Câu chuyện bắt nguồn từ việc xử lý chưa khéo léo theo nhìn nhận từ chính ban giám hiệu nhà trường xung quanh việc đóng bảo hiểm y tế (BHYT) của học sinh. Một số em chưa nộp bảo hiểm đúng hạn nên nhà trường gọi tên, nhắc nhở, mời phụ huynh vào sáng thứ hai đầu tuần. Và chiều hôm đó xảy ra sự việc đau lòng trên.
Chỉ tiêu tréo ngoe
Môi trường học đường hẳn đã một phen hú hồn, náo loạn và cảnh thầy hiệu trưởng quỳ gối trước mặt phụ huynh, học sinh và giáo viên quả là một nốt lặng buồn da diết về cách cư xử thiếu tôn trọng, hao hụt lễ nghĩa của phụ huynh đối với những người thầy đang gánh trọng trách giáo dục trẻ.
Và đằng sau câu chuyện hao hụt văn hóa ứng xử giữa hai chân kiềng nhà trường - gia đình ấy, tôi thấy một thực trạng tréo ngoe vẫn đang âm thầm tồn tại trong nhà trường phổ thông bấy lâu nay. Đó là việc huy động người học tham gia BHYT với chỉ tiêu cao ngất ngưởng: 100% học sinh tham gia.
Học sinh, sinh viên là một trong những nhóm đối tượng sớm được triển khai BHYT bắt buộc từ ngày 1-1-2010, theo quy định tại Luật BHYT năm 2008. Việc thực hiện BHYT học sinh, sinh viên đã được quy định, luật hóa một cách thống nhất, nằm trong chủ trương thực hiện BHYT toàn dân và mang tính bắt buộc.
Thông tư liên tịch 41/2014/TTLT-BYT-BTC ngày 24-11-2014 của liên bộ Y tế - Tài chính hướng dẫn thực hiện BHYT quy định cơ sở giáo dục thu tiền đóng phần thuộc trách nhiệm phải đóng của học sinh, sinh viên 6 tháng hoặc 1 năm/lần nộp vào Quỹ BHYT.
Trên đe, dưới búa
Việc thực hiện BHYT toàn dân là một chủ trương đúng đắn và nhân văn của Nhà nước, tuy nhiên cách thức tuyên truyền, tổ chức triển khai thực hiện chưa nâng cao nhận thức về ý nghĩa của việc chăm sóc sức khỏe học đường đối với một bộ phận phụ huynh. Từ đây, một số gia đình rất lơ là, lơi lỏng nghĩa vụ đóng BHYT bắt buộc cho con em đến trường.
Và trách nhiệm huy động học sinh nộp BHYT đủ 100% từ cấp trên giao khoán cho nhà trường gặp nhiều trở ngại. Nhà trường liên tục hối thúc giáo viên chủ nhiệm, giáo viên nhắc nhở học sinh liên hồi nhưng đâu phải lúc nào cũng đảm bảo số lượng.
Nhiều trường học còn đưa chỉ tiêu nộp BHYT vào đánh giá, bình xét thi đua giáo viên vào cuối năm học. Thậm chí, nhiều trường khá căng thẳng với giáo viên nếu chẳng may lớp không nộp đủ chỉ tiêu.
Lắm lúc gánh áp lực từ ban giám hiệu xung quanh chuyện thu nộp BHYT, chúng tôi cũng ấm ức nhưng cũng thấu hiểu phần nào khối áp lực khổng lồ của nhà trường trước cảnh "trên đe dưới búa". Cấp trên nhắc nhở, hối thúc chỉ tiêu BHYT. Phụ huynh gây áp lực nếu chẳng may con em người ta ốm đau bất ngờ.
Lúc bình thường, khi khỏe mạnh sẽ chẳng mấy khi đụng đến tấm thẻ BHYT. Nhưng chẳng may ốm đau, bệnh tật mới thấy tấm thẻ bảo hiểm là lá chắn bảo vệ sức khỏe và đỡ đần gánh nặng chi phí khám chữa bệnh cho học sinh quý giá biết bao.
Nhiều trường hợp trẻ quên đóng bảo hiểm hoặc đóng trễ, nối hạn BHYT chưa kịp nhưng đổ bệnh, phụ huynh đến trường làm ầm lên đòi quyền lợi. Thế nhưng khi nhà trường rà soát, giáo viên nhắc nhở thì phụ huynh lại thờ ơ.
Nhân đây, tôi xin tha thiết kiến nghị: Hãy "cởi trói" cho nhà trường và giáo viên chủ nhiệm thoát khỏi nhiệm vụ huy động 100% học sinh đóng BHYT. Nên chăng việc thu nộp BHYT có lẽ nên tính toán gộp vào bảo hiểm theo hộ gia đình và có địa chỉ thu nộp ở từng khu phố, thôn xóm.
Thông cảm và thấu hiểu
Trong câu chuyện buồn ở Trường tiểu học Sơn Lâm, rõ ràng cách huy động học sinh đóng BHYT bằng cách gọi tên phê bình trước tập thể thật sự chưa tế nhị. Nhưng mong rằng dư luận hãy thấu hiểu và cảm thông cho áp lực vận động thu nộp BHYT mà mỗi trường học đang gồng gánh.
TTO - Vụ việc phụ huynh Trường tiểu học Sơn Lâm (tỉnh Hà Tĩnh) xách dao xông vào trường đe dọa nhiều giáo viên, bắt hiệu trưởng nhà trường phải quỳ và xin lỗi đang gây xôn xao dư luận.
Xem thêm: mth.31245842260112202-gnohk-coud-meih-oab-uht-ueit-ihc-ob/nv.ertiout