bar, vũ trường đang làm hiện nay.
“Rất khó để vào được những quán bar này. Sau mỗi lần kiểm tra, xử lý, họ lại có cách thức đối phó khác nhau. Nếu trinh sát không giỏi, chuyên môn nghiệp vụ không nhạy bén thì sẽ gặp nhiều khó khăn khi tìm cách tiếp cận” - Thiếu tá Phạm Mạnh Hà - Phó đội trưởng Đội Cảnh sát kinh tế, Công an quận Hoàn Kiếm cho biết.
Quyết liệt bằng hành động
“Không phải khi CATP triển khai kế hoạch xử lý các vi phạm liên quan đến “bóng cười” chúng tôi mới làm, mà trên thực tế đây là công tác thường xuyên của Công an quận Hoàn Kiếm. Chúng tôi xác định, phải làm bằng được, làm triệt để, “quét” sạch “bóng cười” nhằm đảm bảo an toàn sức khỏe cho người dân. Bởi vì sao?
Đa số những thực khách đến với các quán bar này đều là giới trẻ, thanh, thiếu niên, thậm chí có cả những cháu ở độ tuổi chưa thành niên, nhận thức về tác hại của “bóng cười” còn rất hạn chế. Trong khi đó, chưa có một chế tài nào đủ mạnh để răn đe mà ngược lại lợi nhuận thu được từ việc kinh doanh mặt hàng này lại rất lớn. Do đó, các cơ sở dường như bất chấp để thu lợi. Nếu không làm thẳng tay, triệt để, quyết liệt, tôi lo ngại về những hệ lụy trong tương lai liên quan đến sức khỏe của các cháu” - Đại tá Hà Mạnh Hùng, Trưởng Công an quận Hoàn Kiếm thẳng thắn nhìn nhận.
Ủng hộ quan điểm của Công an quận Hoàn Kiếm trong việc mạnh tay xử lý “bóng cười”, cô Nguyễn Thị T.V, một giáo viên THPT trên địa bàn Hà Nội bày tỏ: “Tôi cho rằng việc xử lý “bóng cười” hay các chất kích thích là điều cấp thiết. Bản thân gắn bó với các thế hệ học sinh, trước đây, các em ngoài giờ học có thể rủ nhau chơi game online giải trí đã là không tốt rồi, nhưng giờ các em sẵn sàng lên bar, hoặc một số quán kinh doanh cà phê nhạc mạnh để sử dụng “bóng cười”.
Công an quận Hoàn Kiếm đã tăng cường thêm lực lượng, quyết tâm "quét" sạch "bóng cười" khỏi địa bàn |
Các ý kiến chuyên gia đều khẳng định khí N2O có tác động tiêu cực đến hệ thần kinh, sức khỏe của các em. Nên tôi rất ủng hộ lực lượng công an và mong rằng các bậc phụ huynh hãy quan tâm đến con em mình hơn, giáo dục các em cái gì là không tốt, định hướng cho các em cách thức lựa chọn việc giải trí phù hợp và an toàn”.
Chị Mai Thị Thu Tâm (phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội) cho rằng, trẻ em hiện nay tiếp xúc với quá nhiều phương tiện, công cụ giải trí. Việc quản lý con em là trách nhiệm của gia đình, nhà trường, nhưng nếu như không cấm hay không có một chế tài nào đủ mạnh thì các em sẽ cho đó là bình thường.
“Nó giống như việc đội mũ bảo hiểm, nếu các con điều khiển phương tiện ra đường mà không đội mũ bảo hiểm thì sẽ bị phạt vì quy định rõ ràng trong luật rồi. Nhưng ở đây, không ai cấm các con sử dụng “bóng cười” mà chỉ khuyến cáo thì khác gì thuốc lá đâu. Ai cảm thấy cần phải bảo vệ sức khỏe thì không dùng và ngược lại. Nên chăng phải có chế tài xử lý vi phạm hành chính cả những người sử dụng và tôi nghĩ phải xử lý mạnh tay” - Chị Thu Tâm nêu quan điểm.
Cho đến thời điểm hiện tại, việc kinh doanh “bóng cười” vẫn đang chỉ dừng lại ở việc xử phạt vi phạm hành chính. Trong khi đó, lợi nhuận “khủng” khiến các cơ sở kinh doanh tìm đủ cách để đối phó với các cuộc kiểm tra của lực lượng công an, các tổ công tác liên ngành. Rất khó để xử lý triệt để vi phạm liên quan đến “bóng cười”.
Liệu mấy ai trong số những nam nữ thanh niên kia nhận thức được tác hại của "bóng cười" |
Đại tá Hà Mạnh Hùng cũng khẳng định rất rõ, trước khi có một chế tài đủ mạnh để xử lý, thì dù vất vả ngày đêm, cán bộ chiến sĩ Công an quận Hoàn Kiếm vẫn sẽ triển khai thường xuyên, liên tục việc kiểm tra các cơ sở kinh doanh bar, sàn, vũ trường, louge… Mục tiêu là “quét” sạch “bóng cười” ra khỏi địa bàn.
Và trên thực tế, đơn vị hiện đã tăng cường Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, tập trung lực lượng mạnh tay, kiên quyết không có “can thiệp”, “xin xỏ” và xử lý nghiêm những cơ sở tái phạm.
Hy vọng dù mong manh rằng, giới trẻ hãy dần nhận thức rõ hơn nữa về tác hại của “bóng cười” và các chất kích thích. Không phải ngẫu nhiên mà lực lượng chức năng vào cuộc quyết liệt đến vậy. Xin nhắc lại, có cầu ắt có cung, khi và chỉ khi nhu cầu không còn, khi ấy “bóng cười” mới thực sự không còn là lo ngại của toàn xã hội.